Nguồn: VCSC
Tăng trưởng ổn định nhờ cho vay doanh nghiệp vừa & nhỏ và cho vay hộ kinh doanh
Chúng tôi cho rằng mảng doanh nghiệp vừa & nhỏ và hộ kinh doanh là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng năm 2024F. Vào năm 2023, tỷ trọng cho vay trung & dài hạn của ACB giảm 3,6 điểm % YoY. Chúng tôi dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2024F do chúng tôi dự báo cho vay thế chấp mua nhà sẽ phục hồi chậm. Thay vào đó, ACB sẽ tận dụng chi phí huy động thấp để thu hút thêm doanh nghiệp vừa & nhỏ và hộ kinh doanh gia đình có nhu cầu vốn lưu động trong năm 2024. Theo ACB, ngân hàng đã áp dụng lãi suất cho vay vốn lưu động thấp gần bằng với các ngân hàng nhà nước. Do đó, chúng tôi cho rằng NIM năm 2024 của ACB sẽ tăng nhẹ 18 điểm cơ bản YoY lên 4,04%, mức NIM này vẫn thấp hơn so với năm 2022.
Chúng tôi dự báo chất lượng tài sản tốt hơn và chi phí tín dụng thấp hơn trong năm 2024. Dư nợ cho vay Nhóm 2 đến Nhóm 4 của ACB có xu hướng giảm kể từ quý 3/2023 và chỉ chiếm 1,07% tổng dư nợ cho vay khách hàng tính đến quý 4/2023. Với triển vọng nền kinh tế Việt Nam tích cực hơn trong năm 2024 và ACB tăng tỷ trọng giải ngân cho nhu cầu vốn ngắn hạn để hỗ trợ hoạt động sản xuất và thương mại, chúng tôi dự báo chi phí tín dụng năm 2024 là 0,30% (-7 điểm cơ bản YoY).
Chúng tôi cho rằng giả định của chúng tôi là thận trọng vì ACB đang đặt mục tiêu chi phí tín dụng đạt 0,13% trong năm 2024 - bằng với mức bình thường của ACB trước đại dịch COVID-19. ACB cho thấy tham vọng mở rộng dịch vụ chứng khoán. Từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, ACB tăng vốn điều lệ cho công ty con Chứng khoán ACB (ACBS) từ 3 nghìn tỷ đồng lên 7 nghìn tỷ đồng, đưa ACBS trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn thứ 5 trên thị trường. Chúng tôi tin rằng nguồn vốn lớn và lượng khách hàng cá nhân dồi dào từ ngân hàng mẹ sẽ hỗ trợ ACBS (1) tăng thị phần dịch vụ môi giới và (2) tăng thị phần cho vay ký quỹ, từ đó mang lại (1) thu nhập ngoài lãi (NOII) đa dạng và (2) tỷ lệ CASA cao hơn.