Nguồn: HSC
Định giá thặng dư với tính phòng thủ cao
Tóm tắt
Sự kiện: Phân tích triển vọng năm 2022-2024
HSC đánh giá VCB là NHTM ít chịu ảnh hưởng của những khó khăn ngành ngân hàng hiện đang phải đối mặt, gồm siết chặt quy định đối với lĩnh vực BĐS và phát hành riêng lẻ TPDN. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất tăng mạnh sẽ ảnh hưởng nhất định đến tỷ lệ NIM trong ngắn hạn.
Tác động: Giảm bình quân 9% dự báo lợi nhuận thuần cho năm 2022-2024
HSC giảm bình quân 8,9% dự báo lợi nhuận cho năm 2022-2024. Theo dự báo mới, lợi nhuận thuần tăng trưởng với tốc độ CAGR 3 năm là 21,8% (giảm từ 25,2% trong dự báo trước đây). Chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận chủ yếu vì hạ một chút giả định tỷ lệ NIM, hạ giả định lãi thuần HĐ dịch vụ và nâng giả định chi phí dự phòng trong điều kiện rủi ro tín dụng cao hơn vì mặt bằng lãi suất tăng. Trong khi đó, HSC nâng giả định tăng trưởng tín dụng vì VCB tham gia vào chương trình tái cơ cấu NHTM có vấn đề của chính phủ.
Định giá và khuyến nghị
Giá cổ phiếu VCB diễn biến khả quan hơn so với cổ phiếu ngân hàng và Vnindex từ đầu năm, nhờ tính chất phòng thủ trong bối cảnh rủi ro đang tăng lên. Hiện VCB có P/B trượt dự phóng 1 năm là 2 lần, thấp hơn 1,04 độ lệch chuẩn so với bình quân từ 2017 nhưng cao hơn 146% so với bình quân ngành (mức thặng dư định giá này đã và đang tăng lên thời gian gần đây – và HSC cho rằng điều này là có cơ sở).
Chất lượng tài sản của VCB thuộc nhóm cao nhất với tỷ lệ nợ xấu thấp và hệ số LLR cao một cách ‘quá thận trọng’ ở mức 506% (so với mức 177% bình quân ngành). Đây là yếu tố quan trọng giúp VCB tăng trưởng trong tương lai và có thể tạo ra bất ngờ tích cực về lợi nhuận.
Với giả định định giá mới thận trọng hơn và thời điểm định giá được chuyển về cuối năm 2023, HSC giảm giá mục tiêu về 84.000đ; tương đương tiềm năng tăng giá 20% và P/B dự phóng năm 2022 là 3,08 lần & năm 2023 là 2,34 lần. Duy trì khuyến nghị Mua vào.