Nguồn: VCSC
STB đạt một dấu mốc mới trong xử lý lãi dự thu
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) công bố KQKD hợp nhất cho 6 tháng đầu năm 2022 với TOI (tổng thu nhập từ HĐKD) là 11,3 nghìn tỷ đồng (+26,6% YoY) và lợi nhuận sau thuế đạt 2,1 nghìn tỷ đồng (+8,6% YoY), đạt lần lượt 46,1% và 43,3% dự báo tương ứng cả năm 2022 của chúng tôi. LNST tăng chủ yếu nhờ (1) thu nhập phí ròng (NFI) tăng 84,7% YoY, (2) Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 43,9% YoY và (3) Thu nhập ròng khác tăng 4 lần YoY, bị ảnh hưởng một phần bởi (1) thu nhập từ lãi (NII) giảm 13,2% YoY và (2) chi phí dự phòng tăng 99,0% YoY. So với quý trước (QoQ), STB báo cáo LNST quý 2/2022 đạt 804 tỷ đồng, giảm 36,9% (QoQ) và 27,7% YoY, chủ yếu do hoàn nhập lãi dự thu và tăng trích lập dự phòng. Chúng tôi cho rằng không có thay đổi đáng kể nào đối với dự báo lợi nhuận của chúng tôi cho STB, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Tăng trưởng cho vay quý 2/2022 bị hạn chế do hạn mức tín dụng ban đầu gần hết. STB báo cáo tăng trưởng cho vay khiêm tốn trong quý 2/2022 đạt 0,3% QoQ, giúp nâng tăng trưởng cho vay 6 tháng năm 2022 lên 6,9% so với hạn mức tín dụng ban đầu là 7%. STB không có số dư trái phiếu doanh nghiệp trong bảng CĐKT. Tăng trưởng tiền gửi 6 tháng năm 2022 đạt 6,8% - gần tương đương mức tăng trưởng cho vay.
Việc hoàn nhập lãi dự thu tiếp tục diễn ra trong quý 2/2022 nhưng dường như đã đánh dấu cho sự chấm dứt của gánh nặng từ việc hoàn nhập lãi dự thu tồn đọng trong tương lai. NII 6 tháng đầu năm 2022 của STB giảm 13,2% YoY cùng với NIM giảm 65 điểm cơ bản YoY. Chúng tôi cho rằng tỷ lệ NIM giảm mạnh chủ yếu do hoàn nhập lãi dự thu do số dư lãi dự thu của ngân hàng giảm 6,0 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng năm 2022 so với mức giảm 3,4 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng năm 2021 và 2,0 nghìn tỷ đồng trong 3 tháng năm 2022. Tính đến cuối năm 2021, STB ghi nhận lãi dự thu tồn đọng là 5,7 nghìn tỷ đồng trong bảng CĐKT. Số dư lãi dự thu giảm 6,0 nghìn tỷ đồng trong quý 2/2022 so với quý 4/2021 ngụ ý rằng gánh nặng hoàn nhập lãi dự thu tồn đọng sẽ giảm từ quý 3/2022; tuy nhiên, chúng tôi đang chờ báo cáo tài chính soát xét 6 tháng 2022 để củng cố quan điểm của chúng tôi. Giả sử nghi ngờ của chúng tôi là đúng, tỷ lệ NIM trong 6 tháng đầu năm 2022 về lý thuyết đạt mức 3,45% so với con số thực tế là 2,25%.
NFI và thu nhập ròng khác là động lực chính cho tăng trưởng thu nhập ngoài lãi (NOII) trong 6 tháng đầu năm 2022. STB báo cáo NOII 6 tháng đầu năm 2022 đạt 5,9 nghìn tỷ đồng (+116,2% YoY) nhờ vào (1) NFI thuần tăng 84,7% YoY, (2) lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối tăng 43,9% YoY và (3) thu nhập ròng khác tăng 4 lần YoY từ 533 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 2,1 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022 – trong đó thu thập ròng khác quý 2/2022 đóng góp 1,6 nghìn tỷ đồng vào kết quả 6 tháng đầu năm 2022. Chúng tôi cho rằng NFI thuần tăng một phần do phí ứng trước từ việc nâng giá trị hợp đồng bancassurance với Dai-ichi Life, trong khi thu nhập ròng khác tăng có thể do thu hồi nợ xấu đã được xử lý – chúng tôi đang chờ báo cáo tài chính soát xét 6 tháng 2022 để có thêm thông tin chi tiết. Mặt khác, lãi từ đầu tư chứng khoán giảm từ 52 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021 xuống còn 2 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022.
Chi phí dự phòng 6 tháng đầu năm 2022 tăng gần gấp đôi YoY chủ yếu do trích lập dự phòng VAMC. Chúng tôi ước tính STB ghi nhận 2,5 nghìn tỷ đồng chi phí dự phòng cho VAMC trong 6 tháng đầu năm 2022 so với 976 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021 và dự báo của chúng tôi cho cả năm 2022 là 4,2 nghìn tỷ đồng.
Chất lượng tài sản được cải thiện trong quý 2/2022. Tỷ lệ nợ xấu giảm còn 1,27% (-1 điểm cơ bản QoQ và -28 điểm cơ bản YoY) trên cơ sở tỷ lệ xử lý nợ xấu trên khoản vay gộp trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 0,03% (so với 0,01% trong 6 tháng đầu năm 2021). Lãi dự thu quý 2/2022 giảm còn 3,9 nghìn tỷ đồng (-50,8% QoQ và -72,2% YoY), giúp giảm lãi dự thu trên tổng tài sản sinh lời xuống mức thấp 0,79%. STB đã tất toán 1,4 nghìn tỷ đồng VAMC trong 6 tháng đầu năm 2022. Ngoài ra, số dư khoản phải thu trong quý 2/2022 giảm 3,9% QoQ dù tăng 10,8% YoY.