Ngân hàng Quân đội MBBank (MBB): KQKD Q4/2021 lợi nhuận cả năm vượt kỳ vọng 10%

Nguồn: HSC

KQKD Q4/2021: Lợi nhuận cả năm vượt kỳ vọng 10%

 

MBB

Tóm tắt

Lợi nhuận thuần Q4 tăng rất mạnh từ nền thấp cùng kỳ (tăng 82,6%). Lợi nhuận năm 2021 đạt 12.697 tỷ đồng (tăng trưởng 53,7%), cao hơn 10% so với dự báo.

Tín dụng Q4 tăng tốc (tăng 9,1% so với quý trước và tăng 25,5% so với cùng kỳ) với tỷ lệ NIM cũng bắt đầu hồi phục (tăng 21 điểm cơ bản so với quý trước). Thu nhập ngoài lãi tiếp tục tăng mạnh (tăng 53,5%).

Tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ xuống 0,9% và hệ số LLR tăng ấn tượng lên 268%.

HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo.

Sự kiện: Công bố KQKD Q4/2021

MBB đã công bố KQKD Q4/2021 với lợi nhuận thuần tăng 82,6% từ nền thấp cùng kỳ lên 3.526 tỷ đồng. Lợi nhuận tăng trưởng chủ yếu nhờ tăng trưởng tín dụng đạt cao và thu nhập ngoài lãi tăng tốt. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động cũng được kiểm soát hiệu quả và áp lực dự phòng dịu bớt. Lợi nhuận thuần cả năm 2021 đạt 12.697 tỷ đồng (tăng trưởng 53,7%), cao hơn 10% so với dự báo của HSC.

Tăng trưởng tín dụng tăng tốc

Tín dụng Q4/2021 tăng 9,1% so với quý trước (tăng 25,5% so với cùng kỳ) đạt 411,4 nghìn tỷ đồng, thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất ngành. Trong đó cho vay khách hàng tăng 8,1% so với quý trước (tăng 21,9% so với cùng kỳ) đạt 363,6 nghìn tỷ đồng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục tăng mạnh 17,3% so với quý trước (tăng 62,2% so với cùng kỳ) đạt 47,8 nghìn tỷ đồng (đóng góp 11,6% trong tổng tín dụng).

Cụ thể hơn, cho vay khách hàng tại Ngân hàng mẹ Q4/2021 tăng 7,2% so với quý trước (tăng 20,2% so với cùng kỳ), chủ yếu nhờ cho vay khách hàng cá nhân (tăng 12,2% so với quý trước và tăng 27,7% so với cùng kỳ). Dư nợ cho vay của Mcredit tăng mạnh 35,8% so với quý trước (tăng 48,6% so với cùng kỳ) đạt 15,1 nghìn tỷ đồng trong khi dư nợ cho vay ký quỹ của Chứng khoán MB giảm tốc, chỉ còn tăng 2,2% so với quý trước (tăng 73,4% so với cùng kỳ) đạt khoảng 7,2 nghìn tỷ đồng.

Tiền gửi khách hàng Q4/2021 cũng tăng tốc (tăng 11,9% so với quý trước và tăng 23,7% so với cùng kỳ) và đạt 384,7 nghìn tỷ đồng. Tiền gửi không kỳ hạn tăng đáng kể (một phần là vì yếu tố mùa vụ), tăng 38,1% so với quý trước (tăng 48,8% so với cùng kỳ). Theo đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn đạt 44,6% (tăng từ 36,1% tại thời điểm cuối Q3/2021). Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của MBB hiện cao thứ 2 trong danh sách khuyến nghị của HSC.

Tỷ lệ NIM hồi phục một chút

Tỷ lệ NIM Q4/2021 hồi phục 21 điểm cơ bản so với quý trước lên 5,48% nhờ lợi suất gộp ổn định (giảm 6 điểm cơ bản so với quý trước xuống 7,82%) trong khi chi phí huy động giảm (giảm 22 điểm cơ bản so với quý trước xuống 2,72%). Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tăng đã góp phần giúp giảm chi phí huy động.

Tỷ lệ NIM cả năm 2021 đạt 5,36% (tăng 26 điểm cơ bản) nhờ lợi suất gộp (giảm 37 điểm cơ bản) giảm nhẹ hơn chi phí huy động (giảm 73 điểm cơ bản).

Theo đó, thu nhập lãi thuần tăng 23,7% so với cùng kỳ đạt 7.170 tỷ đồng trong Q4/2021 và tăng 29,2% đạt 26.200 tỷ đồng trong cả năm 2021.

Thu nhập ngoài lãi tiếp tục tăng trưởng mạnh

Tổng thu nhập ngoài lãi Q4/2021 tăng 53,5% so với cùng kỳ đạt 2.947 tỷ đồng với những điểm nhấn sau:

  • Lãi thuần HĐ dịch vụ tăng tốt, tăng 23,4% so với cùng kỳ lên 1.345 tỷ đồng nhờ thu nhập dịch vụ thanh toán và thu nhập từ bảo hiểm.
  • Lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối tiếp tục tăng mạnh, tăng 55,7% so với cùng kỳ lên 417 tỷ đồng.
  • Lãi mua bán trái phiếu đạt 239 tỷ đồng (tăng 197% so với cùng kỳ).
  • Thu nhập khác (chủ yếu là thu nhập từ thu hồi nợ xấu) đạt 908 tỷ đồng (tăng 91% so với cùng kỳ).

Tính chung cả năm 2021, thu nhập ngoài lãi tăng trưởng ấn tượng ở mức 51,5% lên 10.735 tỷ đồng; trong đó lãi mua bán trái phiếu và thu nhập từ thu hồi nợ xấu đã xóa vượt kỳ vọng của HSC.

Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt; hiệu quả hoạt động cải thiện

Tổng chi phí hoạt động Q4/2021 tăng nhẹ 4,5% so với cùng kỳ lên 3.463 tỷ đồng; theo đó chi phí hoạt động cả năm 2021 là 12.377 tỷ đồng (tăng 17,3%). Hệ số CIR năm 2021 là 33,5%; thấp hơn mức 38,6% của năm 2020.

Áp lực dự phòng giảm, chất lượng tài sản tốt lên

Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất giảm nhẹ còn 0,9% từ 0,95% tại thời điểm cuối Q3/2021 trong khi tỷ lệ nợ nhóm 2 ổn định ở 1,1%. Chất lượng tài sản tốt lên tại cả Ngân hàng mẹ và Mcredit (thông tin cụ thể tại Bảng 2). Trong khi đó, hệ số LLR tiếp tục tăng lên 268% (từ 134% tại thời điểm cuối năm 2020).

Sau khi chủ động trích lập dự phòng trong năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021, hiện áp lực dự phòng của MBB đã bắt đầu giảm xuống trong Q4/2021 (chỉ tăng 4,5% so với cùng kỳ). Tính chung cả năm 2021, chi phí dự phòng vẫn tăng đáng kể, tăng 31,2% và sát với dự báo của HSC.

HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo

Giá mục tiêu dựa trên phương pháp thu nhập thặng dư của MBB là 35.500đ. HSC đang xem xét lại giá mục tiêu, khuyến nghị và dự báo sau khi Ngân hàng công bố BCTC năm 2021.