Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB): Thu nhập từ phí cao bù đắp cho chi phí tín dụng cao

Nguồn: VCSC

Thu nhập từ phí cao bù đắp cho chi phí tín dụng cao

 

 

 

 

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) đã công bố KQKD năm 2022 với tổng thu nhập từ HĐKD (TOI) đạt 14,2 nghìn tỷ đồng (+41,0% YoY) và lợi nhuận ròng đạt 4,5 nghìn tỷ đồng (+57,0% YoY), lần lượt hoàn thành 103,9% và 98,4% dự báo năm 2022 của chúng tôi. LNST tăng mạnh chủ yếu nhờ (1) thu nhập từ lãi (NII) tăng 32,0% YoY, (2) thu nhập ngoài lãi (NOII) tăng 119,7% YoY và (3) chi phí HĐKD (OPEX) tăng chậm hơn so với mức tăng của TOI (lần lượt là 4,3% YoY so với 41,0% YoY). Những yếu tố này được bù đắp một phần bởi chi phí dự phòng tăng 140,0% YoY. Trên cơ sở hằng quý, LNST quý 4/2022 đạt 668 tỷ đồng (-32,3% QoQ & +3,6% YoY). Chúng tôi cho rằng sẽ không có thay đổi đáng kể nào đối với dự báo thu nhập của chúng tôi cho LPB, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
 
Tăng trưởng tiền gửi cao hơn đáng kể so với tăng trưởng cho vay trong quý 4/2022. LPB báo cáo tăng trưởng tiền gửi đạt 11,6% QoQ trong quý 4/2022, trong đó số dư tiền gửi từ khách hàng tổ chức tăng 12,7% QoQ trong khi số dư tiền gửi từ khách hàng cá nhân tăng 11,0% QoQ. Trong khi đó, tăng trưởng cho vay quý 4/2022 chậm ở mức 3,3% QoQ, mà chúng tôi cho rằng có thể do hạn mức tín dụng thấp do NHNN cấp. Tăng trưởng tiền gửi năm 2022 đạt 19,8% so với tăng trưởng cho vay đạt 12,7%. Chúng tôi lưu ý rằng LPB đã không còn dư nợ trái phiếu doanh nghiệp kể từ quý 2/2022.
 
NIM giảm so với quý trước do chi phí huy động (COF) cao và tăng trưởng tiền gửi cao hơn so với tăng trưởng cho vay. So với quý trước, NIM quý 4/2022 của LPB giảm 74 điểm cơ bản QoQ, chủ yếu do (1) lợi suất của tài sản sinh lãi (IEA) giảm 30 điểm cơ bản QoQ, (2) COF tăng 53 điểm cơ bản QoQ và (3) tốc độ tăng trưởng tiền gửi quý 4/2022 cao hơn nhiều so với tăng trưởng cho vay. So với cùng kỳ năm trước, NIM năm 2022 vẫn ở mức cao 3,97% (+44 điểm cơ bản YoY) nhờ (1) lợi suất IEA tăng 21 điểm cơ bản YoY, mà chúng tôi cho rằng nhờ sự chuyển dịch liên tục sang cho vay bán lẻ và (2) COF giảm 10 điểm cơ bản YoY, có thể đã được thúc đẩy bởi nguồn vốn từ liên ngân hàng cao hơn vào năm 2022 so với năm 2021.
 
LPB báo cáo thu nhập từ dịch vụ (NFI) thuần tăng 183,0% YoY trong quý 4/2022. NOII năm 2022 tăng 119,7% YoY lên 2,3 nghìn tỷ đồng nhờ (1) NFI thuần tăng 93,7% YoY lên 1,7 nghìn tỷ đồng, (2) khoản lãi 343 tỷ đồng từ đầu tư chứng khoán so với khoản lỗ 1 tỷ đồng vào năm 2021, mà chúng tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu do việc bán cổ phần của STB vào quý 2/2022 và (3) khoản lãi 201 tỷ đồng từ thu nhập thuần khác so với 34 tỷ đồng vào năm 2021, chủ yếu đến từ thu nhập từ thu hồi nợ đã xử lý cao hơn. Những yếu tố này bị ảnh hưởng một phần bởi mức giảm 92,5% YoY trong lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối. NFI thuần tính riêng trong quý 4/2022 đã tăng 183,0% YoY đạt 882 tỷ đồng. Chúng tôi cho rằng ngân hàng có thể đã ghi nhận trước một phần phí bancassurance ứng trước từ hợp đồng bancassurance độc quyền mới với Dai-ichi Life vào tháng 11/2022.
 
Chi phí dự phòng năm 2022 tăng 140% YoY đạt 3,2 nghìn tỷ đồng, dẫn đến chi phí tín dụng tăng từ 0.6% trong năm 2021 lên 1.3% trong năm 2022. Chúng tôi cho rằng chi phí dự phòng của LPB tăng mạnh do (1) chất lượng tài sản giảm và (2) ngân hàng mong muốn xây dựng khoản bộ đệm dự phòng nhằm phòng ngừa các diễn biến kinh tế bất ổn khi tỷ lệ bao phủ nợ (LLR) quý 4/2022 tăng đạt 142% so với mức 114% vào quý 4/2021.
 
Chất lượng tài sản giảm trong quý 4/2022. Tỷ lệ nợ xấu quý 4/2022 của LPB đạt 1,46% (+6 điểm cơ bản QoQ, +13 điểm cơ bản YoY) với tỷ lệ xử lý nợ bằng dự phòng/dư nợ cho vay năm 2022 đạt 0,6% so với mức 0,2% trong năm 2021. Nợ Nhóm 2/dư nợ cho vay quý 4/2022 tăng 5 điểm cơ bản QoQ và 72 điểm cơ bản YoY đạt 1,51%. Trong khi đó, lãi dự thu/IEA quý 4/2022 giảm 49 điểm cơ bản QoQ và 62 điểm cơ bản YoY còn 1,30%.