Nguồn: HSC
KQKD Q2/2022 tích cực bất chấp khó khăn
Tóm tắt
Sự kiện: Công bố KQKD Q2/2022
TCB đã công bố KQKD Q2/2022 khả quan với LNTT đạt 7.321 tỷ đồng (tăng 21,7% so với cùng kỳ). Tổng thu nhập HĐ tăng khá (tăng 19,9% so với cùng kỳ) nhờ lãi thuần HĐ dịch vụ (tăng 42,6% so với cùng kỳ) và thu nhập khác (tăng 68,4% so với cùng kỳ) tăng mạnh mặc dù thu nhập lãi thuần (tăng 18,4% so với cùng kỳ) tăng trưởng thấp hơn một chút và lãi mua bán trái phiếu (giảm 28% so với cùng kỳ) giảm. Nhờ chất lượng tài sản ổn định, chi phí dự phòng (giảm 30% so với cùng kỳ) tiếp tục giảm, từ đó đóng góp vào sự tăng trưởng của lợi nhuận.
Tín dụng Q2 đi ngang và dịch chuyển sang khách hàng khá nhân
Tín dụng tăng 7,6% so với đầu năm (đi ngang trong Q2) và có dịch chuyển đáng kể sang cho vay khách hàng cá nhân (tăng 59,4% so với cùng kỳ, tăng 27% so với đầu năm và tăng 19,7% so với quý trước) trong khi tín dụng dành cho khách hàng doanh nghiệp lớn (cả cho vay và TPDN) (giảm 7% so với cùng kỳ, giảm 0,5% so với đầu năm và giảm 17,8% so với quý trước) giảm. Cho vay khách hàng cá nhân đóng góp 46,5% trong tổng tín dụng (so với mức 38,8% trong Q1/2022) và cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn đóng góp 37,6% (so với mức 45,6% trong Q1/2022). Cho vay mua nhà (tăng 25% so với quý trước), đặc biệt là cho vay mua nhà lần đầu (tăng 49,6% so với quý trước) là động lực tăng trưởng chính của cho vay khách hàng cá nhân. Tỷ trọng tín dụng của TCB dành cho lĩnh vực BĐS tại thời điểm cuối Q2/2022 là 66,9%; bao gồm 28,7% tín dụng dành cho chủ đầu tư và 38,2% dành cho người mua nhà.
Cơ cấu huy động được tối ưu hóa bằng các khoản vay nước ngoài
Tiền gửi khách hàng giảm trong Q2 (tăng 2,2% so với đầu năm và giảm 2,2% so với quý trước). Với nhu cầu huy động vốn trung dài hạn phục vụ cho vay mua nhà, TCB tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn huy động từ nước ngoài. Vào ngày 26/6/2022, TCB đã ký kết thành công khoản vay hợp vốn trị giá 1 tỷ USD với kỳ hạn 3, 4 và 5 năm; và đây là khoản vay hợp vốn lần thứ 3, cũng là khoản vay lớn nhất từ trước đến giờ của TCB. Trước đó, TCB đã vay hợp vốn 500 triệu USD vào năm 2020 và 800 triệu USD vào năm 2021.
Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn Q2 giảm còn 47,5% từ 50,4% tại thời điểm cuối Q1/2022 vì khách hàng tăng sử dụng tiền gửi không kỳ hạn để đầu tư, trong đó đáng chú ý là đầu tư BĐS và chứng khoán (theo TCB). TCB vẫn là NHTM có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao nhất.
Tỷ lệ NIM Q2 giảm so với quý trước nhưng tỷ lệ NIM bình quân 12 tháng ổn định
Tỷ lệ NIM Q2 giảm 44 điểm cơ bản xuống còn 5,54% với lợi suất gộp giảm 37 điểm cơ bản và chi phí huy động tăng 7 điểm cơ bản. Tỷ lệ NIM giảm phản ánh sự dịch chuyển sang cho vay khách hàng cá nhân do các khoản cho vay mua nhà thường được ân hạn trong thời gian dự án được xây dựng. Với các khoản cho vay mua nhà trên thị trường sơ cấp tăng mạnh trong Q2, lợi suất cho vay giảm (trước mắt) là điều dễ hiểu.
Lãi thuần HĐ dịch vụ tăng mạnh
Lãi thuần HĐ dịch vụ tăng mạnh 43% so với cùng kỳ đạt 2.077 tỷ đồng trong Q2 và tăng 39% so với cùng kỳ đạt 3.870 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022. Những động lực tăng trưởng chính của thu nhập HĐ dịch vụ trong Q2 bao gồm:
Hiệu quả hoạt động vẫn được duy trì
Chi phí HĐ là 3.297 tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ), sát với dự đoán của HSC. Hệ số CIR của TCB vẫn duy trì ổn định ở 29,9% trong Q2/2022 và 30,3% trong 6 tháng đầu năm 2022 (so với 30,1% trong năm 2021).
Chất lượng tài sản vẫn tốt
Tính đến cuối Q2/2022, tổng nợ xấu là 2.359 tỷ đồng (giảm 3,4% so với quý trước), bằng 0,6% tổng dư nợ cho vay (so với 0,66% tại thời điểm cuối năm 2021). Hệ số LLR tăng nhẹ lên 172% (từ 161% tại thời điểm cuối Q1/2022). Nợ xấu mới hình thành trong kỳ chỉ là 21 tỷ đồng.
Số dư nợ tái cơ cấu hỗ trợ ảnh hưởng của dịch Covid-19 tiếp tục giảm xuống còn 0,5 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 0,1% tổng tín dụng tại thời điểm cuối tháng 6.
Nhờ chất lượng tài sản ổn định, chi phí tín dụng tiếp tục giảm với chi phí dự phòng giảm 30% so với cùng kỳ trong Q2 và giảm 56% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022, thấp hơn dự đoán của HSC.
Định giá và khuyến nghị
HSC duy trì dự báo, giá mục tiêu và khuyến nghị. Hiện TCB có P/B dự phóng năm 2022 là 1,14 lần, chiết khấu 7% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân. Mặc dù gặp khó khăn vì room tín dụng chưa được nới và thị trường TPDN trầm lắng trong Q2/2022, TCB vẫn đạt KQKD tích cực. Chúng tôi cho rằng tình hình sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm và định giá hiện tại của TCB là rất rẻ.