NHTMCP Kỹ Thương Việt Nam (TCB): KQKD Q4/2021 khả quan như kỳ vọng

Nguồn: HSC

KQKD Q4/2021 khả quan như kỳ vọng

 

TCB

Tóm tắt

TCB công bố lợi nhuận thuần Q4/2021 đạt 4.592 tỷ đồng (tăng 16,2%) nhờ tổng thu nhập hoạt động tăng 29,1% mặc dù chi phí hoạt động (tăng 40,7%) và chi phí dự phòng (tăng 71,2%) tăng mạnh.

Lợi nhuận thuần năm 2021 đạt 18.038 tỷ đồng (tăng trưởng 46,3%), sát kỳ vọng của HSC.

Tín dụng năm 2021 tăng trưởng mạnh (26,5%), tỷ lệ NIM tiếp tục ở mức cao (5,79%) và lãi thuần HĐ dịch vụ tăng trưởng ấn tượng (44,4%). Chất lượng tài sản tốt với tỷ lệ nợ xấu là 0,66% và hệ số LLR là 163%.

HSC duy trì khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo đối với TCB.

Sự kiện: Công bố KQKD Q4/2021

TCB đã công bố lợi nhuận thuần Q4/2021 đạt 4.592 tỷ đồng (tăng 16,2% so với cùng kỳ). Tổng thu nhập hoạt động tăng tốt (tăng 17,1% so với cùng kỳ) trong khi chi phí hoạt động (tăng 40,7% so với cùng kỳ) và chi phí dự phòng (tăng 71,2% so với cùng kỳ) tăng mạnh vì TCB đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống ngân hàng số cũng như chủ động trích lập dự phòng cho nợ tái cơ cấu trong Q4/2021. Lợi nhuận thuần năm 2021 đạt 18.038 tỷ đồng (tăng trưởng 46,4%), sát kỳ vọng của HSC.

Tín dụng tăng trưởng mạnh 26,5% nhờ cho vay mua nhà

Tăng trưởng tín dụng đạt 26,5% (cho vay khách hàng tăng trưởng 25,2% và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng 34,4%). Tăng trưởng tín dụng của TCB cao nhất trong danh sách khuyến nghị và vượt kỳ vọng của HSC.

Tăng trưởng cho vay khách hàng đạt 25,2% (Q4/2021 tăng 8,2% so với quý trước) nhờ cho vay khách hàng cá nhân tăng trưởng 45,5% với nhu cầu vay mua nhà tăng.

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao và cơ cấu huy động tối ưu

Tiền gửi khách hàng Q4/2021 giảm nhẹ (tăng 13,4% so với cùng kỳ và giảm 0,5% so với quý trước). Tiền gửi không kỳ hạn tăng đáng kể (tăng 24,1% so với cùng kỳ và tăng 2,5% so với quý trước) trong khi tiền gửi có kỳ hạn chỉ tăng nhẹ (tăng 4,4% so với cùng kỳ và giảm 3,4% so với quý trước).

Theo đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tăng lên mức cao kỷ lục là 50,5%; tiếp tục ở mức cao nhất ngành và vượt kỳ vọng của HSC.

TCB tiếp tục đẩy mạnh vay từ thị trường liên ngân hàng (vay ngắn hạn) và từ các TCTC quốc tế (vay trung dài hạn) để tối ưu cơ cấu huy động ở khía cạnh quản trị thanh khoản cũng như chi phí huy động. Theo đó, chi phí huy động Q4/2021 của TCB ở mức thấp, chỉ là 2% (năm 2021 là 2,16%), thấp nhất trong danh sách khuyến nghị của chúng tôi.

So với quý trước, tỷ lệ NIM Q4/2021 tăng nhẹ 5 điểm cơ bản lên 5,68% với lợi suất gộp giảm 15 điểm cơ bản và chi phí huy động giảm 23 điểm cơ bản. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021, tỷ lệ NIM cải thiện đáng kể. Tỷ lệ NIM năm 2021 tăng 67 điểm cơ bản nhờ chi phí huy động giảm đáng kể, giảm 101 điểm cơ bản trong khi lợi suất gộp chỉ giảm 22 điểm cơ bản.

