Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (STB): Chúng tôi lập mô hình cho STB dốc toàn lực để xử lí tài sản tồn đọng năm 2022

Nguồn: VCSC

Chúng tôi lập mô hình cho STB dốc toàn lực để xử lí tài sản tồn đọng năm 2022

 

STB

 

  • Chúng tôi điều chỉnh giảm 4,2% giá mục tiêu đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) xuống 38.400 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị MUA.
  • Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi chủ yếu đến từ (1) tổng dự báo LNST giai đoạn 2022-2026 của chúng tôi giảm 3,4% theo giả định của chúng tôi về việc tăng bộ đệm vốn dự phòng và (2) điều chỉnh giảm P/B mục tiêu của chúng tôi từ 1,71 lần xuống 1,50 lần, được bù đắp một phần bởi hiệu ứng tích cực của việc cập nhật mô hình định giá mục tiêu đến giữa năm 2023.
  • Chúng tôi điều chỉnh giảm 25,2% dự phóng LNST năm 2022 chủ yếu do (1) dự báo thu nhập lãi ròng (NII) năm 2022 giảm 12,1% sau khi điều chỉnh giả định của chúng tôi đối với phương pháp tiếp cận của STB để xử lý lãi dự thu tồn đọng và (2) chi phí dự phòng tăng 52,0% sau khi điều chỉnh tăng trong giả định của chúng tôi đối với chi phí dự phòng VAMC, được bù đắp một phần bởi mức tăng 14,3% trong thu nhập phí ròng (NFI) năm 2022 (bao gồm kinh doanh ngoại hối) do chúng tôi giả định phí ứng trước cao hơn được ghi nhận vào năm 2022.
  • Chúng tôi duy trì giả định rằng (1) toàn bộ lãi dự thu tồn đọng sẽ được xử lý trong năm 2022, (2) nợ liên quan đến quỹ đất Phong Phú và 32,5% cổ phần của STB được thế chấp tài sản đảm bảo cho VAMC sẽ được bán vào năm 2022, (3) tất cả số dư VAMC sẽ được xử lý và trích lập dự phòng trong năm 2022 và (4) khoản phải thu từ việc bán KCN Đức Hòa III sẽ được nhận trong năm 2023.
  • Yếu tố hỗ trợ: Phí ứng trước cao hơn dự kiến từ Dai-ichi Life.
  • Rủi ro: Nợ xấu cao hơn dự kiến; việc xử lý tài sản tồn đọng chậm hơn dự kiến; phí ứng trước bổ sung thấp hơn dự kiến từ Dai-ichi Life.

Chúng tôi điều chỉnh giả định cho STB hoàn nhập toàn bộ lãi dự thu tồn đọng còn lại trong năm 2022 nhưng lập mô hình để ngân hàng ghi nhận một phần trong số này vào giai đoạn năm 2023-2024 vào khoản thu nhập khác. Trước đây, chúng tôi giả định rằng STB sẽ hoàn nhập 1,4 nghìn tỷ đồng lãi dự thu tồn đọng trong năm 2022 và phần còn lại được xử lý thông qua việc bán TSĐB. Tuy nhiên, tại ĐHCĐ gần đây của STB, ban lãnh đạo đã chia sẻ cách tiếp cận của ngân hàng là hoàn nhập toàn bộ lãi dự thu tồn đọng trong năm 2022. Do đó, chúng tôi thay đổi giả định về việc STB sẽ hoàn nhập toàn bộ lãi dự thu tồn đọng còn lại tính đến cuối năm 2021 (5,7 nghìn tỷ đồng) vào năm 2022, nhưng chúng tôi kỳ vọng ngân hàng có thể nhận được một phần lãi dự thu đã hoàn nhập vào các năm tiếp theo dựa trên kỳ vọng của chúng tôi là STB sẽ xử lý thành công TSĐB (ví dụ như bán nợ liên quan đến quỹ đất Phong Phú và 32,5% cổ phần thế chấp cho khoản nợ 10 nghìn tỷ đồng của VAMC). Giả định của chúng tôi về tỷ lệ thu hồi cho lãi dự thu được hoàn nhập là 20%, sẽ được ghi nhận vào thu nhập ròng khác trong năm 2023 và 2024.

Do lãi dự thu dự kiến sẽ được hoàn nhập toàn bộ vào năm 2022, NIM dự kiến sẽ phục hồi vào năm 2023 và hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận năm 2023. Ước tính của chúng tôi cho thấy NIM quý 1/2022 có thể đạt 4,44% nếu không có hoàn nhập lãi dự thu (so với con số được báo cáo là 2,32% và mức trung bình của các công ty cùng ngành là 4,13%). Chúng tôi dự báo NIM sẽ phục hồi từ 3,18% trong năm 2022 lên 3,68% vào năm 2023.

2 TSĐB lớn tại TP. HCM đang được rao bán. Kể từ tháng 2/2022, ngân hàng đã niêm yết thêm 2 BĐS lớn để bán gồm: (1) BĐS rộng 1.774m2 tại quận 5 với giá khởi điểm là 531 tỷ đồng và (2) bất động sản 59.938m2 tại Khu công nghiệp Hiệp Phước - huyện Nhà Bè với giá khởi điểm là 500 tỷ đồng.