Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB): Kế hoạch lợi nhuận thận trọng năm 2023

Nguồn: HSC

Kế hoạch lợi nhuận thận trọng năm 2023

 

LPB

 

  • Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ thường niên của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) tại tỉnh Ninh Bình vào ngày 23/04. Chương trình chính của đại hội gồm (1) đánh giá kết quả kinh doanh năm 2022 của LPB, (2) thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023, (3) thông qua phương án tăng vốn và trả cổ tức bằng cổ phiếu, (4) thông qua phương án đổi tên viết tắt ngân hàng và mua/nhận chuyển nhượng tài sản để làm trụ sở và (5) bầu Ban kiểm soát (BKS) và Hội đồng quản trị (HĐQT) mới nhiệm kỳ 2023-2028.
  • Phiên hỏi đáp tập trung vào kế hoạch thoái vốn của Tổng CT Bưu điện Việt Nam (VNPost) khỏi LPB và chiến lược của LPB để đạt được mục tiêu lợi nhuận.
  • Các kế hoạch chính cho năm 2023 bao gồm (1) tăng trưởng tín dụng 16,0% so với giả định hiện tại của chúng tôi là 13,0% - ngân hàng lưu ý rằng có thể điều chỉnh tăng trưởng tín dụng năm 2023G sau khi nhận được hạn mức tín dụng bổ sung từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thời gian còn lại của năm 2023 — (2) tăng trưởng huy động vốn là 17,9% so với dự báo hiện tại của chúng tôi là 12,8%, (3) thu nhập phí thuần (NFI) là 1,3 nghìn tỷ đồng (-21,8% YoY) so với dự báo cả năm của chúng tôi là 1,9 nghìn tỷ đồng (+14,4%) - trong đó chúng tôi giả định rằng LPB sẽ ghi nhận đợt cuối cùng của phí bancassurance ứng trước từ Dai-ichi Life vào năm 2023 - và (4) LNTT là 6,0 nghìn tỷ đồng (+5,4% YoY) so với dự báo cả năm của chúng tôi là 6,4 nghìn tỷ đồng (+12,1%). Trong 4 năm qua, LPB đã vượt kế hoạch lợi nhuận từ 7% - 43%.
  • LPB đề xuất phát hành 328,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2022 với tỷ lệ 19% (so với kế hoạch 12% đề ra tại ĐHCĐ năm 2022 cho năm tài chính 2022). Kế hoạch cổ tức năm 2023 là 12%; tuy nhiên, hình thức cổ tức chưa được xác định.
  • LPB đề xuất phát hành (1) 300 triệu cổ phiếu tăng vốn mới thông qua phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài (tương đương 10,5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành sau phát hành riêng lẻ), (2) 500 triệu cổ phiếu thông qua phát hành quyền cho cổ đông hiện hữu với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu và (3) 10 triệu cổ phiếu thông qua phát hành ESOP. Phương án phát hành quyền và phát hành riêng lẻ được đề xuất tại ĐHCĐ thường niên năm 2022 nhưng không được thực hiện đã bị hủy bỏ để chuyển sang phương án phát hành quyền và phát hành riêng lẻ mới được đề xuất tại ĐHCĐ năm nay. Ngoài ra, LPB đề xuất nâng giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL) từ 5,0% lên 15,5% sau khi hoàn tất phương án phát hành riêng lẻ.
  • Chúng tôi hiện đang khuyến nghị KHẢ QUAN đối với LPB với giá mục tiêu là 16.900 đồng/cổ phiếu.

Việc VNPost thoái vốn khỏi LPB sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ đối tác giữa VNPost và LPB. Trước câu hỏi của cổ đông về lý do khiến VNPost thoái vốn không thành công vừa qua, Phó TGĐ LPB, ông Bùi Thái Hà cho biết, giá bán có thể là một nguyên nhân do VNPost định thoái vốn khỏi LPB với giá khởi điểm khoảng 22.000 đồng/cổ phiếu; thời gian gần đây, giá cổ phiếu LPB dao động quanh mức 14.000-15.000 đồng/cổ phiếu. LPB không thể can thiệp hay tác động đến quá trình thoái vốn này. Ông Bùi Thái Hà khẳng định việc thoái vốn của VNPost sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác giữa hai bên bởi hợp đồng hợp tác giữa LPB và VNPost được ký ngày 23/6/2011 có thời hạn 50 năm.

LPB được cổ đông thông qua việc đổi tên viết tắt từ LienVietPostBank thành LPBank. Ngân hàng giải thích tên cũ có quá nhiều âm tiết, khó nhớ và khó phát âm, điều này cũng gây khó khăn cho các chiến dịch marketing. Vì vậy, ngân hàng đã đề xuất đổi tên viết tắt thành LPBank để dễ dàng phát âm và ghi nhớ hơn.

LPB đã được cổ đông thông qua việc mua/nhận chuyển nhượng tòa nhà tại số 210 Trần Quang Khải, phường Hoàn Kiếm, Hà Nội để làm trụ sở chính của ngân hàng. Giá mua tối đa sẽ được dựa trên định giá của một công ty định giá độc lập.

Cổ đông đã thông qua danh sách thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028 và ủy quyền cho HĐQT quyết định ngân sách cho các hoạt động từ thiện xã hội giai đoạn 2024-2028. Kể từ khi thành lập, LPB đã tham gia vào nhiều dự án Trách nhiệm xã hội (CSR) từ giáo dục, y tế, văn hóa cho đến phát triển địa phương. Chúng tôi ước tính ngân sách trung bình hàng năm dành cho CSR của ngân hàng chiếm 7,2% tổng thu nhập từ HĐKD trong 5 năm qua. Ngân sách dự kiến cho các hoạt động xã hội giai đoạn 2024-2028 chưa được công bố chi tiết tại ĐHCĐ. Trong khi đó, cổ đông bầu 7 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028, giữ chức Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Đức Thụy. Bốn thành viên khác được bầu vào Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028.