Nguồn: VCSC
Tăng giá mục tiêu với chi phí tín dụng dự kiến thấp hơn
Các chỉ số chất lượng tín dụng chính thức của BID lần đầu tiên thấp hơn mức trung bình của danh mục ngân hàng theo dõi của chúng tôi kể từ năm 2017. Các động thái trích lập dự phòng mạnh mẽ của BID trong 4 năm qua để làm sạch bảng cân đối kế toán và xử lý sản tồn đọng đã mang lại kết quả khả quan, thể hiện thông qua tỷ lệ nợ xấu cộng tỷ lệ xử lý nợ cộng số dư VAMC ròng/tổng dư nợ giảm xuống dưới mức trung bình của các ngân hàng trong danh mục theo dõi của chúng tôi tính đến quý 2/2022. Các khoản nợ tái cơ cấu của BID cũng có sự cải thiện mạnh mẽ với các khoản nợ tái cơ cấu/tổng dư nợ giảm xuống 1,2% từ 1,5% trong quý 1/2022. BID dự kiến 85% các khoản nợ tái cơ cấu sẽ trở về phân loại nợ Nhóm 1 sau thời gian cơ cấu và cho rằng ngân hàng không quá lo ngại nếu việc thu hồi các khoản nợ tái cơ cấu thấp hơn kỳ vọng do ngân hàng có khoản đệm vốn dự phòng cao. BID đã không hoàn nhập chi phí dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu trong 6 tháng đầu năm 2022 và không loại trừ kịch bản hoàn nhập dự phòng nợ tái cơ cấu trong 6 tháng cuối năm 2022.
Chúng tôi lập mô hình chi phí tín dụng (chi phí dự phòng/khoản vay gộp) sẽ giảm còn 1,05% vào năm 2025. Với việc giảm gánh nặng trích lập dự phòng cho các tài sản tồn đọng, ngân hàng dự kiến sẽ giảm chi phí tín dụng (1) xuống 1,5% vào năm 2022 từ 1,86% vào năm 2021 và (2) xuống 1,00% vào năm 2025 - với kịch bản tốt nhất là giảm tỷ lệ này xuống 0,8% vào năm 2025. Dựa trên sự cải thiện đáng kể của BID về chất lượng tài sản cũng như việc ngân hàng sẽ hướng đến giải ngân cho khách hàng chất lượng cao trong bối cảnh hạn mức tín dụng bị hạn chế, chúng tôi cho rằng mục tiêu giảm chi phí tín dụng của BID là khả thi. Do đó, chúng tôi điều chỉnh giảm giả định chi phí tín dụng bình quân giai đoạn 2022-2026 từ 1,46% xuống 1,28% và giả định rằng BID sẽ đưa chi phí tín dụng năm 2025 xuống 1,05%.