Theo đó, thu nhập lãi thuần tiếp tục tăng mạnh 32,5% so với cùng kỳ trong Q4/2021 và tăng trưởng 42,2% trong năm 2021.

Lãi thuần HĐ dịch vụ hồi phục mạnh mẽ

Thu nhập ngoài lãi Q4/2021 tăng tốt, tăng 21,6% so với cùng kỳ đạt 2.914 tỷ đồng. Trong đó, lãi thuần HĐ dịch vụ tăng mạnh (tăng 79,2% so với cùng kỳ) trong khi lãi mua bán trái phiếu (giảm 42,6% so với cùng kỳ) và thu nhập khác (giảm 21,4% so với cùng kỳ) giảm.

Nói chung, lãi thuần HĐ dịch vụ năm 2021 đạt ấn tượng với đóng góp tích cực từ tất cả các dịch vụ chính:

Thu nhập dịch vụ thanh toán đạt 3.739 tỷ đồng (tăng 28,3%);

Thu nhập từ hoa hồng bán bảo hiểm đạt 1.558 tỷ đồng (tăng 88,4%);

Thu nhập dịch vụ ngân hàng đầu tư (tư vấn và bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp) và dịch vụ môi giới (môi giới trái phiếu và cổ phiếu) đạt tổng cộng là 2.919 tỷ đồng (tăng 31,2%).

Lãi thuần HĐ dịch vụ khả quan hơn kỳ vọng của HSC trong khi thu nhập ngoài lãi nói chung sát kỳ vọng.

Chi phí hoạt động tăng mạnh hơn nhưng hiệu quả hoạt động vẫn cải thiện

Chi phí hoạt động Q4/2021 là 3.392 tỷ đồng (tăng 40,7% so với cùng kỳ) và cả năm 2021 là 11.173 tỷ đồng (tăng 24,6%); cao hơn một chút so với dự báo của HSC. TCB đã đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ và hoạt động marketing trong Q4/2021 sau khi các hoạt động này khá yên ắng trong Q3/2021 vì ảnh hưởng của giãn cách xã hội. Nhờ tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng mạnh, nên hệ số CIR năm 2021 vẫn giảm còn 30,1% từ 32,8% trong năm 2020.

Chất lượng tài sản giữ ở mức tốt

Tính đến cuối Q4/2021, tổng nợ xấu là 2.294 tỷ đồng (tăng 77,1% so với cùng kỳ), bằng 0,66% dư nợ cho vay (so với 0,47% tại thời điểm cuối năm 2020 và 0,57% tại thời điểm cuối Q3/2021). Nợ tái cơ cấu giảm còn 1,9 nghìn tỷ đồng (giảm 32,1% so với quý trước) và chỉ chiếm 0,5% dư nợ cho vay tại thời điểm cuối Q4/2021. Hệ số LLR giảm nhẹ còn 163% (từ 171% tại thời điểm cuối năm 2020 và 184% tại thời điểm cuối Q3/2021), và điều này là hiểu có thể hiểu được khi TCB đã trích lập toàn bộ cho nợ tái cơ cấu.

Chi phí dự phòng Q4/2021 tăng mạnh (tăng 71,2% so với cùng kỳ) từ nền thấp năm ngoái lên 627 tỷ đồng. Tính chung cả năm 2021, chi phí dự phòng chỉ tăng nhẹ (tăng 2,1%) lên 2.665 tỷ đồng. Chi phí tín dụng năm 2021 là 0,86%; thấp hơn một chút so với ước tính của HSC là 0,92%. Nói chung, chúng tôi thấy rằng tác động của đợt dịch Covid-19 năm ngoái đối với chất lượng tài sản của TCB không lớn và trong phạm vi kiểm soát.

Duy trì khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu và dự báo

HSC duy trì khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo đối với TCB. Theo dự báo của chúng tôi, hiện TCB có P/B dự phóng năm 2022 là 1,54 lần; thấp hơn một chút so với bình quân P/B dự phóng năm 2022 của nhóm NHTM tư nhân là 1,64 lần.