Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (STB): Lãi không thường xuyên tạo điều kiện xử lý tài sản tồn đọng

Nguồn: HSC

Lãi không thường xuyên tạo điều kiện xử lý tài sản tồn đọng

 

STB

 

Tóm tắt

  • STB đã công bố KQKD Q2/2022 khả quan với LNTT đạt 1.338 tỷ đồng (giảm 6%) vì thu nhập lãi thuần (giảm 17%) giảm và chi phí dự phòng (tăng 124%) tăng mạnh.
  • Lợi nhuận thuần 6 tháng đạt 2.928 tỷ đồng (tăng 21%), sát ước tính của HSC.
  • Tỷ lệ nợ xấu giữ ở 1,27% và hệ số LLR tăng lên 138%. Tài sản xấu từ trước để lại giảm mạnh 6 nghìn tỷ đồng so với quý trước xuống còn 25,3 nghìn tỷ đồng.
  • Hiện STB có P/B dự phóng năm 2022 là 1,12 lần; thấp hơn 5% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân. HSC duy trì khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu và dự báo.

Sự kiện: Công bố KQKD Q2/2022 vào ngày 26/7

STB đã công bố KQKD Q2/2022 với LNTT đạt 1.338 tỷ đồng (giảm 6% so với cùng kỳ), chủ yếu vì thu nhập lãi thuần giảm (giảm 17% so với cùng kỳ) và STB quyết liệt trích lập dự phòng (chi phí dự phòng tăng 124% so với cùng kỳ). Ngược lại, lãi thuần HĐ dịch vụ tăng 86% so với cùng kỳ (nhờ ghi nhận 1-1,2 nghìn tỷ đồng phí banca trả trước), lợi nhuận không thường xuyên ghi nhận sự đột biến và chi phí HĐ được kiểm soát tốt (tăng 12% so với cùng kỳ). Đáng chú ý là thuế suất thuế TNDN đã tăng lên 43% so với mức bình thường là 20%. HSC sẽ xem xét kỹ vấn đề này trên BCTC soát xét trong thời gian tới.

Lợi nhuận thuần 6 tháng đầu năm đạt 2.928 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ), đạt 49% dự báo của HSC cho cả năm 2022 và nói chung sát kỳ vọng.

Tăng trưởng tín dụng chững lại

Tổng cho vay khách hàng chỉ tăng 0,4% so với quý trước (tăng 6,9% so với đầu năm) đạt 415 nghìn tỷ đồng vì Ngân hàng không còn nhiều room tín dụng trong Q2/2022. Tính cho đến nay, STB đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được NHNN giao là 7% và HSC tin rằng Ngân hàng đang xin thêm hạn mức. STB không đầu tư vào TPDN. Trong cơ cấu dư nợ cho vay, cho vay khách hàng cá nhân và DNNVV vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu là 90% tính tại thời điểm cuối Q2/2022.

Về mặt huy động, tiền gửi khách hàng tăng 6,8% so với đầu năm đạt 456 nghìn tỷ đồng và giấy tờ có giá phát hành tăng 4,6% so với đầu năm đạt 22 nghìn tỷ đồng. Hệ số CAR vẫn được duy trì trên mức 9%.

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tại thời điểm cuối Q2/2022 là 22,6%; giảm nhẹ so với mức 22,9% tại thời điểm cuối Q1/2022. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của STB đã cải thiện từ mức 19% tại thời điểm cuối năm 2020 và 17% tại thời điểm cuối năm 2019. Ngân hàng kỳ vọng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn sẽ đạt 25% trong tương lai.

Tỷ lệ NIM giảm vì xóa nợ xấu

Tỷ lệ NIM Q2/2022 giảm 9 điểm cơ bản so với quý trước (giảm 65 điểm cơ bản so với cùng kỳ) còn 2,15%; với lợi suất gộp giảm 20 điểm cơ bản so với quý trước (giảm 104 điểm cơ bản so với cùng kỳ) còn 5,93% và chi phí huy động giảm 9 điểm cơ bản so với quý trước (giảm 20 điểm cơ bản so với cùng kỳ) còn 3,87%.

Theo đó, thu nhập lãi thuần giảm 17% so với cùng kỳ xuống còn 2,6 nghìn tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, thu nhập lãi thuần đạt 5,3 nghìn tỷ đồng, bằng 39% dự báo của HSC cho cả năm 2022.

