Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG): Mức giảm trong giả định về gói hỗ trợ lãi suất bù đắp cho chi phí tín dụng tăng

Nguồn: VCSC

Mức giảm trong giả định về gói hỗ trợ lãi suất bù đắp cho chi phí tín dụng tăng

 

CTG

 

  • Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 13,1% lên 36.300 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị MUA cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (CTG).
  • Giá mục tiêu cao hơn là do chúng tôi nâng dự phóng tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2027 thêm 8,9% và giảm dự báo chi phí vốn chủ sở hữu cho CTG từ 15,8% xuống 14,8% do chúng tôi cập nhật hệ số beta.
  • Chúng tôi nâng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 thêm 1,5% lên 18,5 nghìn tỷ đồng (+9,3% YoY) chủ yếu do chúng tôi (1) nâng dự báo thu nhập lãi ròng (NII) thêm 3,1% do điều chỉnh tăng dự phóng NIM thêm 2 điểm cơ bản, (2) nâng dự báo tăng trưởng tín dụng từ khoảng 10,0% lên khoảng 12,0% và (3) nâng dự báo thu nhập phí ròng (NFI) (bao gồm kinh doanh ngoại hối) thêm 15,4%, bị ảnh hưởng một phần bởi điều chỉnh tăng dự báo 19,2% chi phí dự phòng.
  • Rủi ro chính: (1) CTG không tăng tỷ lệ cho vay bán lẻ và/hoặc tỷ lệ CASA như dự kiến; (2) tỷ lệ nợ xấu hình thành cao hơn dự kiến; (3) gói hỗ trợ lãi suất cho khách hàng cao hơn kỳ vọng của chúng tôi.

Việc CTG cung cấp gói hỗ trợ lãi suất là phù hợp với dự báo trước đây của chúng tôi; tuy nhiên, chúng tôi điều chỉnh giảm giả định thu nhập lãi hi sinh của CTG trong năm 2023 sau khi ước tính chi phí từ các chương trình hỗ trợ lãi suất hiện tại. Trong dự báo trước đây, chúng tôi giả định CTG sẽ mất 8,8 nghìn tỷ đồng từ thu nhập lãi do việc hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Sau Báo cáo Cập nhật gần nhất của chúng tôi, CTG đã công bố chương trình hỗ trợ, qua đó CTG hỗ trợ lãi suất cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và khách hàng cá nhân phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh. CTG cũng tham gia gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng do 4 ngân hàng quốc doanh hỗ trợ cho các dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân với lãi suất thấp hơn 1,5-2,0 điểm % so với lãi suất cho vay trung bình trên thị trường. Tuy các chương trình hỗ trợ diễn ra phù hợp với dự báo, nhưng chúng tôi vẫn tiến hành điều chỉnh giảm giả định CTG sẽ dành thu nhập lãi trong năm 2023 cho các chương trình hỗ trợ của Chính phủ xuống 5,5 nghìn tỷ đồng (so với 8,8 nghìn tỷ đồng trong dự báo trước đây) do chúng tôi cho rằng giả định trước đây của chúng tôi là quá thận trọng. Điều này một phần phản ánh trong việc chúng tôi điều chỉnh tăng dự phóng NIM 2023 lên 2,90%.

Bancassurance được dự báo sẽ thúc đẩy lợi nhuận trong 3 năm tới. Dù CTG chỉ vừa bắt đầu kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm Manulife từ tháng 02/2022, phí bảo hiểm tương đương hàng năm (APE) của CTG trong năm 2022 xếp hạng 9 trên thị trường – vị trí mà VCB phải mất hơn một năm kinh doanh các sản phẩm bancassurance để đạt được. Chúng tôi cho rằng năng lực kinh doanh hiệu quả các sản phẩm bancassurance của CTG là nhờ (1) cơ sở khách hàng và mạng lưới rộng lớn của ngân hàng cũng như (2) việc tăng trưởng NII bị giới hạn so với các ngân hàng khác do hạn chế về vốn sẽ thúc đẩy ngân hàng tập trung vào việc kinh doanh các sản phẩm bancassurance. Mặc dù,gần đây cơ quan chức năng đang tiến hành công tác thanh tra các sai phạm trong việc bán các sản phẩm bancassurance tại một số ngân hàng, nhưng chúng tôi cho rằng việc sai phạm gần đây chỉ tồn tại tại một số đơn vị và sẽ nhanh chóng được điều chỉnh, trong khi đó nhu cầu đối với các sản phẩm bảo hiểm dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong bối cảnh ngành bảo hiểm của Việt Nam hiện có tỷ lệ thâm nhập thấp. Chúng tôi dự báo tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) cho APE của CTG khoảng 20% trong 3 năm tới.

Chúng tôi nâng giả định chi phí tín dụng do chất lượng tài sản suy giảm. Chất lượng tài sản của CTG suy giảm trong năm 2022 với tỷ lệ nợ nhóm 2 cao và tỷ lệ xử lý nợ cao đáng lưu ý trong quý 4/2022, một phần do một số khách hàng thuộc diện hỗ trợ tái cơ cấu do dịch COVID-19 đã không thể phục hồi. Do đó, chúng tôi thận trọng nâng giả định chi phí tín dụng trung bình giai đoạn 2023-2027 lên 1,46% từ mức 1,26% trong dự báo trước đây.