Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (STB): Lợi nhuận Q3/2022 tăng trưởng mạnh nhờ tổng thu nhập HĐ

Nguồn: HSC

Lợi nhuận Q3/2022 tăng trưởng mạnh nhờ tổng thu nhập HĐ

 

STB

 

Tóm tắt

  • STB đã công bố LNTT Q3/2022 đạt 1.532 tỷ đồng (tăng 86%), chủ yếu nhờ tổng thu nhập HĐ tăng mạnh (tăng 68%) tạo điều kiện để Ngân hàng trích lập dự phòng lớn (tăng 155%) để tiếp tục xử lý tài sản xấu tồn đọng.
  • LNTT 9 tháng đầu năm 2022 đạt 4.440 tỷ đồng (tăng 37%), sát kỳ vọng và bằng 74% dự báo của HSC cho cả năm 2022.
  • Tín dụng Q3/2022 tăng 1,6% so với quý trước (tăng 8,5% so với đầu năm) và tỷ lệ NIM tăng mạnh 241 điểm cơ bản so với quý trước lên 4,45%. Tỷ lệ nợ xấu giảm còn 0,9% và hệ số LLR tăng lên 154%.
  • Hiện STB có P/B dự phóng năm 2022 là 0,71 lần. HSC duy trì khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu và dự báo.

Sự kiện: Công bố KQKD Q3/2022

STB đã công bố BCTC Q3/2022 tích cực với LNTT tăng 86% so với cùng kỳ đạt 1.532 tỷ đồng, chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần (tăng 74% so với cùng kỳ) và lãi thuần HĐ dịch vụ (tăng 75% so với cùng kỳ) tăng mạnh. Tổng thu nhập HĐ tăng trưởng mạnh tạo điều kiện để STB trích lập dự phòng lớn (tăng 155%) nhằm tiếp tục xử lý tài sản xấu còn tồn đọng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, LNTT đạt 4.440 tỷ đồng (tăng 37% so với cùng kỳ), bằng 74% dự báo của HSC cho cả năm 2022. KQKD 9 tháng sát ước tính của chúng tôi.

Tín dụng tăng trưởng tích cực

Tín dụng Q3/2022 tăng 1,6% so với quý trước (tăng 8,5% so với đầu năm) đạt 421 nghìn tỷ đồng. Trong đó, cho vay trung hạn giảm 6,2% so với quý trước xuống còn 41 nghìn tỷ đồng trong khi cho vay kỳ hạn ngắn và dài tăng lên lần lượt 269 nghìn tỷ đồng và 111 nghìn tỷ đồng.

Tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến cuối Q3/2022 của STB đã gần chạm hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao là 11%; và HSC tin rằng STB sẽ sử dụng hết hạn mức trước khi được giao hạn mức mới cho năm nay. Có khả năng STB sẽ được giao thêm hạn mức tín dụng đáng kể vì chiến lược của Ngân hàng là tập trung cho vay lĩnh vực sản xuất & DNNVV, giống với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN.

Về mặt huy động, tiền gửi khách hàng tăng 7,1% so với đầu năm (tăng 0,3% so với quý trước) đạt 456 nghìn tỷ đồng trong khi giấy tờ có giá tăng 26,4% so với đầu năm lên 26,6 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tại thời điểm cuối Q3/2022 giảm nhẹ xuống còn 21,4% từ 22,2% tại thời điểm cuối Q1/2022.

Hệ số LDR điều chỉnh tại thời điểm cuối Q3/2022 duy trì ở mức 87%.

Tỷ lệ NIM tăng rất mạnh

Tỷ lệ NIM Q3/2022 tăng mạnh 241 điểm cơ bản so với quý trước lên 4,45% với lợi suất gộp tăng mạnh 253 điểm cơ bản so với quý trước lên 8,21% trong khi chi phí huy động chỉ tăng 18 điểm cơ bản so với quý trước lên 3,95%.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ NIM bình quân tăng mạnh 73 điểm cơ bản so với quý trước (giảm 2 điểm cơ bản so với cùng kỳ) lên 2,88% với lợi suất gộp tăng 78 điểm cơ bản so với quý trước (tăng 34% so với cùng kỳ) lên 6,71% và chi phí huy động tăng 1 điểm cơ bản so với cùng kỳ (giảm 16 điểm cơ bản so với cùng kỳ) lên 3,88%.

Lý do chính giúp tỷ lệ NIM của STB tăng mạnh là Ngân hàng không còn phải ghi nhận lãi dự thu vào chi phí lãi như trước đây vì lãi dự thu đã giảm xuống mức bình thường (dưới 1% tổng tài sản). Sự hồi phục mạnh mẽ này khiến HSC tin rằng tỷ lệ NIM của STB có thể bắt kịp ACB trong vài quý tới. Tỷ lệ NIM của ACB dao động trong khoảng 4,2-4,5% kể từ năm 2021.

