Ngân hàng Tiên Phong (TPB): KQKD Q4/2021 khả quan nhờ HĐKD cốt lõi

Nguồn: HSC

KQKD Q4/2021 khả quan nhờ HĐKD cốt lõi

 

TPB

Tóm tắt

Lợi nhuận thuần Q4/2021 của TPB đạt 1.315 tỷ đồng (tăng 20,5%). Lợi nhuận thuần năm 2021 đạt 4.832 tỷ đồng (tăng trưởng 37,7%), cao hơn dự báo của HSC một chút.

Tín dụng tăng tốc trong Q4/2021 (tăng 21,7% so với cùng kỳ và tăng 10,1% so với quý trước) và tỷ lệ NIM hồi phục giúp thu nhập lãi thuần tăng mạnh (tăng 35%). Thu nhập ngoài lãi (giảm 32%) kém khả quan đã kéo tụt đà tăng của tổng thu nhập hoạt động (tăng 10%).

Chất lượng tài sản cải thiện với tỷ lệ nợ xấu giảm còn 0,82% từ 1,04% tại cuối Q3/2021. Chi phí dự phòng Q4/2021 thấp sau khi TPB quyết liệt trích lập trong 9 tháng đầu năm.

Hiện TPB có P/B dự phóng năm 2022 là 1,95 lần; cao hơn 19% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân. HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo.

Sự kiện: Công bố KQKD Q4/2021

TPB đã công bố KQKD chính thức Q4/2021 với lợi nhuận thuần tăng 20,5% so với cùng kỳ đạt 1.315 tỷ đồng nhờ thu nhập lãi thuần tăng trưởng mạnh (tăng 37,3% so với cùng kỳ) và chi phí dự phòng giảm (giảm 7% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ giảm tốc vì TPB lỗ 53 tỷ đồng hoạt động mua bán trái phiếu và thu nhập khác giảm 69% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận thuần năm 2021 đạt 4.832 tỷ đồng (tăng trưởng 37,7%), bằng 103% dự báo của HSC. KQKD năm 2021 cao hơn một chút so với kỳ vọng của chúng tôi.

Tín dụng tăng tốc liên tục trong năm 2021

Tổng tín dụng tăng 21,7% so với cùng kỳ (tăng 10,1% so với quý trước) lên 159,8 nghìn tỷ đồng; trong đó cho vay khách hàng tăng 17,7% so với cùng kỳ (tăng 6,2% so với quý trước) lên 141,2 nghìn tỷ đồng; chủ yếu nhờ cho vay kỳ hạn dài tăng mạnh 35% so với cùng kỳ (tăng 15,5% so với quý trước). Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng 64,7% so với cùng kỳ (tăng 37,6% so với quý trước) lên 18,6 nghìn tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng năm 2021 thấp hơn dự báo của HSC là 25%.

Về mặt huy động, tổng vốn huy động tăng 20,4% so với cùng kỳ (tăng 6,1% so với quý trước) lên 174,9 nghìn tỷ đồng; nhờ tiền gửi khách hàng tăng 20,4% so với cùng kỳ (tăng 6,1% so với quý trước) lên 159,8 nghìn tỷ đồng và giấy tờ có giá tăng 29% so với cùng kỳ (tăng 12,3% so với quý trước). Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tăng lên 23,3% từ 21,6% tại thời điểm cuối Q3/2021.

Vốn vay thuần trên thị trường liên ngân hàng của TPB tại thời điểm cuối Q4/2021 tăng lên 69 nghìn tỷ đồng từ 31,8 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối Q4/2020.

Tỷ lệ NIM bắt đầu hồi phục

Tỷ lệ NIM Q4/2021 tăng 36 điểm cơ bản so với quý trước lên 4,69% từ 4,33% trong Q3/2021. Lợi suất gộp tăng nhẹ 8 điểm cơ bản so với quý trước lên 7,9% trong khi chi phí huy động giảm 25 điểm cơ bản so với quý trước xuống còn 3,11% từ 3,36% trong Q3/2021. Chi phí huy động Q4/2021 giảm một phần vì TPB sử dụng vốn huy động chi phí thấp từ thị trường liên ngân hàng.

Tỷ lệ NIM cả năm 2021 tăng 28 điểm cơ bản lên 4,7% nhờ chi phí huy động (giảm 92 điểm cơ bản) giảm nhiều hơn lợi suất gộp (giảm 56 điểm cơ bản).

