Nguồn: HSC
Lợi nhuận Q2/2022 tăng mạnh 41%; vượt nhẹ dự báo
Tóm tắt
Sự kiện: Công bố KQKD Q2/2022 vào ngày 29/7
BID đã công bố KQKD Q2/2022 với LNTT đạt 6.570 tỷ đồng (tăng 41% so với cùng kỳ), chủ yếu xuất phát từ: tổng thu nhập HĐ (tăng 5% so với cùng kỳ) tăng nhẹ và chi phí dự phòng (giảm 25% so với cùng kỳ) giảm.
LNTT 6 tháng đầu năm đạt 11.084 t ỷ đồng (tăng 38% so với cùng kỳ), bằng 52% dự báo của HSC cho cả năm 2022 và vượt dự báo một chút.
Tín dụng tiếp tục tăng trưởng khá trong Q2
Tổng tín dụng Q2/2022 tăng 9,3% so với đầu năm (tăng 4,5% so với quý trước) đạt 1,497 triệu tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ cho vay tăng 9,5% so với đầu năm (tăng 4,6% so với quý trước) đạt 1,483 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, TPDN giữ ổn định ở 14 nghìn tỷ đồng (bằng khoảng 1% tổng tín dụng). BID đã gần sử dụng hết hạn mức tín dụng được giao (10%) và đang xin thêm hạn mức giống như các NHTM khác.
Cho vay khách hàng cá nhân (tăng 12% so với đầu năm) là động lực tăng trưởng chính, đóng góp 42% vào tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối Q2/2022, tăng từ 40% tại thời điểm cuối năm 2021.
Về mặt huy động, tiền gửi khách hàng chỉ tăng 1,9% so với đầu năm trong khi vốn huy động từ thị trường liên ngân hàng tăng hơn gấp đôi so với đầu năm đạt 208 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tại thời điểm cuối Q2/2022 là 19,8%; giảm nhẹ từ mức 20,3% tại thời điểm cuối Q1/2022 và tương đương tại thời điểm cuối Q4/2021. Điều này một phần là vì lãi suất huy động đã hồi phục trong Q2. Tuy nhiên, tính đến cuối Q2/2022, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của BID vẫn được duy trì tương đối tốt.
Tỷ lệ NIM được giữ vững
Tỷ lệ NIM Q2/2022 tăng 9 điểm cơ bản so với quý trước (giảm 10 điểm cơ bản so với cùng kỳ) xuống còn 3,07% với lợi suất gộp tăng 6 điểm cơ bản so với quý trước (giảm 42 điểm cơ bản so với cùng kỳ) và chi phí huy động giảm 3 điểm cơ bản so với quý trước (giảm 31 điểm cơ bản so với cùng kỳ). Tỷ lệ NIM của BID không chịu nhiều ảnh hưởng từ sự hồi phục của mặt bàng lãi suất huy động nhờ có nguồn huy động tốt vì là NHTM có vốn nhà nước. Ngoài ra, việc tiếp tục mở rộng cho vay khách hàng cá nhân cũng là một động lực giúp tỷ lệ NIM tăng.
Tóm lại, thu nhập lãi thuần tăng 13% so với cùng kỳ đạt 14,6 nghìn tỷ đồng trong Q2/2022 và tăng 16% so với cùng kỳ đạt 27,4 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022; sát với dự báo của HSC.
Thu nhập ngoài lãi bền vững nhờ lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối
Tổng thu nhập ngoài lãi Q2/2022 giảm 19% so với cùng kỳ đạt 3.527 tỷ đồng. Trong đó, lãi thuần HĐ dịch vụ giảm 14% so với cùng kỳ xuống còn 1.503 tỷ đồng do tác động của chính sách miễn phí giao dịch áp dụng từ đầu năm 2022. Trong khi đó, lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối tăng mạnh 54,2% so với cùng kỳ đạt 624 tỷ đồng; thu nhập khác (chủ yếu từ thu hồi nợ xấu ngoại bảng) giảm 39% so với cùng kỳ còn 1.336 tỷ đồng.
Tổng thu nhập ngoài lãi 6 tháng đầu năm 2022 bằng 44% dự báo của HSC cho cả năm và thấp hơn một chút so với kỳ vọng.
Chi phí HĐ Q2 tăng trong nhưng vẫn được kiểm soát tốt
Tổng chi phí HĐ Q2/2022 tăng 26% so với cùng kỳ đạt 5.194 tỷ đồng. Cụ thể, chi phí lương tăng 33% so với cùng kỳ lên 3.065 tỷ đồng, chi phí quản lý khác tăng mạnh 40% so với cùng kỳ lên 1.122 tỷ đồng. Số lượng nhân viên tăng 4,6% so với cùng kỳ lên 27.881 người. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, chi phí HĐ tăng vừa phải ở mức 17% so với cùng kỳ lên 9.615 tỷ đồng.
Hệ số CIR là 27,7% trong 6 tháng đầu năm 2022, giảm từ mức 31% trong năm 2021.
Chất lượng tài sản tiếp tục cải thiện
Tổng nợ xấu tăng 10% so với quý trước (tăng 14% so với đầu năm) lên 15.139 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ lên 1,02% từ 0,97% tại thời điểm cuối Q4/2021. Trong khi đó, tỷ lệ nợ nhóm 2 giảm 12% so với quý trước (tăng 11% so với cùng kỳ) lên 17.311 tỷ đồng (bằng 1,17% dư nợ cho vay). Hệ số LLR vẫn ở mức cao là 263%, tăng từ 259% tại thời điểm cuối Q1/2022.
Chi phí dự phòng giảm 26% so với cùng kỳ xuống còn 6.381 tỷ đồng trong Q2/2022 và giảm 12% so với cùng kỳ xuống còn 13.772 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022, theo đó chi phí tín dụng theo năm là 2,03% (so với 2,29% trong năm 2021). HSC tin rằng năm 2022 sẽ đánh dấu xu hướng đi xuống bền vững của chi phí tín dụng của BID từ nền cao trong các năm trước (bình quân 4 năm qua là 2,06%) khi Ngân hàng hoàn thành quá trình tái cơ cấu các tài sản xấu.
HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo
Hiện BID có P/B dự phóng năm 2022 là 2,03 lần, cao hơn 57% so với CTG nhưng vẫn thấp hơn 25% so với VCB. Hiện giá cổ phiếu BID đã tăng 30% kể từ khi HSC nâng khuyến nghị vào ngày 29/6/2022.
HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo.