Nguồn: VCSC
Tăng trưởng lợi nhuận chững lại trong năm 2023
- Chúng tôi nâng giá mục tiêu cho Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) thêm 14,2% lên 16.900 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN.
- Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu đến từ (1) mức tăng tổng cộng 12,5% trong dự báo cho LNST giai đoạn 2023-2027 và (2) giảm giả định chi phí vốn chủ sở hữu của LPB từ 16,6% xuống 16,4% do cập nhật hệ số beta.
- Chúng tôi nâng dự báo LNST năm 2023 thêm 5,6%, lên 5,1 nghìn tỷ đồng (+13,1% YoY), chủ yếu nhờ (1) thu nhập từ lãi (NII) tăng 4,0% do điều chỉnh tăng 14 điểm cơ bản trong dự báo NIM và (2) giảm 9,5% chi phí HĐKD (OPEX), mức tăng của LNST cũng đã bị giảm bớt một phần bởi (1) thu nhập phí ròng (NFI) giảm 16,2% (bao gồm cả thu nhập từ giao dịch ngoại hối) do chúng tôi điều chỉnh giả định về phí bancassurance ứng trước của LPB và (2) chi phí dự phòng tăng 19,2% do giả định thận trọng hơn về chất lượng tài sản.
- Chúng tôi duy trì giả định tăng vốn từ việc phát hành 300 triệu cổ phiếu vào giữa năm 2023 thông qua phát hành quyền mua với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, chúng tôi dời giả định tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ 96 triệu cổ phiếu (tương đương 4,51% cổ phần sau phát hành) từ năm 2023 sang giữa năm 2024 do điều kiện thị trường không thuận lợi. Giả định của chúng tôi về giá phát hành riêng lẻ vẫn là 17.000 đồng/cổ phiếu.
- Chúng tôi điều chỉnh giả định về tổng phí bancassurance ứng trước mà LPB sẽ nhận được thông qua hợp đồng bancassurance độc quyền mới với Dai-ichi Life được ký vào tháng 11/2022 từ 1,9 nghìn tỷ đồng xuống 1,6 nghìn tỷ đồng. Chúng tôi ước tính rằng LPB có thể đã ghi trước một phần phí bancassurance ứng trước vào năm 2022 và dự kiến sẽ ghi phần còn lại vào năm 2023.
- Yếu tố hỗ trợ: Phí ứng trước cao hơn dự kiến nhận được từ hợp đồng bancassurance độc quyền mới.
- Rủi ro: (1) LPB không huy động được vốn cổ phần mới thông qua chào bán riêng lẻ/phát hành quyền; (2) các phòng giao dịch bưu điện (PTO) được nâng cấp không mang lại doanh thu như dự báo; (3) rủi ro nợ xấu cao hơn.
LPB đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) về lợi nhuận là 47,2% trong 4 năm qua, nhưng chúng tôi dự báo tăng trưởng lợi nhuận sẽ chững lại trong năm 2023. Tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong 4 năm qua chủ yếu là do (1) NIM tăng do sự chuyển hướng mạnh mẽ sang cho vay bán lẻ, (2) hoạt động kinh doanh bancassurance và (3) kiểm soát chi phí tốt hơn với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm xuống 37,5% trong năm 2022 từ mức 62,0% của năm 2019. Tuy nhiên, chúng tôi thận trọng khi dự báo LNST 2023 khi (1) chúng tôi nhận thấy có áp lực đối với NIM 2023 do LPB cùng một số các ngân hàng khác trong danh mục theo dõi của chúng tôi đã tăng lãi suất tiền gửi mạnh kể từ tháng 9/2022, (2) NFI 2022 cũng như lãi từ chứng khoán đầu tư có mức cơ sở cao do ghi nhận đợt đầu tiên của phí bancasurrance ứng trước và thoái vốn khỏi Sacombank (STB), và (3) chúng tôi dự báo chi phí tín dụng sẽ vẫn cao vào năm 2023 do môi trường lãi suất cao hiện tại. Chúng tôi dự báo LNST năm 2023 sẽ đạt 5,1 nghìn tỷ đồng (+13,1% YoY).
LPB có mức độ phơi nhiễm thấp với những bất ổn hiện tại trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản khi LPB không có số dư trái phiếu doanh nghiệp trên bảng cân đối kế toán tại thời điểm quý 4/2022 và dư nợ vay được dành cho chủ đầu tư phát triển bất động sản chỉ chiếm 0,42% tổng dư nợ cho vay vào quý 2/2022 (theo dữ liệu mới nhất mà chúng tôi thu thập được).