Ngân hàng ĐT và PT Việt Nam (BID): Nền tảng căn bản cải thiện trong khi định giá rẻ hơn

Nguồn: HSC

Nền tảng căn bản cải thiện trong khi định giá rẻ hơn

 

BID

 

Tóm tắt

HSC giữ nguyên giá mục tiêu tại 40.300đ (tiềm năng tăng giá 27%) và nâng khuyến nghị lên Mua vào (từ Tăng tỷ trọng) sau khi giá cổ phiếu giảm gần đây.

Chúng tôi giữ nguyên dự báo cho năm 2022-2024, đạt được nhờ tổng thu nhập HĐ tăng trưởng tích cực và chi phí dự phòng đi ngang. Lợi nhuận thuần 3 năm dự báo tăng trưởng với tốc độ CAGR 37,5%.

Định giá BID đã rẻ hơn với P/B trượt dự phóng 1 năm là 1,41 lần (gần mức đáy 1,32 lần trong đại dịch Covid), cao hơn 26% so với bình quân các NHTM niêm yết. BID xứng đáng được định giá cao nhờ triển vọng tích cực sau tái cơ cấu và tiềm năng định giá lại nhờ kế hoạch tăng vốn sắp tới.

Sự kiện: Đánh giá triển vọng năm 2022-2024

Tại Hội nghị Emerging Vietnam 2022 do HSC tổ chức, ban lãnh đạo BID chia sẻ KQKD 5 tháng đầu năm 2022 sát kỳ vọng với lợi nhuận tăng trưởng tích cực và chất lượng tài sản được cải thiện. Lợi nhuận thuần 5 tháng đầu năm 2022 đạt 8,5 nghìn tỷ đồng, bằng 41% dự báo của HSC cho cả năm 2022. Ngân hàng kỳ vọng LNTT cả năm 2022 sẽ vượt 20 nghìn tỷ đồng, thấp hơn một chút so với dự báo của HSC là 21 nghìn tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 5 là 0,9% (so với 0,81% cuối tháng 3), hệ số LLR là 261% (so với 259% tại thời điểm cuối tháng 3). Chúng tôi tin rằng đây sẽ tiếp tục là động lực để BID giảm bớt được chi phí tín dụng trong tương lai. Tăng trưởng tín dụng của BID gần như đã chạm đến hạn mức được giao là 8%, nên Ngân hàng đang xin NHNN nâng hạn mức.

Tác động: Duy trì dự báo năm 2022-2024

HSC duy trì dự báo lợi nhuận năm 2022-2024 với lợi nhuận thuần 3 năm tăng trưởng với tốc độ CAGR 37,5%. Động lực chính là tổng thu nhập HĐ tăng trưởng tích cực và chi phí dự phòng đi ngang. Dự báo của chúng tôi thấp hơn bình quân dự báo trên thị trường, chủ yếu vì HSC đã đưa tác động pha loãng từ kế hoạch phát hành riêng lẻ sắp tới vào mô hình của mình.

Định giá và khuyến nghị

HSC giữ nguyên giá mục tiêu dựa trên phương pháp thu nhập thặng dư tại 40.300đ (tiềm năng tăng giá 27%). Tại giá mục tiêu, P/B dự phóng năm 2022 là 2,14 lần (cao hơn 11% so với bình quân các NHTM niêm yết, bao gồm CTG). Giá cổ phiếu BID đã giảm 29% trong 3 tháng qua, trong cùng đà giảm chung của cổ phiếu ngành ngân hàng. Giá cổ phiếu BID hiện có P/B trượt dự phóng 1 năm là 1,41 lần; thấp hơn 0,6 độ lệch chuẩn so với bình quân quá khứ (từ năm 2017). Hiện P/B trượt dự phóng 1 năm của BID đã giảm gần về đáy của đại dịch Covid-19 (1,32 lần) vào cuối tháng 3. P/B trượt dự phóng 1 năm của BID cao hơn 26% so với bình quân các NHTM niêm yết (1,12 lần) và cao hơn 50% so với CTG (0,94 lần). Định giá của BID xứng đáng cao hơn bình quân các NHTM niêm yết nhờ triển vọng tích cực sau quá trình tái cơ cấu và tiềm năng được định giá lại sau khi tăng vốn thời gian tới (định giá trong lần phát hành riêng lẻ trước đó là 1,9 lần).