Nguồn: HSC
KQKD Q1/2022 khả quan nhờ lợi nhuận không thường xuyên
Tóm tắt
Lợi nhuận thuần Q1/2022 đạt 1.274 tỷ đồng, tăng 59%; sát ước tính và bằng 26% dự báo của HSC cho cả năm 2022.
Tổng thu nhập HĐ tăng 23,6% lên 5,1 nghìn tỷ đồng nhờ ghi nhận phí banca trả trước và lãi thanh lý tài sản (tổng cộng ước tính 1 nghìn tỷ đồng) mặc dù thu nhập lãi thuần giảm. Chi phí HĐ được kiểm soát tốt, chỉ tăng 6,1% trong khi chi phí dự phòng tăng mạnh 48%.
Chất lượng tài sản cải thiện với tỷ lệ nợ xấu giảm còn 1,28% và hệ số LLR tăng lên 134%.
Hiện STB có P/B trượt dự phóng 1 năm là 1,32 lần; thấp hơn 5% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân. HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo.
Sự kiện: KQKD Q1/2022 vào ngày 29/4
STB đã công bố KQKD Q1/2022 với lợi nhuận thuần tăng 59% so với cùng kỳ đạt 1.274 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi không thường xuyên (từ phí bancassuarance trả trước và khoản lãi từ thanh lý tài sản tại KCN Sóng Thần) và chi phí HĐ được kiểm soát tốt mặc dù thu nhập lãi thuần giảm và chi phí dự phòng tăng mạnh. Lợi nhuận thuần Q1/2022 sát ước tính và bằng 26% dự báo của HSC cho cả năm 2022.
Nói chung, HSC thấy chất lượng lợi nhuận Q1/2022 của STB tích cực. Mặc dù có sự đóng góp của lợi nhuận không thường xuyên, chất lượng tài sản cải thiện là điều đáng khích lệ (tỷ lệ nợ xấu giảm còn 1,28% và hệ số LLR tăng lên 134%). Trong khi đó, tỷ lệ NIM giảm trong Q1/2022 được coi là tích cực vì Ngân hàng đã tiếp tục xóa 2 nghìn tỷ đồng lãi dự thu (trong tổng cộng 6 nghìn tỷ đồng tài sản từ trước để lại được xử lý trong Q1).
Tín dụng tăng tốc trong Q1/2022
Tổng tín dụng tăng 6,7% so với đầu năm lên 413 nghìn tỷ đồng, chủ yếu nhờ cho vay kỳ hạn dài tăng 10%. Theo ban lãnh đạo, trong Q1/2022 (theo HSC nhiều khả năng sẽ là cả Q2/2022), STB đã tập trung vào cho vay DNNVV và kinh doanh hộ gia đình thay vì lĩnh vực BĐS nhằm hỗ trợ lĩnh vực sản xuất. Về mặt huy động, tiền gửi khách hàng tăng 7,1% so với đầu năm đạt 457,8 nghìn tỷ đồng và giấy tờ có giá giữ nguyên ở 20,6 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cũng giữ tương đối ổn định ở 22,9% (so với 23,3% tại thời điểm cuối Q4/2022).
Tỷ lệ NIM giảm vì xóa lãi dự thu từ trước để lại
Tỷ lệ NIM Q1/2022 giữ ổn định so với quý trước tại 2,24% (giảm 49 điểm cơ bản so với cùng kỳ) với lợi suất gộp giảm 83 điểm cơ bản so với cùng kỳ (tăng 24 điểm cơ bản so với quý trước) xuống 6,13% trong khi chi phí huy động chỉ giảm 17 điểm cơ bản so với cùng kỳ (tăng 33 điểm cơ bản so với quý trước) xuống 3,96%. Lợi suất gộp của STB trong kỳ giảm mạnh hơn so với bình quân các NHTM tư nhân (chỉ giảm 41 điểm cơ bản so với cùng kỳ). Tỷ lệ NIM của STB đang thấp nhất trong số các NHTM HSC khuyến nghị. Mặc dù không công bố chi tiết, chúng tôi cho rằng lợi suất gộp giảm mạnh trong Q1/2022 chủ yếu vì STB xóa lãi dự thu từ trước để lại.
