Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB): Q3/2022 tăng trưởng tín dụng cao giúp KQKD khả quan

Nguồn: HSC

Q3/2022 tăng trưởng tín dụng cao giúp KQKD khả quan 

 

VCB

 

Tóm tắt

  • VCB đã công bố LNTT Q3/2022 đạt 7.566 tỷ đồng (tăng 32% so với cùng kỳ và tăng 2% so với quý trước), chủ yếu nhờ tổng thu nhập HĐ tăng tốt (tăng 26%) và chi phí dự phòng tăng nhẹ (tăng 11%).
  • LNTT 9 tháng đạt 24.940 tỷ đồng (tăng 29% so với cùng kỳ), bằng 67% dự báo của HSC cho cả năm và thấp hơn một chút so với kỳ vọng.
  • Tín dụng tăng mạnh 17,3% so với đầu năm và tỷ lệ NIM tăng tiếp 2 điểm cơ bản so với quý trước lên 3,46%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp 0,8% và hệ số LLR vẫn ở mức cao 402%.
  • HSC đang xem xét lại dự báo, giá mục tiêu và khuyến nghị đối với VCB.

Sự kiện: Công bố KQKD Q3/2022

VCB đã công bố LNTT đạt 7.566 tỷ đồng (tăng 32% so với cùng kỳ và tăng 2% so với quý trước), chủ yếu nhờ tổng thu nhập HĐ tăng trưởng tích cực (tăng 26% so với cùng kỳ) và chi phí dự phòng tăng nhẹ (tăng 11% so với cùng kỳ). Nhờ có hệ số LLR cao (402%), HSC cho rằng việc VCB trích lập dự phòng thấp là hợp lý.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, LNTT đạt 24.940 tỷ đồng (tăng 29% so với cùng kỳ), bằng 67% dự báo của HSC cho cả năm 2022 và thấp hơn một chút so với kỳ vọng.

Tín dụng tiếp tục đà tăng trưởng mạnh

Tổng tín dụng Q3/2022 tăng 17,3% so với đầu năm (tăng 2,9% so với quý trước) đạt hơn 1,142 triệu tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 17,6% so với đầu năm (tăng 3% so với quý trước) đạt 1,13 triệu tỷ đồng trong khi TPDN giảm 6,7% so với đầu năm xuống còn 12 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 1% tổng tín dụng).

VCB đã gần sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được NHNN giao là 18,6%. VCB là NHTM có vốn nhà nước duy nhất được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cao – trong khi đó, BID (Mua vào, giá mục tiêu 38.900đ) và CTG (Mua vào, giá mục tiêu 33.000đ) chỉ được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng là 10,7% - chủ yếu nhờ lợi nhuận tốt, chất lượng tài sản tuyệt vời và sẵn sàng tham gia vào tái cơ cấu NHTM không đồng. Theo HSC, VCB sẽ nhận được thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm nay. 

Về mặt huy động, tiền gửi khách hàng tăng chỉ tăng 5,4% so với đầu năm (tăng 0,1% so với quý trước) và vốn huy động từ thị trường LNH tăng 8% so với quý trước (tăng 64% so với đầu năm) lên 180 nghìn tỷ đồng. Mặc dù không muốn nhưng VCB vẫn nâng lãi suất huy động ở mức độ nhất định. Tăng trưởng huy động có thể sẽ dần bắt kịp tăng trưởng tín dụng nhưng điều này nhiều khả năng sẽ tác động đến tỷ lệ NIM.

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tại thời điểm cuối Q3/2022 về cơ bản giữ nguyên ở mức 34,9% (so với 35,4% tại thời điểm cuối Q2/2022), nghĩa là được giữ khá vững trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động tăng.

Vị thế ròng trên thị trường LNH của VCB tại thời điểm cuối Q3/2022 là 123 nghìn tỷ đồng (bằng 8,3% vốn huy động), tăng từ 83 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối Q2/2022 và 116 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối Q4/2021. VCB vẫn là NHTM cho vay ròng trên thị trường LNH và dự kiến sẽ hưởng lợi từ xu hướng mạnh của lãi suất LNH thời gian gần đây.

