Ngân hàng Quân đội MBBank (MBB): ĐHCĐTN - Kế hoạch thấp hơn dự báo

Nguồn: HSC

ĐHCĐTN: Kế hoạch thấp hơn dự báo

 

MBB

 

Tóm tắt

Tại ĐHCĐTN, MBB đặt kế hoạch LNTT năm 2022 thận trọng là 20.300 tỷ đồng (tăng trưởng 23%), thấp hơn 9% so với dự báo của HSC là 22.300 tỷ đồng (tăng trưởng 35%).

Kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 16% so với giả định của HSC là 24,5% và tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5% so với giả định của HSC là 0,9%.

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào và giá mục tiêu dựa trên phương pháp thu nhập thặng dư 42.500đ. Hiện MBB có P/B dự phóng năm 2022 là 1,38 lần; thấp hơn một chút so với bình quân nhóm NHTM tư nhân.

Sự kiện: ĐHCĐTN năm 2022 diễn ra ngày 25/4

MBB đã tổ chức ĐHCĐTN vào ngày 25/4/2022. Cổ đông đã tham đự đông đủ và thông qua toàn bộ các tờ trình.

Kế hoạch kinh doanh năm 2022 thận trọng

MBB đặt kế hoạch LNTT năm 2022 là 20.300 tỷ đồng, thấp hơn 9% so với dự báo của HSC. Những điểm khác biệt chính giữa kế hoạch của ban lãnh đạo và dự báo của chúng tôi là:

  • Ban lãnh đạo đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng là 16% (năm 2021: 24,5%) trong khi HSC giả định là 24,5% và tăng trưởng tổng tài sản là 15% trong khi HSC giả định là 20%.
  • Ban lãnh đạo đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5% (năm 2021: 0,9%) trong khi HSC giả định 0,9%.

HSC tin rằng ban lãnh đạo đã hơi thận trọng vì lập kế hoạch kinh doanh dựa trên hạn mức tín dụng được giao vào đầu năm 2022. Chúng tôi hiện sẽ chưa điều chỉnh dự báo.

Kế hoạch tăng vốn

  • Phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu (1,8% số lượng cổ phiếu lưu hành) cho Viettel – cổ đông chiến lược của MBB và hiện đang nắm 18,5% cổ phần (thông qua tại ĐHCĐTN năm 2021).
  • Phát hành 19,24 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương 0,5% số lượng cổ phiếu lưu hành (thông qua tại ĐHCĐTN năm 2021).
  • Phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 20% cho năm 2021 (thông qua tại ĐHCĐTN năm 2022).
  • Phát hành riêng lẻ 65 triệu cổ phiếu mới (1,7% số lượng cổ phiếu lưu hành) cho NĐT tổ chức, dự kiến thực hiện trong năm 2022 hoặc 2023 nhằm nâng cao hệ số CAR (tại thời điểm cuối năm 2021 là 11,2%) và tạo điều kiện đẩy mạnh tăng trưởng tài sản (đã thông qua tại ĐHCĐTN năm 2022).

Nhận chuyển nhượng một ngân hàng không đồng

MBB đã tự nguyện tham gia nhận chuyển nhượng một ngân hàng không đồng (hiện chưa có thông tin chi tiết về thời gian thực hiện), được đặt trong tình trạng giám sát đặc biệt của NHNN. Theo như chúng tôi được biết, ngân hàng không đồng là ngân hàng kinh doanh lỗ và được NHNN mua lại 0 đồng vào năm 2015.

Mặc dù danh tính của ngân hàng không đồng chưa được công bố tại ĐHCĐTN, thì tại các hội nghị NĐT và trên truyền thông, cái tên Ngân hàng Đại Dương đã được nhắc đến. Một số thông tin đã được công bố về vấn đề này như sau:

  • Quy mô (tài sản và vốn CSH) không quá 10% quy mô của MBB;
  • Vốn điều lệ không quá 5.000 tỷ đồng;
  • Lỗ lũy kế không quá 20 nghìn tỷ đồng (+/-10%); và
  • Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm gần nhất khoảng 47%.

Ban lãnh đạo MBB kỳ vọng sẽ mất 7-8 năm để hoàn tất quá trình tái cơ cấu và xóa hết lỗ lũy kế của ngân hàng không đồng. Đã có một số phương án xử lý ngân hàng không đồng sau khi hoàn tất quá trình tái cơ cấu gồm: sáp nhập toàn bộ vào MBB, niêm yết hoặc MBB có thể bán ngân hàng sau tái cơ cấu cho NĐT mới.

Để hỗ trợ cho dự án tái cơ cấu này trong 7-8 năm tới, MBB sẽ được áp dụng những chính sách hạch toán đặc biệt, gồm:

  • Không hợp nhất BCTC của ngân hàng không đồng.
  • Không bao gồm ngân hàng không đồng khi tính hệ số CAR hợp nhất.
  • Không phải trích lập dự phòng cho phần vốn góp vào ngân hàng không đồng.

Mặc dù có những rủi ro tiềm ẩn, ban lãnh đạo thấy có những yếu tố tích cực ở đây, gồm cơ hội đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, có lẽ sẽ cao hơn 1,5-2 lần so với mức bình quân trong 3-5 năm tới vì MBB nhiều khả năng sẽ nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn. Ngoài ra, ngân hàng không đồng có 100 chi nhánh, tạo điều kiện cho việc báo chéo dịch vụ.

HSC kỳ vọng sẽ có thêm thông tin chi tiết về ngân hàng không đồng được công bố trong những tháng tới. Theo đánh giá ban đầu của chúng tôi, lợi ích dành cho MBB ở đây sẽ nhiều hơn rủi ro vì đây có thể là cơ hội để Ngân hàng đạt được mức tăng trưởng đáng kể nhờ nhận được hạn mức tín dụng cao hơn trong những năm tới. Đồng thời, các chỉ số an toàn vốn và chất lượng tài sản có thể không bị ảnh hưởng nhiều vì MBB sẽ không phải hợp nhất BCTC của ngân hàng không đồng.

HSC cho rằng rủi ro ở đây là MBB sẽ không tận dụng được những cơ hội đem lại từ ngân hàng không đồng như cơ sở khách hàng, mạng lưới chi nhánh và đội ngũ nhân viên. Trong trường hợp này, có thể sẽ phải mất 7-8 năm để hoàn thành quá trình tái cơ cấu.

Cho vay lĩnh vực BĐS

MBB đã khẳng định tỷ trọng cho vay doanh nghiệp BĐS dưới 10% dư nợ cho vay và tỷ trọng nắm giữ trái phiếu của doanh nghiệp BĐS là 3,98% trong tổng tín dụng. Theo ước tính của HSC, tổng cho vay liên quan đến lĩnh vực BĐS gồm cả cho vay mua nhà là khoảng 32%, tương đương bình quân ngành.

Duy trì khuyến nghị Mua vào, dự báo và giá mục tiêu

HSC duy trì dự báo, khuyến nghị và giá mục tiêu dựa trên phương pháp thu nhập thặng dư 42.500đ. Hiện MBB có P/B dự phóng năm 2022 là 1,38 lần; thấp hơn một chút so với bình quân nhóm NHTM tư nhân.