Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG): Tín dụng tăng trưởng mạnh, tiềm năng từ bancassurance

Nguồn: VCSC

Tín dụng tăng trưởng mạnh, tiềm năng từ bancassurance

 

CTG

 

  • Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) tại Hà Nội vào ngày 21/04. Chương trình chính của đại hội gồm (1) nhìn lại KQKD năm 2022, (2) thông qua kế hoạch năm 2023, (3) thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu sử dụng lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận giữ lại lũy kế tính đến cuối năm 2016, và (4) bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2019-2024.
  • Phần hỏi đáp tập trung vào (1) KQKD quý 1/2023, (2) tiềm năng từ bancassurance và (3) đánh giá của CTG về việc ban hành Thông tư 26/2022/TT-NHNN (gọi tắt là Thông tư 26).
  • Các kế hoạch năm 2023 bao gồm tăng trưởng tổng tài sản 5%-10% YoY so với dự báo cả năm của chúng tôi là 9,6% YoY. Kế hoạch về tăng trưởng tín dụng không được đề xuất chi tiết (giả định hiện tại của chúng tôi là 11,9% YoY) nhưng sẽ được thực hiện theo hạn mức tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tỷ lệ nợ xấu được đặt mục tiêu dưới 1,8% (so với dự báo cả năm của chúng tôi là 1,4%), và tăng trưởng LNTT riêng lẻ được đặt phù hợp với phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. CTG đã trình Chính phủ đề xuất kế hoạch tăng trưởng LNTT năm 2023 (mà chúng tôi cho rằng kế hoạch này được đặt trên số riêng lẻ) là 10%-15% so với dự báo tăng trưởng LNTT 9,8% của chúng tôi ở mức độ hợp nhất. Trong 3 năm qua, LNTT riêng lẻ chiếm 96% LNTT hợp nhất. CTG thường vượt kế hoạch lợi nhuận trong 5 năm qua.
  • CTG đề xuất 2 kịch bản cho phương án chia cổ tức bằng lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận giữ lại lũy kế đến cuối năm 2016. Kế hoạch cổ tức cho năm 2022 không được tiết lộ, nhưng ngân hàng cho biết đây sẽ là cổ tức bằng cổ phiếu.
  • Chúng tôi hiện khuyến nghị MUA đối với CTG với giá mục tiêu là 36.300 đồng/cổ phiếu. 

CTG ghi nhận tín dụng tăng trưởng mạnh 4,6% QoQ trong quý 1/2023. Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết tăng trưởng tổng tài sản của CTG đạt 0,9% trong quý 1/2023, tăng trưởng tín dụng đạt 4,6% QoQ so với tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 2,1% QoQ và tỷ lệ nợ xấu (bao gồm cả cho vay và trái phiếu doanh nghiệp) là 1,28%, tăng nhẹ so với cuối năm 2022 (tỷ lệ nợ xấu năm 2022 được báo cáo là 1,24%) nhưng con số này khá tích cực trong điều kiện kinh tế không thuận lợi. Tăng trưởng tín dụng của CTG trong quý 1/2023 cao hơn VCB, trong đó dư nợ cho vay khách hàng của CTG tăng 4,6% trong khi dư nợ trái phiếu doanh nghiệp giảm 1,4%. Hơn 50% tăng trưởng cho vay đến từ cho vay doanh nghiệp lớn, phần còn lại đến từ bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chủ tịch HĐQT cho biết nhu cầu tín dụng ổn định tại Hà Nội, TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ. Hạn mức tín dụng ban đầu của CTG là 8,7%.

Hai kịch bản chia cổ tức sử dụng lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận giữ lại lũy kế tính đến cuối năm 2016.

- Kịch bản 1: Tại thời điểm chia cổ tức bằng lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận giữ lại lũy kế đến cuối năm 2016, CTG chưa thực hiện chia cổ tức cổ phiếu năm 2020. CTG sẽ trả cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 25,7% (tất cả tính trên mệnh giá).

- Kịch bản 2: Tại thời điểm chia cổ tức sử dụng lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận giữ lại lũy kế đến cuối năm 2016, CTG đã trả cổ tức cổ phiếu năm 2020. CTG sẽ trả cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 23,0% (được tính dựa trên số cổ phiếu dự kiến lưu hành sau khi trả cổ tức cổ phiếu năm 2020; tỷ lệ phần trăm dựa trên mệnh giá).

Việc ban hành Thông tư 26 sẽ tạo dư địa cho tăng trưởng tín dụng. Với việc ban hành Thông tư 26 bổ sung một phần tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước vào mẫu số của công thức tính tỷ lệ LDR trong 3 năm tới, ban lãnh đạo CTG đánh giá diễn biến trên sẽ tạo thêm dư địa cho CTG cho vay vì NHNN có xem xét về tỷ lệ LDR trong việc cấp hạn mức tín dụng cho CTG. Hệ số LDR quy định theo Thông tư 26 của CTG là 79,2% so với ngưỡng quy định là 85%.

Tỷ lệ thâm nhập bancassurance thấp trong cơ sở khách hàng lớn của CTG tạo cơ hội cho ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh bancassurance. Tuy năm 2022 là năm đầu tiên CTG bán sản phẩm bảo hiểm của Manulife, phí bảo hiểm tương đương hàng năm (APE) năm 2022 của CTG xếp thứ chín trên thị trường. Doanh số bancassurance trong quý 1/2023 được cho là bị ảnh hưởng một phần bởi tâm lý tiêu cực từ các trường hợp vi phạm quy tắc bán bảo hiểm cho khách hàng tại các ngân hàng khác. Tuy nhiên, ngân hàng tin rằng hoạt động kinh doanh bancassurance có tiềm năng trong dài hạn do tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm của Việt Nam thấp so với các quốc gia khác trong khu vực. Ngoài ra, do chỉ có 40.000 trong số 15 triệu khách hàng tại CTG đang tham gia hợp đồng bảo hiểm — tương ứng tỷ lệ thâm nhập chỉ ~0,27% trong cơ sở khách hàng của CTG —CTG tin rằng ngân hàng có khả năng phát triển hoạt động kinh doanh bancassurance trong tương lai.

Một thành viên HĐQT mới đã được bầu tại ĐHCĐ. Ông Masahiko Oki rời vị trí thành viên HĐQT theo đề xuất của MUFG Bank. Ông Koji Iriguchi, hiện đang giữ chức vụ Đồng Trưởng phòng Kế hoạch và Quản trị tài chính kiêm Đồng trưởng ban chiến lược và quản trị thay đổi của Văn phòng HĐQT CTG, được bầu làm Thành viên HĐQT mới, có hiệu lực từ ngày 02/06/2023.