Ngân hàng Quân đội MBBank (MBB): Lợi nhuận Q2/2022 tăng 78% từ nền thấp

Nguồn: HSC

Lợi nhuận Q2/2022 tăng 78% từ nền thấp

 

MBB

 

Tóm tắt

  • MBB công bố lợi nhuận thuần Q2/2022 đạt 4.623 tỷ đồng (tăng 78,1%), nhờ tổng thu nhập HĐ tăng tốt (tăng 25,7%) và chi phí dự phòng giảm đáng kể (giảm 43,5%). Lợi nhuận thuần 6 tháng đạt 9.169 tỷ đồng (tăng 49,1%), bằng 53,5% dự báo của HSC cho cả năm và nói chung sát kỳ vọng.
  • Tín dụng Q2/2022 đi ngang (tăng 14,6% so với đầu năm) vì hạn chế hạn mức tín dụng. Nợ xấu tăng so với quý trước với tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,2% và hệ số LLR là 221,4%.
  • Hiện MBB có P/B dự phóng năm 2022 là 1,28 lần, tương đương mức bình quân các NHTM niêm yết là 1,25 lần. HSC duy trì khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu và dự báo.

Sự kiện: Công bố KQKD Q2/2022

MBB đã công bố lợi nhuận thuần Q2/2022 đạt 4.623 tỷ đồng (tăng 78,1% so với cùng kỳ), nhờ tổng thu nhập HĐ tăng tốt (tăng 25,7% so với cùng kỳ) và chi phí dự phòng giảm đáng kể (giảm 43,5% so với cùng kỳ).

Lợi nhuận thuần 6 tháng đầu năm 2022 đạt 9.169 tỷ đồng (tăng 49,1% so với cùng kỳ), bằng 53,5% dự báo của HSC cho cả năm và sát kỳ vọng.

Tín dụng Q2 đi ngang

Tín dụng tăng khoảng 14,6% so với đầu năm (đi ngang trong Q2). Cơ cấu tín dụng gần như giữ nguyên với cho vay khách hàng cá nhân (tăng 20,6% so với đầu năm) chiếm 43,3% tổng tín dụng (Q1/2021: 42,7%), cho vay doanh nghiệp lớn (tăng 8,9% so với đầu năm) chiếm 46%, TPDN (tăng 17,3% so với đầu năm) chiếm 10,7% (Q1/2021: 10,9%). MBB đã gần như sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao (15%) và đang xin thêm hạn mức. Ngân hàng kỳ vọng nhận được hạn mức cao (tối đa 35%) nhờ kế hoạch nhận chuyển nhượng ngân hàng không đồng. Nếu kế hoạch chuyển nhượng bị trì hoãn, MBB kỳ vọng vẫn nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng 25% cho năm 2022.

Về TPDN, MBB cho biết ngành năng lượng tái tạo chiếm 43% tổng số dư TPDN (tương đương 4,6% tổng tín dụng), với một số khách hàng đáng chú ý gồm Trung Nam, Bắc Phương svà Hòa Thắng. Lĩnh vực BĐS chiếm 33% tổng số dư TPDN (bằng 3,5% tổng tín dụng) và đang giảm.

Về mặt huy động, tổng vốn huy động tăng 7,9% so với đầu năm đạt 551 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi khách hàng tăng 3,2% so với đầu năm, vốn huy động từ thị trường liên ngân hàng tăng 5,4% so với đầu năm và giấy tờ có giá tăng 37% so với đầu năm. Tóm lại, hệ số LDR điều chỉnh Q2/2022 ổn định ở 75,4%.

Tỷ lệ NIM tăng

Tỷ lệ NIM tăng 6 điểm cơ bản so với quý trước lên 5,93% với lợi suất gộp (tăng 8,4 điểm cơ bản so với quý trước lên 8,25%) tăng mạnh hơn chi phí huy động (tăng 5,3 điểm cơ bản so với quý trước lên 2,52%).

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tăng lên 45,5% từ 44,7% trong Q1/2022 nhưng vẫn thấp hơn tương đối so với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tại thời điểm cuối năm 2021 (48,7%). Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn giảm so với năm ngoái chủ yếu là vì tăng trưởng tín dụng hiện đang bị hạn chế. Tuy nhiên, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của MBB vẫn cao thứ 2 trong ngành.

Thu nhập ngoài lãi giảm

Thu nhập ngoài lãi giảm 4,6% so với cùng kỳ còn 2.252 tỷ đồng. Cơ cấu thu nhập ngoài lãi như sau:

  • Lãi thuần HĐ dịch vụ giảm 1,9% so với cùng kỳ trong bối cảnh thị trường TPDN trầm lắng trong kỳ. Tuy nhiên, một điểm tích cực là mảng ngân hàng số đạt kết quả ấn tượng với số lượng và giá trị giao dịch tăng gấp đôi so với quý trước.
  • Lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối đạt 472 tỷ đồng (tăng 46,5% so với cùng kỳ), duy trì được đà tăng trưởng cao.
  • Lãi mua bán trái phiếu giảm 74,6% so với cùng kỳ trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài tăng.

Theo đó, tổng thu nhập HĐ tăng 25,7% so với cùng kỳ đạt 11.222 tỷ đồng.

Hệ số CIR tăng

Tổng chi phí HĐ tăng 25,1% so với cùng kỳ với chi phí nhân viên tăng 31,7% so với cùng kỳ trong khi các chi phí còn lại cũng tăng. Theo đó, hệ số CIR tăng lên 34,4% (từ 33,5% trong năm 2021).

Tỷ lệ nợ xấu tăng nhưng vẫn được kiểm soát tốt

Chất lượng tài sản kém đi một chút trong Q2/2022 với tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,2% từ 0,99% tại thời điểm cuối Q1/2022 và tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng lên 13,6% từ 1,17% tại thời điểm cuối Q1/2022. Ngoài ra, chúng tôi thấy nợ nhóm 5 tăng đáng kể lên 1.826 tỷ đồng (tăng 44% so với quý trước và tăng 224% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, chi phí dự phòng giảm 43,5% so với cùng kỳ xuống còn 1.375 tỷ đồng; theo đó chi phí tín dụng theo năm là 1,32% (so với 2,18% tại thời điểm cuối Q1/2022). Tỷ lệ nợ xấu mới hình thành trong tổng dư nợ cho vay là 0,88% (so với 0,34% trong Q1/2022). Hệ số LLR giảm xuống còn 221,4% từ 250% tại thời điểm cuối Q1/2022 nhưng vẫ là mức cao nhất trong ngành.

Số dư nợ tái cơ cấu hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 giảm 29% so với quý trước xuống còn khoảng 3,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,8% tổng tín dụng tại thời điểm cuối Q2/2022.

KQKD các công ty con trái chiều

Các công ty con đóng góp khoảng 13% LNTT hợp nhất, bao gồm 420 tỷ đồng từ MBS (tăng 45% so với cùng kỳ), 600 tỷ đồng từ Mcredit (tăng 74% so với cùng kỳ), 245 tỷ đồng từ AMC (tăng 50% so với cùng kỳ), 102 tỷ đồng từ MIC (giảm 30% so với cùng kỳ), 33 tỷ đồng từ MBAL (giảm 51% so với cùng kỳ) và 176 tỷ đồng từ MBC (tăng 198% so với cùng kỳ).

Định giá và khuyến nghị

HSC duy trì dự báo, giá mục tiêu và khuyến nghị. Hiện MBB có P/B dự phóng năm 2022 là 1,28 lần, tương đương mức bình quân các NHTM niêm yết.