Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG): Chi phí tín dụng dự báo duy trì ở mức cao trong năm 2023

Nguồn: VCSC

Chi phí tín dụng dự báo duy trì ở mức cao trong năm 2023

 

CTG

 

  • Chúng tôi giữ nguyên giá mục tiêu là 36.300 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị MUA cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (CTG).
  • Chúng tôi giữ nguyên giá mục tiêu do (1) mức tăng 2,0% trong dự phóng tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2027 (thay đổi 3,0%/7,9%/12,7%/-2,2%/-5,1% cho các năm 2023/24/25/26/27) và (2) tác động tích cực từ việc cập nhật mô hình định giá sang giữa năm 2024, bị ảnh hưởng bởi (i) mức tăng trong giả định chi phí vốn chủ sở hữu cho CTG do chúng tôi cập nhật hệ số beta và (ii) mức giảm trong giả định của chúng tôi cho P/B mục tiêu từ 1,3 lần xuống 1,2 lần cho CTG.
  • Chúng tôi nâng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2027 chủ yếu do (1) mức tăng 1,3% trong tổng thu nhập từ lãi (NII) và (2) mức tăng 11,7% trong tổng thu nhập phí ròng (NFI) (bao gồm lãi từ kinh doanh ngoại hối), bị ảnh hưởng một phần bởi mức tăng 3,7% trong tổng dự báo chi phí HĐKD (OPEX).

  • Chúng tôi nâng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 thêm 3,0% đạt 19,0 nghìn tỷ đồng (13,5% YoY) so với dự báo trong Báo cáo Cập nhật trước đây của chúng tôi chủ yếu do (1) mức tăng 9,7% trong NFI (bao gồm cả lãi từ kinh doanh ngoại hối) khi KQKD cao hơn dự kiến trong quý 1/2023 và (2) mức giảm 3,6% trong chi phí dự phòng. Trong khi đó, chúng tôi duy trì dự báo cho NIM và tăng trưởng tín dụng năm 2023 gần như không đổi.
  • Rủi ro: (1) Thu nhập phí từ mảng bancassurance tăng trưởng thấp hơn dự kiến; (2) tỷ lệ hình thành nợ xấu cao hơn dự kiến; (3) trích lập dự phòng kéo dài hơn dự kiến do rủi ro bất ổn của nền kinh tế; (4) các gói hỗ trợ lãi suất cho khách hàng cao hơn dự kiến.

Chúng tôi dự báo chi phí tín dụng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2023. Chi phí tín dụng của CTG trong năm 2022 là 1,90% - mức cao nhất mà chúng tôi từng thấy trong 10 năm qua và mức này là tương tự với chi phí tín dụng của BID trong giai đoạn 2018-2021. Trong khi CTG đặt mục tiêu chi phí dự phòng năm 2023 là 12 - 15 nghìn tỷ đồng, chúng tôi điều chỉnh giảm chỉ 3,6% dự phóng cho chi phí dự phòng năm 2023 xuống còn 24 nghìn tỷ đồng (+1,2% YoY). Dự báo của chúng tôi phản ánh rằng chi phí tín dụng năm 2023 sẽ tiếp tục được duy trì ở mức cao ở mức 1,71%. Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng do chúng tôi nhận thấy tỷ lệ nợ Nhóm 2 tại CTG tương đối cao trong 12 tháng qua và cho rằng áp lực hình thành nợ xấu trong ngắn hạn (trước khi tái cơ cấu theo Thông tư 02) vẫn duy trì ở mức cao vào năm 2023.

Chúng tôi dự phóng tỷ lệ xử lý nợ cao trong hai năm tới. Trong 12 tháng qua, chúng tôi nhận thấy CTG đã tăng trích lập chi phí dự phòng và xử lý nợ xấu nhờ tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ hơn từ hợp đồng bancassurance độc quyền với Manulife. Chúng tôi kỳ vọng đà tăng doanh thu này sẽ tiếp tục và dự báo chi phí tín dụng cũng như tỷ lệ xử lý nợ/tổng cho vay của CTG sẽ duy trì ở mức cao gần bằng tỷ lệ trong năm 2022 trong hai năm tới. Kịch bản cơ sở của chúng tôi là chi phí tín dụng của CTG sẽ bắt đầu hạ nhiệt vào năm 2025.

Thu nhập từ thu hồi các khoản nợ xấu đã xử lý sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận từ năm 2024. Mặc dù chúng tôi dự phóng tỷ lệ xử lý nợ cao tại CTG trong những năm tới, chúng tôi cho rằng ngân hàng sẽ có thể thu hồi một phần các khoản nợ đã xử lý, từ đó sẽ đóng góp trở lại vào thu nhập trong giai đoạn dự báo của chúng tôi do ngân hàng có tỷ lệ tài sản thế chấp là BĐS trên tổng các khoản cho vay lớn.