Ngân hàng Phương Đông (OCB): ĐHCĐTN - Kế hoạch kinh doanh tham vọng cho năm 2022

Nguồn: HSC

ĐHCĐTN: Kế hoạch kinh doanh tham vọng cho năm 2022

 

OCB

 

Tóm tắt

OCB đã tổ chức ĐHCĐTN vào ngày 23/4. Kế hoạch LNTT năm 2022 là 7.110 tỷ đồng (tăng trưởng 28,8%) – cao hơn 22,6% so với dự báo của HSC – kế hoạch tăng vốn gồm 412,7 triệu cổ phiếu thưởng và 5,9 triệu cổ phiếu ESOP.

KQKD sợ bộ Q1/2022 kém khả quan với LNTT đạt 835 tỷ đồng (giảm 35% so với cùng kỳ), chỉ bằng 14% dự báo của HSC và 12% kế hoạch của OCB cho cả năm 2022. Kết quả này khiến chúng tôi nghi ngại khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2022.

Giá cổ phiếu giảm trong 6 tháng qua. HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo của mình.

Sự kiện: ĐHCĐTN diễn ra ngày 23/4

OCB đã đặt kế hoạch tham vọng cho năm 2022 với LNTT tăng trưởng 28,8% đạt 7.110 tỷ đồng. HSC cho rằng Ngân hàng sẽ không dễ dàng đạt được kế hoạch LNTT đề ra. Cổ đông đã tham dự đông đủ và thông qua toàn bộ các tờ trình. Dưới đây là những ghi nhận chính của chúng tôi tại Đại hội.

Kế hoạch kinh doanh năm 2022 tham vọng...

Các chỉ tiêu chính trong kế hoạch kinh doanh năm 2022 đề ra tại ĐHCĐTN như sau:

  • Tăng trưởng tín dụng (bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp) đạt 25% (HSC dự báo 22,2%). Mặc dù ban lãnh đạo OCB tự tin sẽ nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao cho năm nay nhờ hệ số CAR cao (tại thời điểm cuối năm 2021 là 12,32%), HSC thấy đây là mục tiêu nhiều thách thức vì chất lượng tài sản của OCB khiêm tốn trong khi rủi ro liên quan đến tập đoàn BĐS FLC (FLC; Không khuyến nghị) và Bamboo Airways (BAV; công ty tư nhân) đang tăng lên.
  • Tăng trưởng huy động (bao gồm cả chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu): 25%, bằng tăng trưởng tín dụng.
  • Tỷ lệ nợ xấu: dưới 1% (năm 2021: 1,5%).
  • LNTT đạt 7.110 tỷ đồng (tăng trưởng 28,8%).

OCB cũng đề ra kế hoạch tăng vốn năm 2022 như sau: phát hành tối đa 412,7 triệu cổ phiếu thưởng (30% số lượng cổ phiếu lưu hành) và phát hành tối đa 5,9 triệu cổ phiếu ESOP (0,34% số lượng cổ phiếu lưu hành). Giá phát hành thấp, là 10.000đ/cp.

... nhưng KQKD sơ bộ Q1/2022 kém khả quan

OCB đã công bố KQKD sơ bộ Q1/2022 kém hơn kỳ vọng của HSC. Những thông tin chính gồm:

  • Tăng trưởng tín dụng từ đầu năm: 6%.
  • LNTT: 835 tỷ đồng (giảm 35% so với cùng kỳ) và chỉ bằng 14% dự báo của HSC cho cả năm 2022. OCB cho biết trong Q1/2022, Ngân hàng đã trích lập trước 276 tỷ đồng chi phí dự phòng vào tháng 4, và số chi phí dự phòng này có thể được hoàn nhập vào Q2/2022. Nếu bỏ qua khoản trích lập dự phòng nói trên, LNTT Q1/2022 của OCB vẫn giảm 13% so với cùng kỳ, đạt 1.115 tỷ đồng.

Chúng tôi tin rằng KQKD kém khả quan có thể do tỷ lệ NIM giảm và lãi mua bán trái phiếu không còn được tích cực như trước đây (đã được đề cập trong các báo cáo trước của HSC).

Các khoản cho vay tập đoàn FLC có tài sản đảm bảo nhưng vẫn cần theo dõi

Theo ban lãnh đạo, các khoản cho vay FLC và BAV (Bamboo Airways, công ty tư nhân) là trên 2,9 nghìn tỷ đồng (bằng 2,9% dư nợ cho vay năm 2021), gồm 1,9 nghìn tỷ đồng cho vay FLC và 1 nghìn tỷ đồng cho vay BAV. Sau vụ việc ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch FLC và BAV, cơ quan chức năng và thị trường đang theo dõi chặt tình hình hoạt động và tài chính của những công ty này. Với tỷ lệ vay nợ cao và vốn lưu động yếu, những khoản cho vay 2 công ty nói trên là đáng lo ngại.

Phần lớn các khoản vay được thế chấp bằng BĐS và cổ phiếu BAV; HSC tin rằng tỷ lệ đảm bảo sẽ là trên 100% giá trị khoản vay. Tuy nhiên, vì tỷ trọng cho vay FLC và BAV trong dư nợ cho vay của OCB lớn, nên chúng tôi cho rằng vụ việc của ông Quyết sẽ có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng tài sản của Ngân hàng sau này.

HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo

Giá cổ phiếu OCB đã giảm trong 6 tháng qua. Theo đó, hiện OCB có P/B dự phóng năm 2022 là 1,2 lần; thấp hơn 25% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân và mức chiết khấu này là hợp lý nếu nhìn vào mảng ngân hàng cốt lõi còn khiêm tốn của OCB. Chúng tôi đang xem xét lại khuyến nghị và giá mục tiêu cũng như dự báo của mình.

HSC thấy OCB có thể gặp 2 yếu tố hạn chế tăng trưởng trong năm nay: (1) lãi suất huy động hồi phục có thể gây áp lực lên tỷ lệ NIM vì lợi thế cạnh tranh về huy động của Ngân hàng chưa cao, và (2) lợi suất trái phiếu tăng sẽ hạn chế khả năng ghi nhận lợi nhuận ở mảng kinh doanh nguồn vốn. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng lo ngại về các khoản vay của OCB đối với FLC cũng gây áp lực lên giá cổ phiếu.