TPB đã triển khai các gói cho vay ưu đãi lãi suất dành cho các khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong Q4/2021, TPB đã hy sinh 100 tỷ đồng thu nhập lãi và cả năm 2021 Ngân hàng hy sinh 221 tỷ đồng thu nhập lãi thuần vì triển khai các gói cho vay hỗ trợ; điều này khiến lợi suất cho vay giảm 0,56% trong năm 2021.

Tóm lại, thu nhập lãi thuần Q4/2021 tăng 34,6% so với cùng kỳ lên 2.810 tỷ đồng; từ đó thu nhập lãi thuần cả năm 2021 đạt 9.946 tỷ đồng (tăng trưởng 36,5%), sát với kỳ vọng của HSC.

Lỗ HĐ kinh doanh trái phiếu đã ảnh hưởng đến thu nhập ngoài lãi Q4/2021

Tổng thu nhập ngoài lãi Q4/2021 giảm mạnh 32% so với cùng kỳ xuống còn 801 tỷ đồng từ nền cao của Q4/2020. Cụ thể, TPB ghi nhận 53 tỷ đồng lỗ HĐ kinh doanh trái phiếu so với lãi 131 tỷ đồng trong Q4/2020.

Lãi thuần HĐ dịch vụ Q4/2021 tăng 7% so với cùng kỳ lên 490 tỷ đồng, nhờ thu nhập hoa hồng banca tăng mạnh 42,9% so với cùng kỳ lên 259 tỷ đồng trong khi thu nhập dịch vụ thanh toán chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ lên 226 tỷ đồng và thu nhập dịch vụ khác giảm 25,6% so với cùng kỳ xuống còn 175 tỷ đồng từ nền cao trong Q4/2020.

Tính chung cả năm 2021, thu nhập ngoài lãi đạt 3.571 tỷ đồng (tăng 15,6%) nhờ thu nhập HĐ dịch vụ tăng tốt (tăng 22%) và lãi đáng kể ở hoạt động kinh doanh trái phiếu là 1.410 tỷ đồng (tăng 95%); trong khi thu nhập khác giảm 65%.

Hiệu quả hoạt động tiếp tục cải thiện

Tổng chi phí hoạt động Q4/2021 tăng 7,5% so với cùng kỳ lên 1.407 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lương tăng 13,4% so với cùng kỳ lên 804 tỷ đồng và chi phí liên quan đến tài sản tăng 10,4% so với cùng kỳ lên 234 tỷ đồng. Số lượng văn phòng giao dịch tiếp tục tăng lên 121 trong Q4/2021 (từ 104 vào cuối Q2/2021).

Theo đó, chi phí hoạt động năm 2021 tăng 8,7% lên 4.571 tỷ đồng, giúp hệ số CIR giảm xuống còn 33,8% từ 40,5% trong năm 2020.

Chất lượng tài sản cải thiện và đệm dự phòng được củng cố

Tổng nợ xấu giảm 16% so với quý trước (giảm 18,6% so với cùng kỳ) xuống 1.156 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu là 0,82%; giảm từ 1,04% tại thời điểm cuối Q3/2021. Nợ nhóm 2 giảm 38,9% so với quý trước (nhưng vẫn tăng 28% so với cùng kỳ) xuống 2.077 tỷ đồng (bằng 1,47% dư nợ cho vay). Chất lượng tài sản cải thiện cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế sau thời gian giãn cách xã hội.

Chi phí dự phòng Q4/2021 giảm 7% so với cùng kỳ xuống còn 560 tỷ đồng vì TPB chỉ xóa 33 tỷ đồng nợ xấu (so với 1.814 tỷ đồng trong Q3/2021).

Với nợ xấu giảm, hệ số LLR tăng lên 153% (mức cao nhất trong 4 năm) từ 115% tại thời điểm cuối Q3/2021 và 145% tại thời điểm cuối Q2/2021.

Tính chung cả năm 2021, chi phí dự phòng vẫn tăng 63% lên 2.908 tỷ đồng, theo đó chi phí tín dụng là 2,23% (tăng từ 1,65% trong năm 2020). Ngân hàng đã chủ động xóa 2.666 tỷ đồng nợ xấu và chúng tôi coi đây là động thái cẩn trọng.

Xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo

Hiện TPB có P/B dự phóng năm 2022 là 1,95 lần và P/B dự phóng 1 năm là 1,98 lần; cao hơn 19% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân. Giá cổ phiếu đã tăng 25% trong 3 tháng qua, vượt qua giá mục tiêu của HSC.

HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo.