Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB): KQKD 5 tháng đầu năm 2022 sát kỳ vọng

Nguồn: HSC

KQKD 5 tháng đầu năm 2022 sát kỳ vọng

 

VCB

 

Tóm tắt

  • Tại hội thảo của HSC, VCB chia sẻ rằng KQKD 5 tháng đầu năm 2022 của Ngân hàng vẫn tích cực. Tín dụng tăng 12,8% kể từ đầu năm và tỷ lệ nợ xấu là 0,73%, trong khi nợ tái cấu trúc giảm một nửa. Nhìn chung, lợi nhuận hoạt động trước trích lập dự phòng trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 19 nghìn tỷ đồng, sát với kỳ vọng và đạt 42% dự báo cả năm 2022 của HSC.
  • Chưa có thêm thông tin về kế hoạch nhận chuyển giao và tái cấu trúc ngân hàng ‘0 đồng’ của VCB, kế hoạch này hiện vẫn đang chờ NHNN phê duyệt. VCB vẫn đặt mục tiêu thực hiện kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành trong năm nay.
  • HSC duy trì dự báo, khuyến nghị Mua vào và giá mục tiêu theo phương pháp thu nhập thặng dư là 99.700đ.

Sự kiện: Những thông tin chính về hội thảo Emerging Vietnam 2022 của HSC

VCB đã tham gia hội thảo Emerging Vietnam 2022 của HSC, tổ chức vào ngày 16/6/2022. Những thông tin chính như sau: KQKD 5 tháng đầu năm 2022 vẫn khả quan Tín dụng trong 5 tháng đầu năm 2022 tăng 12,8% kể từ đầu năm và nhu cầu tín dụng tăng mạnh đối với cả mảng khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Cho vay khách hàng cá nhân tăng 13,4% kể từ đầu năm, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 8% so với đầu năm, trong khi cho vay doanh nghiệp tăng 12,4% kể từ đầu năm. Đối với mảng khách hàng doanh nghiệp, cho vay các doanh nghiệp FDI tăng mạnh nhất khoảng 25% kể từ đầu năm. Cơ cấu cho vay theo khách hàng tính đến cuối tháng 5/2022 là 45% khách hàng doanh nghiệp, 8% doanh nghiệp vừa và nhỏ, và 47% khách hàng cá nhân. Với hạn mức tăng trưởng tín dụng là 15%, VCB vẫn còn dư địa để tiếp tục cho vay trước khi cần thêm.

Tiền gửi khách hàng 5 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 3,5% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Duy trì mặt bằng lãi suất huy động và tăng trưởng tiền gửi khách hàng thấp là một phần chiến lược của VCB để tăng tỷ lệ LDR và cải thiện hệ số NIM. Ngoài ra, một tín hiệu tích cực nữa là tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tăng lên 34% (nhờ chính sách miễn phí phí dịch vụ áp dụng từ đầu năm 2022) so với 32% vào cuối năm 2021. Trên thực tế, VCB kỳ vọng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn sẽ đạt 35% vào cuối năm. Trong khi đó, hệ số NIM vẫn ổn định trong 2 quý đầu năm khoảng 3,4%.

Thu nhập từ phí: Theo VCB, do áp dụng chính sách miễn phí phí dịch vụ, VCB đã hi sinh 500 tỷ đồng thu nhập từ phí trong Q1/2022 và dự kiến sẽ hi sinh tổng cộng 1.800 tỷ đồng trong cả năm 2022. Tuy nhiên, lợi ích của chiến lược này là cải thiện tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn và chi phí huy động. Bên cạnh đó, các khoản phí khác từ bancassurance, tài trợ thương mại và kinh doanh thẻ, đều có KQKD khá tốt. VCB dự kiến sẽ nhận thêm khoản thưởng từ hoạt động bancassurance khi đạt mốc chỉ tiêu doanh thu chính trong Q2/2022. Chất lượng tài sản: tỷ lệ nợ xấu là 0,73% (so với 0,81% vào cuối tháng 3/2022). Đáng chú ý, nợ tái cơ cấu giảm đáng kể xuống 5,8 nghìn tỷ đồng (so với 11 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021). Lợi nhuận hoạt động trước trích lập dự phòng trong 5 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 19 nghìn tỷ đồng, đạt 42% dự báo cả năm 2022 của HSC.

Các cập nhật khác

VCB không cập nhật thêm thông tin về kế hoạch nhận chuyển giao/tái cấu trúc ngân hàng ‘0 đồng’; kế hoạch này đang chờ NHNN phê duyệt. Lưu ý, VCB sẽ không tăng vốn hay hợp nhất ngân hàng này. Ngoài ra, VCB đã đề xuất với NHNN nâng hạn mức tín dụng, khả năng tiếp cận nguyên vốn chi phí thấp,… Kế hoạch phát hành riêng lẻ (6,5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) được kỳ vọng sẽ thực hiện trong năm 2022, đang theo đúng lộ trình.

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu và dự báo

HSC duy trì khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo. Cổ phiếu đang giao dịch với P/B dự phóng 2022 là 2,83 lần, cao hơn 111% so với mức bình quân của các NHTM niêm yết.