Ngân hàng Tiên Phong (TPB): Lợi nhuận Q2/2022 tăng 36%, sát kỳ vọng

Nguồn: HSC

Lợi nhuận Q2/2022 tăng 36%, sát kỳ vọng

 

TPB

 

Tóm tắt

  • TPB đã công bố KQKD Q2/2022 với lợi nhuận thuần tăng 36%, chủ yếu nhờ tổng thu nhập HĐ tăng mạnh và chi phí dự phòng chỉ tăng nhẹ.
  • Lợi nhuận thuần 6 tháng đạt 3.031 tỷ đồng (tăng 26%), sát với ước tính và bằng 51% dự báo cho cả năm của HSC.
  • Tỷ lệ nợ xấu của TPB giảm còn 0,85% và chi phí dự phòng tăng 5%.
  • Hiện TPB có P/B dự phóng năm 2022 là 1,41 lần; cao hơn so với bình quân nhóm NHTM tư nhân là 1,22 lần. HSC đang xem xét lại giá mục tiêu và khuyến nghị.

Sự kiện: Công bố KQKD Q2/2022 vào ngày 21/7

TPB đã công bố KQKD Q2/2022 với lợi nhuận thuần tăng 36% so với cùng kỳ đạt 1.732 tỷ đồng, chủ yếu nhờ tổng thu nhập HĐ (tăng 33% so với cùng kỳ) tăng mạnh và chi phí dự phòng (tăng 5% so với cùng kỳ) chỉ tăng nhẹ.

Lợi nhuận thuần 6 tháng đầu năm đạt 3.031 tỷ đồng (tăng 26% so với cùng kỳ), sát với ước tính của HSC.

Tín dụng giảm trong Q2

Tổng tín dụng Q2/2022 giảm 1,9% so với quý trước (tăng 9,1% so với đầu năm) đạt 174 nghìn tỷ đồng, với tổng cho vay khách hàng tăng 0,8% so với quý trước (tăng 7% so với đầu năm) đạt 151 nghìn tỷ đồng và trái phiếu doanh nghiệp giảm 15,6% so với quý trước (tăng 25% so với đầu năm) còn 23 nghìn tỷ đồng. Trong cơ cấu cho vay, cho vay khách hàng cá nhân là động lực chính, tăng 17% so với đầu năm. Cho vay khách hàng cá nhân đóng góp 59% vào tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối Q2/2022, tăng từ mức 54% tại thời điểm cuối Q1/2022.

Về mặt huy động, tiền gửi khách chàng tăng 2,5% so với quý trước (tăng 12% so với đầu năm) đạt 156 nghìn tỷ đồng trong khi giấy tờ có giá phát hành giảm 16% so với quý trước (giảm 11,7% so với đầu năm) xuống còn 31 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn duy trì ở mức 18,6%.

Mức vay ròng trên thị trường liên ngân hàng của TPB tại thời điểm cuối Q2/2022 tăng lên 73 nghìn tỷ đồng từ 66 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối Q1/2022.

Tỷ lệ NIM hồi phục từ nền thấp

Tỷ lệ NIM Q2/2022 tăng 21 điểm cơ bản so với quý trước (giảm 52 điểm cơ bản so với cùng kỳ) lên 4,57%; trong đó lợi suất gộp tăng 31 điểm cơ bản so với quý trước (giảm 74 điểm cơ bản so với cùng kỳ) và chi phí huy động tăng 8 điểm cơ bản so với quý trước (giảm 18 điểm cơ bản so với cùng kỳ). Tăng trưởng cho vay khách hàng cá nhân và đầu tư TPDN là động lực chính giúp tỷ lệ NIM hồi phục.

Tóm lại, thu nhập lãi thuần tăng 20% so với cùng kỳ đạt 3 nghìn tỷ đồng, sát với ước tính của HSC.

Thu nhập ngoài lãi vẫn tăng trưởng tích cực nhờ lãi thuần HĐ dịch vụ

Thu nhập ngoài lãi Q2/2022 tăng 69% so với cùng kỳ đạt 1.538 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi thuần HĐ dịch vụ tăng 65% so với cùng kỳ đạt 681 tỷ đồng. Lãi mua bán trái phiếu và lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối lần lượt tăng 65% và 12% so với cùng kỳ.

Trong lãi thuần HĐ dịch vụ, thu nhập từ dịch vụ thanh toán tăng 238% so với cùng kỳ đạt 340 tỷ đồng và thu nhập hoa hồng banca tăng 4% so với cùng kỳ đạt 264 tỷ đồng. Thu nhập từ banca tăng kém vì tình hình kinh tế năm nay không được khả quan với phí bảo hiểm quy năm trong 6 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 14,3% so với cùng kỳ so với mức tăng trưởng 35% trong năm 2021.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lãi mua bán trái phiếu đi ngang so với cùng kỳ, cho thấy động lực tăng trưởng từ đây đã yếu đi trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tăng (đã được HSC đề cập trong các báo cáo trước đây). Về dài hạn, tăng trưởng thu nhập ngoài lãi của TPB sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào lãi thuần HĐ dịch vụ.

Chi phí HĐ tăng những vẫn trong tầm kiểm soát

Chi phí HĐ Q2/2022 tăng mạnh 42% so với cùng kỳ lên 1.763 tỷ đồng. Theo đó, chi phí HĐ 6 tháng đầu năm 2022 tăng 35% so với cùng kỳ lên 3.000 tỷ đồng, chủ yếu vì chi phí nhân viên (tăng 40% so với cùng kỳ lên 1.747 tỷ đồng) tăng với số lượng nhân viên tăng 21% so với cùng kỳ lên 8.850 người.

Nhờ tổng thu nhập HĐ tăng mạnh hơn chi phí HĐ, hệ số CIR Q2/2022 đã tăng lên 38,5% từ 32,5% trong năm 2021.

Chất lượng tài sản được duy trì

Tỷ lệ nợ xấu của TPB đã giảm về 0,85% từ 1,14% tại thời điểm cuối Q1/2022. Đồng thời, tỷ lệ nợ nhóm 2 giảm về 1,53% từ 1,63% tại thời điểm cuối Q1/2022. Hệ số LLR tăng lên 161% từ 125% tại thời điểm cuối Q1/2022.

Chi phí dự phòng Q2/2022 tăng 5% so với cùng kỳ lên 645 tỷ đồng, theo đó chi phí tín dụng theo năm giảm còn 1,82% từ 2,23% trong năm 2021.

HSC đang xem xét lại giá mục tiêu và khuyến nghị

Hiện TPB có P/B dự phóng năm 2022 là 1,41 lần; cao hơn 15% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân là 1,22 lần. HSC đang xem xét lại giá mục tiêu và khuyến nghị.