NHTMCP Kỹ Thương Việt Nam (TCB): Tăng trưởng Q3/2022 sát kỳ vọng nhờ nền thấp & dự phòng không cao

Nguồn: HSC

Tăng trưởng Q3/2022 sát kỳ vọng nhờ nền thấp & dự phòng không cao

 

TCB

 

Tóm tắt

  • KQKD Q3/2022 sát kỳ vọng với LNTT đạt 6.715 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ nhưng giảm 8,3% so với quý trước, nhờ HĐKD cốt lõi tăng vừa phải (tăng 12,2%), thu nhập ngoài lãi tăng mạnh (tăng 36% từ nền thấp) và chi phí dự phòng khiêm tốn (chỉ tăng 3,5%).
  • LNTT 9 tháng đạt 20.822 tỷ đồng (tăng 21,8%), bằng 77,5% dự báo của HSC cho cả năm 2022.
  • Hiện TCB có P/B dự phóng năm 2022 là 0,78 lần; thấp hơn bình quân nhóm NHTM tư nhân là 1,01 lần. HSC duy trì khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu và dự báo.

Sự kiện: Công bố KQKD Q3/2022

TCB đã công bố KQKD Q3/2022 tích cực với LNTT đạt 6.715 tỷ đồng (tăng 20,7% so với cùng kỳ nhưng giảm 8,3% so với quý trước) dựa trên: HĐKD cốt lõi tăng trưởng vừa phải (tăng 12,2% so với cùng kỳ), thu nhập ngoài lãi tăng trưởng cao (tăng 36% từ nền thấp cùng kỳ) và chi phí dự phòng tăng nhẹ (tăng 3,5% so với cùng kỳ).

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, LNTT đạt 20.822 tỷ đồng (tăng 21,8% so với cùng kỳ), bằng 77,5% dự báo của HSC cho cả năm 2022 và sát kỳ vọng.

Tăng trưởng tín dụng tăng tốc

Sau khi chững lại trong Q2/2022, tổng tín dụng Q3/2022 tăng 10,7% so với đầu năm (tăng 2,9% so với quý trước). Đáng chú ý là tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân trong cơ cấu tín dụng tăng lên 49% trong Q3/2022 từ 46,5% trong Q2/2022, đồng thời cao hơn đáng kể mức 38,8% trong năm 2021. Cho vay mua nhà (tăng 8% so với quý trước) vẫn là động lực tăng trưởng chính, chiếm 82% tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân. Trái lại, TPDN giảm còn 9,6% (Q2/2022: 11,2%).

Về cơ cấu cho vay theo ngành nghề, tỷ trọng cho vay các ngành liên quan đến BĐS trong tổng tín dụng gần giữ giữ nguyên ở 24,3% trong Q3/2022 (21,7% cho vay doanh nghiệp BĐS và 2,6% cho vay doanh nghiệp xây dựng).

Về mặt huy động, tổng vốn huy động tăng 17,4% so với đầu năm. Trong đó, TCB tập trung vào huy động từ thị trường LNH (tăng 59,3% so với đầu năm) và giấy tờ có giá (tăng 27% so với đầu năm). Trong khi đó, tiền gửi khách hàng chỉ tăng 1,3% so với đầu năm (gần như giữ nguyên so với quý trước). Theo đó, hệ số LDR điều chỉnh giảm còn 83,9% từ 88,2% trong Q2/2022.

Chi phí huy động tăng gây sức ép lên tỷ lệ NIM

So với quý trước, tỷ lệ NIM Q3/2022 giảm 19 điểm cơ bản còn 5,61% vì chi phí huy động tăng 21 điểm cơ bản lên 2,41% trong khi lợi suất gộp gần như giữ nguyên ở mức 7,76%.

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tại thời điểm cuối Q3/2022 giảm còn 46,5% từ 47,5% tại thời điểm cuối Q2/2022, cho thấy tác động tiêu cực của tình trạng thắt chặt thanh khoản và lãi suất tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của TCB vẫn thuộc nhóm cao nhất thị trường trong Q3/2022.

Thu nhập ngoài lãi dần mất đà tăng trưởng

Thu nhập ngoài lãi Q3/2022 tăng 36% từ nền thấp cùng kỳ nhưng giảm 14,5% so với quý trước xuống còn 2.773 tỷ đồng. Cụ thể:

  • Lãi thuần HĐ dịch vụ tăng 42% so với cùng kỳ nhưng chỉ tăng 2,2% so với quý trước. Đóng góp chính vào tăng trưởng của lãi thuần HĐ dịch vụ là (1) dịch vụ LC, tiền mặt và thanh toán đóng góp 698 tỷ đồng (tăng 164% so với cùng kỳ và tăng 45% so với quý trước); (2) lĩnh vực kinh doanh thẻ đóng góp 554 tỷ đồng (tăng 127% so với cùng kỳ nhưng giảm 11% so với quý trước) và bancassurance đóng góp 449 tỷ đồng (tăng 86% so với cùng kỳ nhưng chỉ tăng 12,5% so với quý trước). Trái lại, thu nhập dịch vụ IB (bao gồm bảo lãnh phát hành, phân phối trái phiếu, ủy thác & đại lý, tư vấn, môi giới và quản lý quỹ) giảm mạnh xuống còn 566 tỷ đồng (giảm 39% so với cùng kỳ và giảm 19% so với quý trước), chủ yếu vì mảng TPDN đạt kết quả kém khả quan vì những quy định mới chặt chẽ hơn được ban hành.
  • Lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối Q3/2022 đạt 27 tỷ đồng (thay vì lỗ 33 tỷ đồng trong Q2/2022) nhưng vẫn khiêm tốn so với mức 93 tỷ đồng trong Q3/2021.
  • Mảng mua bán trái phiếu chịu tác động mạnh từ xu hướng tăng của lợi suất TPCP. Lãi mua bán trái phiếu Q3/2022 chỉ đạt 174 tỷ đồng (giảm 40% so với cùng kỳ và giảm 61% so với quý trước).

Tỷ lệ CIR ổn định

Tổng chi phí HĐ tăng 14,3% so với cùng kỳ (tăng 8,9% so với quý trước), sát ước tính của HSC. Tỷ lệ CIR của TCB duy trí tương đối ổn định ở 29,1% trong Q3/2022 và 29,9% trong 9 tháng đầu năm 2022 (so với mức 30,1% trong năm 2021). Chúng tôi thấy rằng tỷ lệ CIR của TCB thuộc nhóm thấp nhất trong số các NHTM HSC khuyến nghị trong Q3/2022.

Chất lượng tài sản vẫn tốt

Nợ xấu Q3/2022 tăng 46% so với cùng kỳ (từ nền thấp) và tăng 13% so với quý trước lên 2.665 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu là 0,65% (Q2/2022: 0,6%). Trong khi đó, tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng lên 0,71% từ 0,53% trong Q2/2022.

Chi phí dự phòng Q3/2022 tăng lên 609 tỷ đồng (tăng 3,5% so với cùng kỳ và tăng 46% so với quý trước), theo đó chi phí tín dụng theo năm tăng lên 0,44% từ 0,35% trong Q2/2022.

Hệ số LLR giảm còn 165% từ 172% tại thời điểm cuối Q2/2022 nhưng vẫn cao thứ hai trong số các NHTM tư nhân.

Duy trì khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu và dự báo

HSC duy trì dự báo, giá mục tiêu và khuyến nghị cho TCB. Hiện P/B dự phóng năm 2022 là 0,78 lần; chiết khấu/thặng dư 23% so với các NHTM tư nhân.