Ngân hàng Quân đội MBBank (MBB): NII tăng trưởng mạnh; chi phí tín dụng giảm từ mức nền cao

Nguồn: VCSC

NII tăng trưởng mạnh; chi phí tín dụng giảm từ mức nền cao

 

MBB

 

Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) đã công bố KQKD hợp nhất 9 tháng 2022 (9T 2022) với LNST sau lợi ích CĐTS đạt 14,0 nghìn tỷ đồng (+53,2% YoY), hoàn thành 78% dự báo 2022 của chúng tôi nhờ (1) thu nhập từ lãi (NII) tăng 38,7% YoY, (2) chi phí dự phòng giảm 25,9% YoY và (3) hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng trưởng mạnh mẽ 46,5% YoY. Điều này cho thấy LNST sau lợi ích CĐTS quý 3/2022 là 4,9 nghìn tỷ đồng (+5,5% so với quý 2/2022). Nhìn chung, lợi nhuận của MBB phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.

  • Tăng trưởng tín dụng hợp nhất 9 tháng đầu năm 2022 là 17,1%, dựa trên (1) tăng trưởng cho vay 17,2% và (2) tăng trưởng số dư trái phiếu doanh nghiệp 15,8%.
  • Tăng trưởng tín dụng 9 tháng 2022 của ngân hàng mẹ là 16,9% so với hạn mức tín dụng hiện tại là hơn 23%. Tương tự với VPB và TCB, số dư trái phiếu doanh nghiệp tại MBB giảm 1,3% QoQ và chiếm 10,3% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng - mặc dù chúng tôi lưu ý rằng mức giảm này ít hơn nhiều so với TCB và VPB. Trong khi đó, MBB đã tăng tỷ lệ đóng góp của dư nợ vay bán lẻ lên 48,4% trong quý 3/2022 so với 46,1% trong quý 4/2021, và chúng tôi tin rằng điều này đã hỗ trợ NIM.
  • Tăng trưởng tiền gửi 9T 2022 là -2,0% và tỷ lệ CASA là 42,4% so với 48,7% vào cuối năm 2021.
  • Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) hợp nhất 9T 2022 tương đối ổn định so với cùng kỳ năm ngoái ở mức 33,1% do chi phí HĐKD (OPEX) tăng 26,6% YoY đến từ chi phí nhân viên tăng 28,3% YoY.
  • Tỷ lệ xử lý nợ bằng dự phòng/tổng dư nợ hợp nhất quy năm trong 9T 2022 tăng lên 1,21% so với 0,97% trong năm 2021.

NIM tiếp tục được cải thiện và hỗ trợ NII 9T 2022 tăng trưởng mạnh mẽ. MBB báo cáo NIM 9T 2022 tăng 75 điểm cơ bản YoY đạt 5,86% nhờ (1) lợi suất IEA tăng 67 điểm cơ bản YoY, (2) COF giảm 7 điểm cơ bản YoY và (3) tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) tăng 4,8 điểm % YoY lên 80,1% trong quý 3/2022 theo ước tính của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng sự cải thiện trong lợi suất IEA là do sự gia tăng đóng góp của các khoản cho vay bán lẻ lên 48,39% trong tổng dư nợ cho vay trong quý 3/2022 so với 46,1% trong quý 4/2021.

Tỷ lệ CASA của MBB giảm từ mức đỉnh lịch sử 48,7% trong quý 4/2021 trong bối cảnh tiền gửi của khách hàng giảm trong 9T 2022. MBB là ngân hàng duy nhất trong danh mục theo dõi của chúng tôi đã báo cáo KQKD giảm tiền gửi của khách hàng trong 9T 2022. Tăng trưởng tiền gửi của MBB trong 9T 2022 là -2,0% do (1) lượng CASA giảm 14,7%, cao hơn ảnh hưởng tích cực từ (2) tiền gửi có kỳ hạn của khách hàng tăng 10,1%. Do sự sụt giảm lượng CASA tập trung vào quý 3/2022, chúng tôi tin rằng chủ yếu là do lãi suất huy động tăng đã thúc đẩy người gửi tiền chuyển hướng ra khỏi CASA. Do đó, tỷ lệ CASA quý 3/2022 của MBB đạt 42,4%, giảm 6,3 điểm % so với quý 4/2021.

NFI 9T 2022 giảm nhẹ so với kỳ vọng của chúng tôi trong khi NOII tương đối đi ngang YoY. NFI 9T 2022 đạt 2,9 nghìn tỷ đồng (-3,6% YoY), hoàn thành 60% dự báo cả năm của chúng tôi do (1) thu nhập phí thấp hơn dự kiến từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm và (2) lỗ ròng từ thu nhập phí khác đạt 578 tỷ đồng trong 9T 2022 so với lãi ròng từ thu nhập phí khác đạt 43 tỷ đồng trong 9T 2021. Ngoài ra, thu hồi từ các khoản nợ xử lý trong 9T 2022 giảm 38% YoY đạt 1,2 nghìn tỷ đồng do 9T 2021 là mức cơ sở cao do MBB ghi nhận khoản lãi bất thường từ việc thu hồi các khoản nợ xấu doanh nghiệp đã xử lý trước đó. Ngoài ra, lãi ròng từ HĐKD ngoại hối trong 9T 2022 đạt 1,3 nghìn tỷ đồng (+47% YoY). Lãi ròng từ đầu tư chứng khoán giảm 3,4% YoY trong 9T 2022 xuống 1,4 nghìn tỷ đồng.

Chất lượng tín dụng vẫn ổn định; bộ đệm vốn mạnh mẽ đã được duy trì. Tỷ lệ nợ xấu quý 3/2022 của MBB đạt 1,04% (-16 điểm cơ bản QoQ & +9 điểm cơ bản YoY). Chúng tôi cho rằng tỷ lệ nợ xấu giảm QoQ là do tỷ lệ xử lý nợ xấu bằng dư phòng cao hơn là 1,21% trong 9T 2022 so với 0,53% trong 6T 2022. Chi phí dự phòng hợp nhất 9T 2022 đạt 4,5 nghìn tỷ đồng (-25,9% YoY) và hoàn thành 62% dự báo cả năm, thấp hơn nhẹ so với dự báo của chúng tôi. Tính đến quý 3/2022, tỷ lệ bao phủ nợ (LLR) của MBB vẫn ở mức cao là 208% so với 268% vào đầu năm 2021 mặc dù nợ xấu tăng 16% trong 9 tháng đầu năm 2022.