NHTMCP Kỹ Thương Việt Nam (TCB): Định giá cho thấy TCB là cơ hội đầu tư tăng trưởng tốt nhất trong dài hạn

Nguồn: VCSC

Định giá cho thấy TCB là cơ hội đầu tư tăng trưởng tốt nhất trong dài hạn

 

TCB

 

  • Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu cho Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) 1,7% xuống 69.800 đồng/cổ phiếu nhưng giữ nguyên đánh giá MUA.
  • Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi chủ yếu do định giá thấp hơn được tạo ra bởi cả phương pháp tiếp cận thu nhập thặng dư và P/B mục tiêu, xuất phát từ (1) mức giảm tổng cộng 6,4% trong dự báo của chúng tôi cho LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2022-2026 và (2) điều chỉnh giảm P/B mục tiêu của chúng tôi cho TCB từ 2,1 lần còn 1,95 lần, được bù đắp một phần nhờ tác động tích cực của việc cập nhật mô hình của chúng tôi đến giữa năm 2023.
  • Chúng tôi điều chỉnh giảm 1,0% LNST sau lợi ích CĐTS dự phóng năm 2022 còn 22,3 nghìn tỷ đồng (+23,4% YoY) so với dự báo trước đó của chúng tôi do (1) thu nhập phí ròng (NFI) dự kiến giảm 5,5% đến từ giảm giả định của chúng tôi cho phí từ dịch vụ thẻ, phí từ bancasurrance và dịch vụ môi giới chứng khoán và (2) giảm 35,1% lãi ròng từ đầu tư và kinh doanh chứng khoán năm 2022, được bù đắp một phần bởi chi phí dự phòng giảm 14,8% YoY
  • Chúng tôi điều chỉnh giảm tăng trưởng tín dụng trung bình giai đoạn 2022-2024 từ 22,0% còn 20,0% do nhận thấy hạn mức tín dụng tiềm năng cao hơn trong nhóm các ngân hàng khác tham gia tái cấu trúc các ngân hàng 0 đồng. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng 20% /năm vẫn là mức cao so với tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống dự kiến ở mức khoảng 14% -15%/năm.
  • Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: Hạn mức tín dụng thấp hơn dự kiến; tỷ lệ CASA không được duy trì; nợ xấu cao hơn dự kiến phát sinh từ các khoản vay và trái phiếu doanh nghiệp.

TCB có chiến lược dài hạn trong mảng bất động sản và thị trường trái phiếu. Các hành động hiện tại của Chính phủ nhằm tăng cường giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và ngành bất động sản đã làm gia tăng mối lo ngại của NĐT của TCB vì đây là một trong những ngân hàng có sự tham gia lớn nhất trong hai phân khúc này. Tuy nhiên, TCB đã tái khẳng định lại quan điểm ủng hộ các hành động của Chính phủ và tuyên bố rằng những hành động này thực sự mang lại lợi ích cho TCB về lâu dài. Khi Việt Nam vẫn là một thị trường cận biên với nhiều cơ hội tăng trưởng, chúng tôi tin rằng các hành động của Chính phủ là cần thiết để bảo vệ các nhà đầu tư và sự phát triển bền vững trong tương lai của nền kinh tế. Chúng tôi nhận thấy tác động ngắn hạn nhẹ đến triển vọng tăng trưởng tín dụng của TCB trong 3 năm tới - một phần là do hạn mức tăng trưởng tín dụng tiềm năng cao hơn từ nhóm các ngân hàng tham gia trong dự án phục hồi các ngân hàng 0 đồng. Tuy nhiên, chúng tôi duy trì quan điểm rằng TCB là một trong số những ngân hàng có thể tận dụng đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Dự thảo bổ sung Nghị định 153 có thể tác động đến TCB trong ngắn hạn nhưng sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong dài hạn. Dự thảo bổ sung, sửa đổi Nghị định 153 có thể siết chặt các quy định đối với hoạt động huy động vốn thông qua trái phiếu tại các doanh nghiệp và quy định NĐT cá nhân có đủ tư cách là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp có thể mua trái phiếu. Chúng tôi cho rằng việc ban hành dự thảo có thể tạo ra áp lực giảm trong ngắn hạn đối với số lượng trái phiếu phát hành nhưng sẽ hỗ trợ tăng trưởng bền vững của ngành trái phiếu trong dài hạn. Chúng tôi có quan điểm thận trọng hơn trong dự báo về doanh thu phí của TCB từ hoạt động bảo lãnh phát hành nên chúng tôi điều chỉnh giảm cho tăng trưởng của mảng này trong giai đoạn 2023-2024 nhưng nâng dự báo cho tăng trưởng của mảng này cho giai đoạn 2025-2026F.

Chúng tôi cho rằng định giá của TCB là hấp dẫn với P/B 2022 là 1,11 lần so với mức trung bình của các ngân hàng khác là 1,38 lần với ROE năm 2022 là 21,6% so với mức trung bình của các ngân hàng khác là 20,5%.