Nói chung, thu nhập lãi thuần Q3/2022 tăng mạnh 74% so với cùng kỳ đạt 5.762 tỷ đồng (gần bằng thu nhập lãi thuần của ACB ở mức 6.032 tỷ đồng). Lũy kế 9 tháng, thu nhập lãi thuần tăng 17% so với cùng kỳ đạt 11.104 tỷ đồng.

Thu nhập ngoài lãi tăng mạnh nhờ lãi thuần HĐ dịch vụ

Thu nhập ngoài lãi Q3/2022 tăng 46% so với cùng kỳ đạt 1.292 tỷ đồng. Trong đó, lãi thuần HĐ dịch vụ là động lực tăng trưởng chính, tăng 75% so với cùng kỳ đạt 1.031 tỷ đồng, chủ yếu nhờ nhu cầu đối với dịch vụ thanh toán và bancassurance tăng cao.

Thu nhập ngoài lãi 9 tháng đầu năm 2022 đạt 7.205 tỷ đồng, bằng 78% dự báo của HSC cho cả năm 2022 và vượt một chút kỳ vọng. Lãi thuần HĐ dịch vụ 9 tháng đầu năm 2022 sau khi loại bỏ khoảng 1.000 tỷ đồng phí bancassurance trả trước vẫn tăng 40% so với cùng kỳ.

Hiệu quả hoạt động tiếp tục cải thiện

Chi phí HĐ Q3/2022 tăng 28% so với cùng kỳ với chi phí nhân viên tăng 32% so với cùng kỳ lên 1.974 tỷ đồng. Trong khi đó, số lượng nhân viên vẫn giữ nguyên ở 18.360 người.

Nói chung, tỷ lệ CIR 9 tháng đầu năm 2022 giảm còn 43,9% từ 55,5% trong năm 2021 nhưng vẫn thuộc nhóm cao nhất trong số các NHTM HSC khuyến nghị.

Chất lượng tài sản cải thiện và đệm dự phòng được củng cố

Ở phần ‘ngân hàng tốt’ (không có tài sản xấu tồn đọng), tỷ lệ nợ xấu của STB cải thiện một cách ấn tượng về 0,9% từ 1,27% tại thời điểm cuối Q2/2022 và tỷ lệ nợ nhóm 3 duy trì ở 0,38%. Hệ số LLR tăng lên mức cao kỷ lục là 154% từ 138% tại thời điểm cuối Q2/2022.

Chi phí dự phòng Q3/2022 tăng 155% so với cùng kỳ lên 2.425 tỷ đồng, theo đó chi phí tín dụng theo năm là 1,56% (so với 0,95% trong năm 2021). Điều này thể hiện chính sách quyết liệt trích lập dự phòng nhằm xử lý tài sản xấu tồn đọng của STB. Theo đó, chất lượng tài sản của phần ‘ngân hàng tốt’ đã được củng cố lên ngang bằng với NHTM tư nhân tương đồng nhất là ACB.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, chi phí dự phòng là 5.333 tỷ đồng (tăng 121% so với cùng kỳ), bằng 103% dự báo của HSC cho cả năm 2022 và vượt ước tính của chúng tôi.

Tài sản xấu tồn đọng của STB đã giảm 1,6 nghìn tỷ đồng so với quý trước trước còn 23,6 nghìn tỷ đồng (bằng 4,09% tổng tài sản) tại thời điểm cuối Q3/2022 từ 36,9 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối Q4/2021. Với hơn 13 nghìn tỷ đồng tài sản xấu được xử lý trong 9 tháng đầu năm 2022, khả năng STB sớm hoàn thành quá trình tái cơ cấu có vẻ rất hứa hẹn.

Số cổ phần 32,5% tại STB của ông Trầm Bê (tài sản tồn đọng khó xử lý nhất) có thể sẽ mất thêm nhiều thời gian hơn chúng tôi kỳ vọng để xử lý vì đây là số cổ phần lớn và hiện thị trường đang diễn ra tình trạng khan hiếm nguồn vốn và NHNN rất khắt khe trong việc lựa chọn người mua tiềm năng.

Duy trì khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu và dự báo

Hiện STB có P/B dự phóng năm 2022 là 0,71 lần; thấp hơn 14% bình quân nhóm NHTM tư nhân (0,86 lần). Định giá của STB chiết khấu chủ yếu vì thời gian bán số cổ phần 32,5% tại STB của ông Trầm Bê diễn ra lâu hơn dự kiến.

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào đối với STB, giá mục tiêu 26.200đ và dự báo.