Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (STB): ĐHCĐTN năm 2022 - Kế hoạch kinh doanh thận trọng

Nguồn: HSC

ĐHCĐTN năm 2022: Kế hoạch kinh doanh thận trọng

 

STB

 

Tóm tắt

STB đã tổ chức ĐHCĐTN năm 2022 vào ngày 22/4. Cổ đông đã tham dự đông đủ và thông qua toàn bộ các tờ trình. Ngân hàng đặt kế hoạch LNTT năm 2022 là 5.280 tỷ đồng (tăng trưởng 20%), thận trọng và thấp hơn 11,4% so với dự báo của HSC.

Tín dụng cuối Q1/2022 tăng 6,7% so với đầu năm với 6,5 nghìn tỷ đồng tài sản xấu từ trước để lại được xử lý trước thời hạn. Mặc dù chưa công bố nhưng chúng tôi kỳ vọng LNTT Q1/2022 sẽ tích cực, đạt 1.500 tỷ đồng (tăng 50%).

HSC đang xem xét lại khuyến nghị và giá mục tiêu. Định giá hiện hấp dẫn với P/B dự phóng năm 2022 là 1,34 lần; thấp hơn bình quân nhóm NHTM tư nhân là 1,47 lần.

Sự kiện: ĐHCĐTN năm 2022 diễn ra ngày 22/4

Cổ đông đã tham dự đông đủ và thông qua toàn bộ các tờ trình.

Kế hoạch kinh doanh năm 2022 thận trọng

Ban lãnh đạo STB đề ra kế hoạch kinh doanh khá thận trọng cho năm 2022:

  • Tín dụng tăng trưởng 12% đạt 435 nghìn tỷ đồng dựa trên hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao ban đầu. HSC dự báo tăng trưởng tín dụng đạt 14%.
  • Vốn huy động (bao gồm cả chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu) tăng trưởng 10% đạt 512,7 nghìn tỷ đồng. HSC dự báo tăng trưởng huy động đạt 12%.
  • Xử lý 15.000 tỷ đồng tài sản xấu từ trước để lại (nâng từ 10.000 tỷ đồng trong kế hoạch ban đầu).
  • Ban lãnh đạo đặt kế hoạch LNTT 5.280 tỷ đồng (tăng trưởng 20%), thấp hơn 11,4% so với dự báo của HSC.
  • Tỷ lệ nợ xấu dưới 2% (năm 2021: 1,47%), sát với dự báo của HSC là 1,57%.

Một số thông tin về KQKD Q1/2022

STB đã công bố một số thông tin về KQKD Q1/2022:

  • Tín dụng tăng 6,7% so với đầu năm
  • Huy động tăng 7% so với đầu năm
  • Từ đầu năm xử lý được tổng cộng 6.500 tỷ đồng tài sản xấu từ trước để lại.
  • Phí Bancassurance trả trước đã được ghi nhận một phần trong Q1/2022, còn lại sẽ được ghi nhận vào Q2/2022.

Mặc dù vẫn chưa được công bố nhưng dựa trên những thông tin trên, HSC dự đoán LNTT Q1/2022 sẽ khả quan – chúng tôi kỳ vọng LNTT Q1/2022 đạt 1.500 tỷ đồng (tăng 50% so với cùng kỳ).

Các khoản cho vay FLC có tỷ lệ tài sản đảm bảo cao

Theo ban lãnh đạo, các khoản cho vay của STB đối với FLC và BAV là trên 5 nghìn tỷ đồng (bằng 1,3% dư nợ cho vay). FLC và BAV là những doanh nghiệp đang gặp khó khăn với tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao và dòng tiền lưu động không ổn định.

Tuy nhiên, STB đã thu hồi được 2,6 nghìn tỷ đồng trong số 5 nghìn tỷ đồng cho vay trong tháng tước, còn lại 3 nghìn tỷ đồng có thể sẽ được thu hồi tiếp trong năm nay. Phần lớn các khoản vay được đảm bảo bằng BĐS, còn lại được đảm bảo trên 100% giá trị khoản vay bằng cổ phiếu BAV.

HĐQT nhiệm kỳ 2022-2026 không thay đổi nhiều so với nhiệm kỳ trước

ĐHCĐTN đã có sự thay đổi không đáng kể ở cơ cấu HĐQT với 5 thành viên HĐQT chủ chốt được giữ nguyên và 2 thành viên HĐQT độc lập được bầu thay thế. Những thay đổi này là không nhiều. HĐQT mới của STB bao gồm:

  • Chủ tịch HĐQT: ông Dương Công Minh (giữ nguyên).
  • Thành viên HĐQT & TGĐ: bà Nguyễn Đức Thạch Diễm (giữ nguyên).
  • Thành viên & Phó chủ tịch HĐQT: Phạm Văn Phong (giữ nguyên).
  • Thành viên HĐQT: ông Nguyễn Xuân Vũ (giữ nguyên).
  • Thành viên HĐQT: ông Phan Đình Tuệ (giữ nguyên).
  • Thành viên HĐQT độc lập: bà Phạm Thị Thu Hằng (mới bổ nhiệm từ VCCI).
  • Thành viên HĐQT độc lập: ông Vương Công Đức (mới bổ nhiệm từ Ngân hàng Bản Việt).

Duy trì dự báo; xem xét lại khuyến nghị và giá mục tiêu

HSC duy trì dự báo nhưng xem xét lại giá mục tiêu và khuyến nghị. Hiện định giá của STB đang hấp dẫn với P/B dự phóng năm 2022 là 1,34 lần so với mức 1,47 lần bình quân nhóm NHTM tư nhân. Điều này một phần là vì xu hướng điều chỉnh chung của cổ phiếu ngân hàng, nhưng quan trọng hơn là tâm lý tiêu cực liên quan đến các khoản cho vay FLC.

HSC vẫn ưa thích STB vì Ngân hàng tập trung vào khách hàng cá nhân, cho đến nay đã tái cơ cấu thành công và hệ số ROE liên tục cải thiện. Tiến triển ở quá trình tái cơ cấu có thể giúp đưa định giá STB về với mặt bằng chung của cổ phiếu ngân hàng.