Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB): Cập nhật Đại hội cổ đông thường niên 2024

                                                                                                     Nguồn: KBSV

Cập nhật Đại hội cổ đông thường niên 2024

 

 

Cập nhật KQKD 2023 và 1Q2024

Trong bối cảnh nền kinh tế tồn tại nhiều khó khăn thách thức, dự nợ tín dụng cuối năm 2023 của ACB đạt 448 nghìn tỷ đồng – tương đương với mức tăng trưởng 16.7%. Tổng tài sản cuối năm 2023 đạt hơn 719 nghìn tỷ đồng và tăng trưởng ấn tượng 18% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế hoàn thành kế hoạch với 20,068 tỷ đồng, có mức tăng trưởng ấn tượng 17% so với ngành.

Cập nhật sơ bộ KQKD quý 1/29024, ngân hàng cho biết tăng trưởng tín dụng tại ACB đạt 3.7% YTD, tương đối tích cực so với mức tăng trưởng thấp của toàn ngành (1.8% YTD). Về huy động, tăng trưởng 2,1% trong đó huy động vốn CASA tăng 6,4%, tỷ lệ CASA cải thiện từ 22% lên mức hơn 23%. Về lợi nhuận dự kiến đạt 4.900 tỷ đồng, sát kế hoạch của cả năm. Lợi nhuận giảm nhẹ so với cùng kỳ khoảng 5% do cùng kỳ năm trước có khoản thu bất thường từ xử lý nợ, nếu loại trừ bỏ yếu tố bất thường của cùng kỳ thì quý 1 năm nay tăng trưởng 3%

Kế hoạch 2024 thận trọng trước những khó khăn hiện tại của nền kinh tế

Dự báo kinh tế khó khăn sẽ vẫn tiếp diễn trong năm 2024, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 22,000 tỷ đồng – tăng trưởng 10% so với năm trước. Tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 14%, nằm trọng hạn mức cho phép bởi NHNN. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến kiểm soát dưới 2%.

Chia cổ tức 25%: ĐHĐCĐ thông qua Phương án trích hơn 9,700 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông với tổng tỷ lệ 25% trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.

Trong năm 2024, ngân hàng cũng có kế hoạch tăng vốn: Vốn điều lệ hiện tại của ACB là 38.840 tỷ đồng. Dự kiến sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm hơn 5.800 tỷ lên 44.666 tỷ đồng. ACB dự kiến thời gian hoàn thành việc tăng vốn điều lệ là quý 3/2024.

Giải đáp cổ đông

Về chiến lược chuyển sang phân khúc bán buôn: ACB cho biết thị phần của ngân hàng trong mảng bán lẻ hiện tại khá cao và bắt đầu chững lại khi các ngân hàng khác cũng đang khai thác phân khúc này, từ đó gia tăng mức độ cạnh tranh. Do đó, bên cạnh củng cố lại chiến lược bán lẻ, ACB cũng khai thác nhóm KHDN lớn và SME – vốn là nhóm KH mà ACB có nhiều lợi thế cạnh tranh không chỉ ở lãi suất mà còn ở các sản phẩm, dịch vụ…

Nhận định của phía ngân hàng về môi trường kinh doanh 2023: ACB có góc nhìn lạc quan nhưng vẫn thận trọng với các biến số của nền kinh tế. Lãi suất huy động tiếp tục ổn định mức thấp đến cuối năm, có thể tăng nhưng tăng nhẹ. Lãi suất cho vay tương tự, cũng duy trì ở mức thấp để hỗ trợ khách hàng.

Cho vay BĐS/TPDN: ACB không tập trung cho vay dự án bất động sản, dư nợ của các nhà phát triển bất động sản tại ACB dưới 2%, không có nợ xấu. Cho vay người mua nhà chiếm 22%, nợ xấu thấp hơn bình quân chung quanh 1%. ACB không đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và thời gian tới cũng chưa có ý định mở danh mục.