Tỷ lệ NIM Q2/2022 giảm vì STB quyết liệt xử lý tài sản xấu từ trước để lại, đặc biệt là lãi dự thu. Lãi dự thu đã giảm mạnh 4 nghìn tỷ đồng so với quý trước xuống còn 3,9 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối Q2/2022, bằng 0,8% tổng tài sản sinh lãi. Tỷ lệ lãi dự thu/tổng tài sản sinh lãi của STB thậm chí hiện còn thấp hơn mức bình thường của các ngân hàng khỏe mạnh (1%), cho thấy STB sẽ không còn phải sử dụng nhiều lợi nhuận để xóa lãi dự thu trong tương lai. Theo đó, HSC cho rằng tỷ lệ NIM có thể hồi phục mạnh trong các quý tới.

Thu nhập ngoài lãi tăng trưởng mạnh nhờ phí banca trả trước và lợi nhuận không thường xuyên

Thu nhập ngoài lãi Q2/2022 tăng mạnh 122% so với cùng kỳ đạt 3.547 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi thuần HĐ dịch vụ tăng mạnh 86% so với cùng kỳ đạt 1.741 tỷ đồng. Trong khi đó, thu nhập khác tăng gấp 3 so với cùng kỳ đạt 1.560 tỷ đồng.

HSC tin rằng lãi thuần HĐ dịch vụ tăng mạnh chủ yếu vì STB ghi nhận 1-1,2 nghìn tỷ đồng phí banca trả trước. Theo như ban lãnh đạo STB chia sẻ tại ĐHCĐTN năm 2022, phí banca trả trước sẽ được ghi nhận vào Q1/2022 và Q2/2022. Nếu loại bỏ phí banca trả trước, chúng tôi ước tính lãi thuần HĐ dịch vụ từ HĐKD cốt lõi tăng khoảng 17-22% so với cùng kỳ.

STB không công bố cơ cấu lãi thuần HĐ dịch vụ (trong đó chủ yếu bao gồm thu nhập dịch vụ thanh toán, hoa hồng banca và thu nhập dịch vụ khác). HSC ước tính thu nhập hoa hồng banca đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ trong Q2/2022 và tăng 55% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022 (so với mức tăng 14,3% so với cùng kỳ của toàn ngành).

Chúng tôi cho rằng thu nhập khác đạt cao đột biến là nhờ bán tài sản tại KCN Sóng Thần với giá trị 1,2 nghìn tỷ đồng.

Hiệu quả HĐ tiếp tục cải thiện

Tổng chi phí HĐ Q2/2022 tăng 12% so với cùng kỳ lên 2.606 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lương và chi phí liên quan đến tài sản giữ nguyên so với cùng kỳ, lần lượt ở mức 1.698 tỷ đồng và 489 tỷ đồng. Trong kỳ, số lượng nhân viên gần như giữ nguyên ở con số 18.380 người (so với 18.465 người tại thời điểm cuối Q1/2022).

Hệ số CIR đã cải thiện và giảm về 42,3% từ 55,5% trong năm 2021.

Chất lượng tài sản cải thiện mạnh

Ở phần ‘ngân hàng tốt’, tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 gần như không thay đổi, lần lượt ở mức 1,27% và 0,39%. Hệ số LLR tăng lên 138% từ 134% tại thời điểm cuối Q1/2022.

Trong khi đó, chi phí dự phòng Q2/2022 tăng mạnh 124% so với cùng kỳ lên 2.204 tỷ đồng, theo đó chi phí tín dụng theo năm là 2,24% (so với 0,95% trong năm 2021).

Tài sản xấu của STB tại thời điểm cuối Q2/2022 (Bảng 2) đã giảm 6 nghìn tỷ đồng so với quý trước xuống 25,3 nghìn tỷ đồng (tương đương bằng 4,6% tổng tài sản, giảm từ mức 5,6% tại thời điểm cuối Q1/2022) vì trái phiếu VAMC và lãi dự thu giảm mạnh.

Dựa trên tốc độ tái cơ cấu được đẩy nhanh và quy mô tài sản xấu từ trước để lại ở thời điểm hiện tại, HSC tin rằng STB sẽ hoàn thành quá trình tái cơ cấu vào cuối năm 2023.

Giữ nguyên giá mục tiêu, dự báo và khuyến nghị

Hiện STB có P/B dự phóng năm 2022 là 1,12 lần; thấp hơn 5% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân là 1,22 lần. HSC duy trì giá mục tiêu, dự báo và khuyến nghị đối với STB.