Tỷ lệ NIM ở mức cao

Tỷ lệ NIM Q3/2022 tăng nhẹ 2 điểm cơ bản so với quý trước (tăng 13 điểm cơ bản so với cùng kỳ) lên 3,46% với lợi suất gộp tăng 7 điểm cơ bản so với quý trước (tăng 8 điểm cơ bản so với cùng kỳ) lên 5,63% và chi phí huy động tăng 6 điểm cơ bản so với quý trước (giảm 3 điểm cơ bản so với cùng kỳ) lên 2,33%. Cụ thể:

  • Lợi suất cho vay LNH tăng 62 điểm cơ bản so với cùng kỳ (tăng 14 điểm cơ bản so với quý trước) lên 1,61% trong khi lợi suất cho vay khách hàng chỉ tăng nhẹ 14 điểm cơ bản so với cùng kỳ (tăng 12 điểm cơ bản so với quý trước) lên 6,6%, cho thấy VCB đang hưởng lợi từ tình trạng thiếu hụt thanh khoản trên thị trường LNH.
  • Về chi phí huy động, VCB cho thấy ít bị ảnh hưởng của xu hướng tăng lãi suất tiền gửi với chi phí huy động chỉ tăng 6 điểm cơ bản so với quý trước so với mức tăng 15 điểm cơ bản của nhóm NHTM tư nhân và mức tăng 10 điểm cơ bản của toàn ngành. Ngoài ra, chi phí huy động từ thị trường LNH giảm 39 điểm cơ bản so với cùng kỳ (giảm 10 điểm cơ bản so với quý trước) còn 0,74%.

Tóm lại, thu nhập lãi thuần tăng 31% so với cùng kỳ lên 13,7 nghìn tỷ đồng trong Q3/2022 và tăng 22% so với cùng kỳ lên 38,4 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022, sát với ước tính của HSC.

Tăng trưởng thu nhập ngoài lãi khiêm tốn

Tổng thu nhập ngoài lãi Q3/2022 tăng 8% so với cùng kỳ đạt 3.050 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối đạt 1.587 tỷ đồng (tăng 35% so với cùng kỳ) trong khi lãi thuần HĐ dịch vụ gần như đi ngang so với cùng kỳ đạt 1.102 tỷ đồng (chủ yếu vì VCB áp dụng chính sách miễn phí giao dịch) và thu nhập khác (chủ yếu là hoàn nhập dự phòng) cũng chỉ ở mức khiêm tốn là 517 tỷ đồng (tăng 4% so với cùng kỳ).

Trong tương lai, lãi thuần HĐ dịch vụ có thể cải thiện nhờ mảng bancassurance vì VCB đã quyết liệt hơn trong việc đẩy mạnh mức độ thâm nhập sản phẩm bảo hiểm vào cơ sở khách hàng của mình (phí bancassurance quy năm của VCB trong 9 tháng đầu năm 2022 tăng 105% so với cùng kỳ).

Thu nhập ngoài lãi 9 tháng đầu năm 2022 tăng 7% so với cùng kỳ và bằng 67% dự báo của HSC cho cả năm 2022, thấp hơn một chút kỳ vọng.

Hiệu quả HĐ được cải thiện

Chi phí HĐ Q3/2022 tăng 27% so với cùng kỳ vì chi phí lương tăng mạnh 37% so với cùng kỳ (mặc dù số lượng nhân viên chỉ tăng 4% so với cùng kỳ) và chi phí quản lý khác tăng 25% so với cùng kỳ lên 2.270 tỷ đồng. Chi phí HĐ 9 tháng đầu năm 2022 tăng 15% so với cùng kỳ và tỷ lệ CIR tăng nhẹ lên 33,8% từ 31% trong năm 2021.

Chất lượng tài sản duy trì ở mức cực tốt

Tỷ lệ nợ xấu của VCB tăng nhẹ lên 0,8% (từ 0,61% tại thời điểm cuối Q2/2022), thuộc nhóm thấp nhất trong số các NHTM HSC khuyến nghị. Tỷ lệ nợ xấu tăng nằm trong xu hướng chung (bình quân toàn ngành tăng 10 điểm cơ bản so với quý trước lên 1,43% và bình quân nhóm NHTM có vốn nhà nước tăng 20 điểm cơ bản so với quý trước lên 11,9%), cho thấy áp lực nhất định lên chất lượng tài sản khi lãi suất cho vay tăng lên để bù đắp cho lãi suất tiền gửi tăng. Hệ số LLR giữ ở mức rất cao là 402% mặc dù giảm từ mức 506% tại thời điểm cuối Q2/2022.

Chi phí dự phòng Q3/2022 tăng 11% so với cùng kỳ lên 2.778 tỷ đồng, theo đó chi phí tín dụng theo năm là 1,03% (thấp hơn mức 1,31% trong năm 2021 và 1,27% trong năm 2020). Hệ số LLR cao tạo điều kiện để VCB giảm chi phí tín dụng (để đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận) và giữ chất lượng tài sản ở mức an toàn trước những xu hướng vĩ mô bất lợi trong thời gian tới.

HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo

HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo. Hiện VCB có P/B dự phóng năm 2022 là 2,09 lần, cao hơn 114% so với bình quân các NHTM niêm yết.