Sau khi quyết liệt xóa lãi dự thu trong Q4/2021 (4 nghìn tỷ đồng), lãi dự thu của STB tiếp tục giảm 2 nghìn tỷ đồng trong Q1/2022. Với bảng CĐKT sạch sẽ hơn, HSC cho rằng tỷ lệ NIM giảm trong Q1 là diễn biến tích cực và tin rằng tỷ lệ NIM có thể cải thiện trong những quý tiếp theo khi áp lực xóa lãi dự thu dịu xuống. Theo đó, thu nhập lãi thuần Q1/2022 giảm 8,9% so với cùng kỳ xuống còn 2.739 tỷ đồng.
Thu nhập ngoài lãi rất tích cực nhờ ghi nhận lãi không thường xuyên
Tổng thu nhập ngoài lãi Q1/2022 tăng mạnh 109,8% so với cùng kỳ lên 2.386 tỷ đồng. Cụ thể, lãi thuần HĐ dịch vụ tăng 83,4% so với cùng kỳ đạt 1.536 tỷ đồng nhờ ghi nhận một phần phí banca trả trước trong quý (mặc dù STB không công bố thông tin chi tiết). Bên cạnh đó, phí hoa hồng banca cũng tăng 14% so với cùng kỳ.
Không những vậy, thu nhập khác cũng tăng mạnh lên 546 tỷ đồng từ 58 tỷ đồng trong Q1/2021. Chúng tôi tin rằng STB đã ghi nhận một phần (có thể là 400-500 tỷ đồng) lãi từ thanh lý tài sản tại KCN Sóng Thần (vào tháng 12/2021). Chúng tôi ước tính tổng lãi từ thanh lý tài sản ở đây là 1.200 tỷ đồng, sẽ được ghi nhận trong 2 năm.
Hiệu quả HĐ được duy trì tốt
Tổng chi phí HĐ Q1/2022 chỉ tăng 6,1% so với cùng kỳ lên 2.823 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lương tăng 15,9% so với cùng kỳ lên 1.844 tỷ đồng và chi phí liên quan đến tài sản tăng 3,5% so với cùng kỳ lên 469 tỷ đồng. Trong kỳ, số lượng nhân viên gần như giữ nguyên ở 18.465 người (so với 18.470 người tại thời điểm cuối Q4/2021). Hệ số CIR giảm còn 53,5% (từ 55,5% trong năm 2021), nhưng vẫn thuộc nhóm cao nhất trong số các NHTM chúng tôi khuyến nghị.
Chất lượng tài sản cải thiện ấn tượng
Ở phần ngân hàng tốt, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ nợ nhóm 2 của STB lần lượt giảm về 1,28% và 0,41% từ 1,41% và 0,41% tại thời điểm cuối Q4/2021. Hệ số LLR tăng lên 134% từ 121% tại thời điểm cuối Q4/2021. Chi phí dự phòng Q1/2021 tăng 48% so với cùng kỳ lên 705 tỷ đồng; theo đó chi phí tín dụng theo năm là 0,74% (năm 2021 là 0,95%).
Tài sản xấu tại thời điểm cuối Q1/2021 (Bảng 2) giảm 5,9 nghìn tỷ đồng so với quý trước xuống còn 31 nghìn tỷ đồng (tương đương 5,6% tổng tài sản, giảm từ 9,76% tổng tài sản tại thời điểm cuối Q1/2021), nhờ các khoản phải thu và lãi dự thu giảm.
Nhờ kết quả ấn tượng đạt được trong 4 năm qua, HSC tin rằng STB sẽ chỉ mất thêm khoảng 2 năm (thậm chí ít hơn) để hoàn tất toàn bộ quá trình tái cơ cấu với nền tảng vững mạnh và nguồn phí banca trả trước (tổng cộng 6 nghìn tỷ đồng, trong đó 2,5 nghìn tỷ đồng có thể được ghi nhận trong năm 2022 và 0,7 nghìn tỷ đồng được ghi nhận đều trong các năm 2023-2027).
HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo
Hiện STB có P/B trượt dự phóng 1 năm là 1,32 lần; thấp hơn 5% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân và gần tương đương NHTM tư nhân tương đồng nhất là ACB (1,35 lần). Định giá của STB thấp hơn bình quân vì tỷ trọng cho vay của Ngân hàng đối với tập đoàn BĐS FLC (hiện đang gặp vấn đề về tài chính và pháp lý) cao. STB cho biết các khoản cho vay FLC là an toàn vì tỷ lệ tài sản đảm bảo BĐS cao và STB đã thu hồi được 1/2 các khoản vay từ FLC (còn lại 2,4 nghìn tỷ đồng sẽ được thu hồi tiếp trong nửa cuối năm 2022).
Chúng tôi đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo.