Ngân hàng Quân đội MBBank (MBB): KQKD Q4/2022 mất đà tăng trưởng và sát dự báo

Nguồn: HSC

KQKD Q4/2022 mất đà tăng trưởng và sát dự báo

 

MBB

 

Tóm tắt

  • MBB đã công bố KQKD Q4/2022 với LNTT giảm 2,3% còn 4.538 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí dự phòng tăng.
  • LNTT năm 2022 đạt 22.729 tỷ đồng (tăng trưởng 37,5%), đạt 112% kế hoạch của Ngân hàng và sát ước tính của HSC. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,09% và hệ số LLR duy trì ở mức cao là 238%.
  • MBB hiện có P/B dự phóng năm 2023 là 0,92 lần, gần sát mức bình quân nhóm NHTM tư nhân là 0,98 lần. HSC duy trì giá mục tiêu, dự báo và khuyến nghị.

Sự kiện: Công bố KQKD Q4/2022

MBB đã đánh mất đà tăng trưởng lợi nhuận với LNTT giảm 2,3% so với cùng kỳ và giảm 28% so với quý trước xuống còn 4.538 tỷ đồng do chi phí dự phòng tăng (tăng 78% so với cùng kỳ) trong khi tổng thu nhập HĐ chỉ tăng trưởng ở mức trung bình (tăng 16% so với cùng kỳ).

LNTT cả năm 2022 đạt 22.729 tỷ đồng (tăng trưởng 37,5%), đạt 112% kế hoạch của Ngân hàng và nói chung sát kỳ vọng của HSC.

Tín dụng tăng trưởng mạnh nhưng vẫn thấp hơn tổng hạn mức được giao

Nhờ hạn mức tín dụng được giao thêm vào cuối tháng 12, MBB đã đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng (tín dụng Q4/2022 tăng 6,8% so với quý trước) cả năm 2022 lên mức 24,8%. Tuy nhiên tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 vẫn thấp hơn hạn mức được giao (26%) và tương đương mức 24,5% trong năm 2021.

Về cơ cấu tín dụng, tỷ trọng TPDN giảm còn 9,2% tại thời điểm cuối Q4/2022 từ 10,6% vào cuối năm 2021 trong bối cảnh thị trường TPDN đã và đang gặp khó khăn. Trong khi đó, tỷ trọng cá nhân tiếp tục tăng, đạt 48% (năm 2021: 46%). Theo ngành nghề, tỷ trọng cho vay liên quan đến lĩnh vực BĐS trong tổng tín dụng là 9,4% tại thời điểm cuối Q4/2022 (4,2% dành cho ngành BĐS và 5,2% cho ngành xây dựng), cao hơn một chút so với mức 8,6% vào cuối năm 2021.

Về mặt huy động, sau khi tăng trưởng chậm trong Q2-Q3 (lần lượt tăng 0,5% và 1,7% so với quý trước), tổng vốn huy động đã hồi phục trong Q4/2022, tăng 11,7% so với quý trước lên 605 nghìn tỷ đồng (tăng 18,4% so với đầu năm). Trong đó, tiền gửi khách hàng tăng 17,6% so với quý trước (tăng 15,3% so với đầu năm) trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tăng. Giấy tờ có giá tăng 44,4% so với đầu năm trong khi vốn huy động từ thị trường LNH chỉ tăng 9,3% so với đầu năm.

Nói chung, vì tăng trưởng huy động tiếp tục thấp hơn tăng trưởng tín dụng, nên hệ số LDR điều chỉnh [tổng tín dụng / (tiền gửi khách hàng + vốn huy động từ thị trường LNH + giấy tờ có giá)] đã tăng lên 84% từ 79,5% tại thời điểm cuối nam 2021. Dư địa tăng của hệ số LDR không còn nhiều vì đã gần mức tối đa theo quy định của NHNN là 85%.

Tỷ lệ NIM ổn định mặc dù chi phí huy động tăng

Tỷ lệ NIM Q4/2022 gần như giữ nguyên so với Q3/2022, ở mức 5,94% nhờ chi phí huy động (tăng 14 điểm cơ bản so với quý trước) tăng được triệt tiêu khi lợi suất gộp (tăng 12 điểm cơ bản so với cùng kỳ) tăng. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn giảm còn 40,6% ừ 42,4% trong Q3/2022 khi mặt bằng lãi suất tăng.

Tính chung cả năm 2022, tỷ lệ NIM tăng ên 6,06% từ 5,32% trong năm 2021. Tuy nhiên, vì áp lực chi phí huy động vẫn còn, nên có thể tỷ lệ NIM sẽ có sự thay đổi trong năm 2023.

Thu nhập ngoài lãi giảm ảnh hưởng đến tăng trưởng tổng thu nhập HĐ

Thu nhập ngoài lãi Q4/2022 giảm 28% so với cùng kỳ xuống còn 2.122 tỷ đồng vì lãi thuần HĐ dịch vụ (giảm 9% so với cùng kỳ), lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối (giảm 13% so với cùng kỳ), lãi mua bán trái phiếu (giảm 67% so với cùng kỳ) và thu nhập khác (giảm 50% so với cùng kỳ) giảm.

Thu nhập ngoài lãi cả năm 2022 giảm 28% trước các yếu tố không thuận lợi gồm: thị trường TPDN trầm lắng, chậm được giao hạn mức tín dụng mới và mặt bằng lợi suất trái phiếu tăng.

Tỷ lệ CIR giảm

Tổng chi phí HĐ Q3/2022 tăng nhẹ 4,8% so với cùng kỳ (giảm 2,7% so với quý trước), cho thấy MBB đã nỗ lực kiểm soát chi phí. Đáng chú ý là chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất – chi phí nhân viên – đã giảm 1% so với cùng kỳ (giảm 26% so với quý trước).

Tỷ lệ CIR cả năm 2022 tiếp tục giảm xuống còn 32,5% từ 33,5% trong năm 2021.

Tỷ lệ nợ nhóm 2 và tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng

Tỷ lệ nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) và tỷ lệ nợ xấu lần lượt tăng lên 1,7% (Q3/2022 là 1,63%) và 1,09% (Q3/2022 là 1,04%). Tỷ lệ nợ xấu vẫn tương đối ổn định và ở mức thấp (khoảng 1%) trong các năm qua. Tuy nhiên, HSC sẽ theo dõi nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) vì nhóm nợ này đang tăng mạnh (tăng 51% so với quý trước và tăng 180% so với cùng kỳ), tương đương tỷ lệ nợ nhóm 5 là 0,5% tại thời điểm cuối Q4/2022 (năm 2021 là 0,2%).

Nợ nhóm 5 tăng có lẽ là nguyên nhân của việc chi phí dự phòng tăng cao trong Q4/2022 (tăng 273% so với quý trước và tăng 78% so với cùng kỳ). Tính chung cả năm 2022, chi phí dự phòng nói chung tương đương năm 2021, theo đó chi phí tín dụng giảm còn 1,95% so với 2,43% trong năm 2021.

Duy trì giá mục tiêu, dự báo và khuyến nghị

MBB hiện có P/B dự phóng năm 2023 là 0,92 lần, gần sát mức bình quân nhóm NHTM tư nhân là 0,98 lần. HSC duy trì giá mục tiêu, dự báo và khuyến nghị.