NHTMCP Kỹ Thương Việt Nam (TCB): Dự phòng thấp hơn bù đắp thu nhập liên quan đến trái phiếu thấp hơn

Nguồn: VCSC

Dự phòng thấp hơn bù đắp thu nhập liên quan đến trái phiếu thấp hơn

 

TCB

 

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) đã công bố kết quả hợp nhất cho 6 tháng đầu năm 2022 với LN trước dự phòng và LNST sau lợi ích CĐTS lần lượt đạt 14,7 nghìn tỷ đồng (+13,5% YoY) và 11,3 nghìn tỷ đồng (+24,1% YoY), hoàn thành 48,3% và 50,7% dự báo cả năm của chúng tôi. Lợi nhuận tăng là do (1) mức tăng 25,2% YoY và 39,1% YoY của thu nhập từ lãi (NII) và thu nhập phí ròng (NFI), cũng như (2) chi phí dự phòng giảm 56,1% YoY. Các yếu tố này bị ảnh hưởng một phần bởi (1) chỉ lãi 1 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối so với 166 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021 và (2) lãi 127 tỷ đồng từ chứng khoán kinh doanh và đầu tư so với 1,4 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021. Tính theo quý, LNST sau lợi ích CĐTS quý 2/2022 đạt 5,8 nghìn tỷ đồng (+5,4% so với quý trước – QoQ). Chúng tôi cho rằng sẽ không có thay đổi đáng kể nào đối với dự báo lợi nhuận của chúng tôi cho TCB, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Tăng trưởng cho vay cao trong quý 2/2022, được hỗ trợ bởi mức giảm số dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh hạn mức tín dụng ban đầu thắt chặt. TCB ghi nhận dư nợ tín dụng giảm 0,3% theo quý trong quý 2/2022, trong đó cho vay gộp tăng 7,1% QoQ trong khi trái phiếu doanh nghiệp giảm 35,7% QoQ. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2022 là 7,56% so với hạn mức tín dụng ban đầu của ngân hàng là khoảng 9%.

NIM quý 2/2022 giảm so với quý trước. TCB báo cáo rằng NII 6 tháng đầu năm 2022 tăng 25,2% YoY nhờ (1) NIM tăng 1 điểm cơ bản YoY lên 5,82%, chủ yếu đến từ mức tăng 7 điểm cơ bản YoY của lợi suất IEA (lợi suất tài sản sinh lãi) cao hơn mức tăng 4 điểm cơ bản YoY trong COF (chi phí huy động), và (2) tăng tỷ lệ LDR theo quy định từ 76,6% trong quý 2/2021 lên 78,8%. Trên cơ sở hàng quý, ước tính của chúng tôi cho thấy NIM quý 2/2022 giảm 44 điểm cơ bản QoQ với lợi suất IEA giảm 37 điểm cơ bản QoQ và COF tăng 7 điểm cơ bản QoQ. Chúng tôi cho rằng nguyên nhân lợi suất IEA giảm là do số dư trái phiếu doanh nghiệp có lợi suất cao giảm QoQ, trong khi COF tăng có thể do tỷ lệ CASA giảm 3 điểm % QoQ xuống 47,5% cũng như TCB tăng lãi suất huy động trong 6 tháng qua, theo quan sát của chúng tôi.

Thu nhập ngoài lãi (NOII) tăng trưởng nhờ NFI cao hơn. NFI 6 tháng đầu năm 2022 (bao gồm thu nhập ngoại hối) tăng 31,3% YoY nhờ NFI thuần túy tăng 39,1% YoY mặc dù lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm từ 166 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021 xuống 1 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022. Về NFI thuần túy, phí thuần từ dịch vụ ngân hàng (bao gồm dịch vụ thương mại, quản lý tiền mặt và nhiều mặt hàng liên quan đến bán lẻ như thẻ tín dụng) tăng 60,7% YoY (đóng góp 44% vào NFI). Phí thuần từ banca tăng 31,5% YoY (đóng góp 16% vào NFI). Thu nhập từ dịch vụ môi giới chứng khoán có mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ năm trước trong các khoản mục NFI thuần túy (70% YoY - đóng góp 12% vào NFI), chủ yếu là nhờ KQKD Q1 2022 tăng mạnh. Xu hướng tương tự cũng xảy ra trong thu nhập từ hoạt động kinh doanh bảo lãnh phát hành chứng khoán (tăng 37,2% YoY - đóng góp 15% vào NFI), được hỗ trợ bởi con số Q1 2022 cao. Ngược lại, tổng lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm từ 1,4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021 xuống 127 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022, tác động tiêu cực đến NOII.

Theo cơ sở QoQ, các khoản mục trong danh mục NFI giảm QoQ là (1) thu nhập từ hoạt động kinh doanh bảo lãnh phát hành chứng khoán (-64,2% QoQ), mà chúng tôi cho là do thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được siết chặt và (2) thu nhập từ dịch vụ môi giới chứng khoán (-29,7% QoQ) sau sự điều chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán trong quý 2/2022. Trong khi đó, thu nhập từ bancassurance có mức tăng trưởng cao nhất QoQ là 82,7%.

Các khoản dư nợ tái cơ cấu tiếp tục giảm trong quý 2/2022, tạo điều kiện cho việc hoàn nhập dự phòng. Theo TCB, các khoản dư nợ tái cơ cấu giảm từ 1,6 nghìn tỷ đồng trong quý 1/2022 (tương đương 0,4% tổng dư nợ) xuống 0,5 nghìn tỷ đồng trong quý 2/2022 (tương đương 0,13% tổng dư nợ). Chúng tôi cho rằng việc giảm các khoản nợ tái cơ cấu một phần là nguyên nhân giúp chi phí dự phòng 6 tháng đầu năm 2022 giảm 56,1% YoY.

Các chỉ số chất lượng tín dụng được cải thiện QoQ trong quý 2/2022. Tỷ lệ nợ xấu quý 2/2022 là 0,60% (-7 điểm cơ bản QoQ và +24 điểm cơ bản YoY) trên cơ sở tỷ lệ xử lý nợ trên khoản vay gộp là 0,05% trong 6 tháng đầu năm 2022. Nợ nhóm 2 trên khoản vay gộp giảm 7 điểm cơ bản QoQ xuống 0,53% trong quý 2/2022. Tỷ lệ bao phủ nợ LLR quý 2/ 2022 tăng lên 172% (+11 điểm % QoQ và -87 điểm % YoY). Ngược lại, lãi dự thu trên IEA trong quý 2/2022 tăng lên 1,42% (+16 điểm cơ bản QoQ và +19 điểm cơ bản YoY).