Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (STB): NIM sẽ chuẩn hóa trở lại từ quý 3/2022

Nguồn: VCSC

NIM sẽ chuẩn hóa trở lại từ quý 3/2022

 

STB

 

  • Chúng tôi điều chỉnh giảm 3,4% giá mục tiêu cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) xuống 37.100 đồng/cổ phiếu nhưng vẫn duy trì khuyến nghị MUA.
  • Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi chủ yếu đến từ việc tăng chi phí vốn chủ sở hữu của chúng tôi từ 12,5% lên 13,0%, được bù đắp một phần bởi mức tăng tổng cộng 1,2% trong dự báo LNST giai đoạn 2022-2026 của chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi điều chỉnh giảm P/B mục tiêu cho STB từ 1,5 lần xuống 1,45 lần.
  • Chúng tôi tăng dự phóng LNST năm 2022 thêm 3,6% lên 5,0 nghìn tỷ đồng (+45,9% YoY) chủ yếu nhờ (1) tổng thu nhập phí thuần (NFI) thuần tăng 4,2% khi chúng tôi nâng dự báo thu nhập từ phí hoa hồng bancasurrance, (2) lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 18,2% và (3) tăng dự báo của chúng tôi đối với thu nhập ròng khác từ 725 tỷ đồng lên 2,7 nghìn tỷ đồng. Những mức tăng dự báo này bị ảnh hưởng một phần bởi dự phóng thu nhập từ lãi (NII) giảm 1,6% và chi phí dự phòng tăng 29,1% - mức tăng chủ yếu tập trung cho trích lập dự phòng VAMC.
  • Chúng tôi duy trì giả định rằng (1) khoản nợ liên quan đến quỹ đất Phong Phú sẽ được xử lý trong năm 2022 và (2) khoản nợ gốc từ việc bán KCN Đức Hòa III sẽ được nhận vào năm 2023 trong khi dời giả định về việc bán 32,5% cổ phần của STB được thế chấp tại VAMC sang năm 2023 thay vì năm 2022 do điều kiện thị trường. Do đó, toàn bộ số dư ròng VAMC sẽ được xử lý vào năm 2023 so với giả định năm 2022 như trước đây.
  • Yếu tố hỗ trợ: Phí bancassurance ứng trước cao hơn dự kiến từ Dai-ichi Life.
  • Rủi ro: Nợ xấu cao hơn dự kiến; việc xử lý tài sản tồn đọng chậm hơn dự kiến; phí ứng trước thấp hơn dự kiến từ Dai-ichi Life.

Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng việc bán khoản nợ liên quan đến dự án KCN Phong Phú sẽ được thực hiện trong năm 2022 nhưng dời giả định của chúng tôi về việc bán 32,5% cổ phần của STB thế chấp cho khoản nợ 10 nghìn tỷ đồng tại VAMC sang năm 2023. Trong 3 tháng gần đây, STB tiếp tục có động thái giảm giá bán khởi điểm cho toàn bộ 18 khoản nợ được bảo đảm bằng quyền tài sản tại KCN Phong Phú sẽ được đưa ra đấu giá toàn bộ. Tính đến tháng 8/2022, giá khởi điểm của các khoản nợ đã được điều chỉnh giảm 34,1% so với giá khởi điểm ban đầu được đưa ra trong tháng 3/2022, cho thấy quyết tâm của STB trong việc xử lý tài sản tồn đọng trong năm 2022. Trong khi đó, do tâm lý thị trường đang kém tích cực, chúng tôi cho rằng STB sẽ gặp khó khăn trong việc xử lý 32,5% cổ phần của STB thế chấp cho khoản nợ 10 nghìn tỷ đồng tại VAMC trong năm nay; do đó, chúng tôi dời giả định cho việc bán lại số cổ phiếu này sang năm sau.

Tính đến cuối quý 2/2022, STB đã xử lý toàn bộ lãi dự thu tồn đọng. Theo thông tin từ website của STB, ngân hàng này xác nhận đã xử lý toàn bộ lãi dự thu tồn đọng trong quý 2/2022, với 21,6 nghìn tỷ đồng lãi dự thu tồn đọng từ khi sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phương Nam đã được xử lý. Trong 6 tháng đầu năm 2022, chúng tôi cho rằng STB đã hoàn nhập 5,7 nghìn tỷ đồng lãi dự thu trên bảng CĐKT. Chúng tôi ước tính NIM lý thuyết có thể đạt 3,45% trong 6 tháng đầu năm 2022 nếu không có khoản hoàn nhập lãi dự thu so với NIM thực tế là 2,25% trong 6 tháng đầu năm 2022. Chúng tôi hiện dự báo NIM năm 2022 sẽ tăng 48 điểm cơ bản YoY đạt 3,16% với nghĩa vụ hoàn nhập lãi dự thu được loại bỏ từ quý 3/2022.

Cổ phiếu STB được các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất trong số các ngân hàng trong danh mục theo dõi của chúng tôi với mức mua ròng đạt 2,9 nghìn tỷ đồng từ đầu năm 2022. Trên toàn thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 2,4 nghìn tỷ đồng trong cùng kỳ.