Ngân hàng Quân đội MBBank (MBB): Việc hỗ trợ 1 ngân hàng yếu kém không được đưa vào mô hình dự báo do thiếu thông tin chi tiết

Nguồn: VCSC

Việc hỗ trợ 1 ngân hàng yếu kém không được đưa vào mô hình dự báo do thiếu thông tin chi tiết

 

MBB

 

  • Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 15,3% lên 43.700 đồng/cổ phiếu và nâng khuyến nghị đối với Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) từ KHẢ QUAN lên MUA khi giá cổ phiếu đã giảm khoảng 13,8% trong 3 tháng qua.
  • Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu là do định giá cao hơn theo phương pháp thu nhập thặng dư nhờ (1) dự phóng LNST sau lợi ích CĐTS 2022-2026 của chúng tôi tăng tổng cộng 8,2% và (2) tác động tích cực của việc nâng giá mục tiêu của chúng tôi đến giữa năm 2023.
  • Chúng tôi điều chỉnh tăng thu nhập ròng năm 2022 thêm 6,4% lên 18,4 nghìn tỷ đồng (+39,1% YoY) so với dự báo trước đó do thu  nhập lãi ròng tăng 2,3% và chi phí HĐKD (OPEX) giảm 4,2%.
  • Chúng tôi giả định sẽ tăng vốn vào năm 2022 thông qua (1) phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu (1,8% số cổ phiếu đang lưu hành) cho Viettel và (2) phát hành riêng lẻ 65 triệu cổ phiếu (1,7% số cổ phiếu đang lưu hành) cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (không tính Tập đoàn Viettel).
  • Các khoản cho vay tái cơ cấu của MBB giảm từ 5,0 nghìn tỷ đồng trong quý 4/2021 xuống 4,7 nghìn tỷ đồng trong quý 1/ 2022. Dự phòng cho các khoản vay tái cơ cấu đã được trích lập đầy đủ trong năm 2021.
  • Rủi ro: rủi ro giảm tỷ lệ CASA; tăng trưởng tín dụng thấp hơn dự kiến và rủi ro thực hiện trong quá trình phát triển của MCredit.

Chúng tôi dự báo MBB sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng 25% trong năm 2022 - tương đương với mức tăng trưởng năm 2021 - nhưng chưa đưa vào dự báo mức tăng trưởng cao nhờ việc hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém (DCI). Theo trao đổi của chúng tôi với ban lãnh đạo, MBB kỳ vọng một số ưu đãi như hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn 30%-35% khi tham gia chương trình hỗ trợ DCI. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ tỷ lệ hạn mức tín dụng bổ sung sẽ được sử dụng cho các khoản vay của DCI và sau đó được chuyển sang bảng cân đối kế toán của DCI. Do đó, chúng tôi dự báo một cách thận trọng cho tăng trưởng tín dụng mặc dù tăng trưởng tín dụng đạt 14,7% trong quý 1/2022 so với cùng kỳ quý trước (QoQ) - gần đạt hạn mức tín dụng ban đầu của MBB là 15%. Nếu MBB hỗ trợ DCI được chỉ định mà vẫn duy trì NIM và được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn bình thường, thì đây sẽ là yếu tố hỗ trợ định giá của chúng tôi. Mặc dù nhận định ban đầu của chúng tôi trước thông tin MBB hỗ trợ DCI là không tích cực, nhưng sau đó chúng tôi biết rằng có giới hạn về lỗ lũy kế dành cho DCI. Chúng tôi cũng tìm hiểu được rằng VCB có khả năng vay với chi phí thấp từ tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (MBB không công bố liệu họ có quyền tiếp cận với ưu đãi này hay không, do MBB công bố thông tin không chi tiết như VCB), điều này khiến chúng tôi cảm thấy chương trình này có nhiều khả năng là yếu tố tích cực đối với MBB.

Phân tích của chúng tôi dựa trên công bố của MBB về việc cho vay lĩnh vực BĐS, chúng tôi nhận thấy MBB nằm ở nhóm giữa trong số các ngân hàng TMCP tư nhân niêm yết tại Việt Nam. Theo MBB, trái phiếu doanh nghiệp BĐS chiếm 3,98% tổng dư nợ tín dụng (tương đương 38,1% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tính đến cuối năm 2021). Mặc dù tỷ lệ sau không phải là thấp, nhưng gần như phù hợp với cấu trúc của trái phiếu doanh nghiệp BĐS so với tổng số trái phiếu doanh nghiệp phát hành vào năm 2021. Ngân hàng này cho biết thêm rằng các khoản cho vay cho các chủ đầu tư BĐS chiếm khoảng 8% (chênh lệch +/-2%). Cả mức dư nợ trái phiếu doanh nghiệp và mức dư nợ cho vay của MBB đối với các chủ đầu tư đều phù hợp với mức trung bình theo phân tích của chúng tôi đối với ngân hàng TMCP tư nhân niêm yết tại Việt Nam.