Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG): Tăng trưởng NOII tích cực bù đắp chi phí dự phòng cao

Nguồn: VCSC

Tăng trưởng NOII tích cực bù đắp chi phí dự phòng cao

 

 

 

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) công bố KQKD năm 2022 với tổng thu nhập từ HĐKD (TOI) đạt 64,6 nghìn tỷ đồng (+21,5% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 16,9 nghìn tỷ đồng (+20,0% YoY), lần lượt hoàn thành 104,2% và 102,8% dự báo cả năm của chúng tôi. Lợi nhuận tăng chủ yếu do (1) thu nhập từ lãi (NII) tăng 14,7% YoY và (2) thu nhập ngoài lãi (NOII) tăng 46,5% YoY, bị ảnh hưởng một phần bởi chi phí HĐKD (OPEX) tăng 12,3% YoY và chi phí dự phòng tăng 31,5% YoY. LNST sau lợi ích CĐTS quý 4 năm 2022 đạt 4,3 nghìn tỷ đồng (+27,6% QoQ & +46,0% YoY). Chúng tôi nhận thấy không có thay đổi đáng kể đối với dự báo lợi nhuận cho CTG, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
 
Số dư trái phiếu doanh nghiệp quý 4/2022 giảm 58,9% QoQ, chiếm 0,4% dư nợ tín dụng của CTG – mức thấp nhất trong các ngân hàng TMCP quốc doanh. Số dư trái phiếu doanh nghiệp trên dư nợ tín dụng tính đến quý 4/2022 tại VCB và BID lần lượt là 1,0% và 0,8%.
 
NIM giảm QoQ và gần như đi ngang YoY. CTG báo cáo NIM gần như đi ngang đạt 2,98% (-3 điểm cơ bản YoY) trong năm 2022 so với 2021. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng ổn định ở mức 12,2% YoY phần nào giúp NII năm 2022 tăng 14,7% đạt 47,9 nghìn tỷ đồng. NIM quý 4/2022 giảm 11 điểm cơ bản QoQ do chi phí huy động (COF) tăng 70 điểm cơ bản QoQ cao hơn mức tăng 57 điểm cơ bản QoQ trong lợi suất tài sản sinh lãi (IEA yield). CTG duy trì tỷ lệ CASA ở mức 20,0% trong quý 4/2022 so với 20,5% trong quý 3/2022 và 20,1% trong quý 4/2021.
 
NOII năm 2022 tăng 46,5% YoY và vượt dự báo của chúng tôi. CTG báo cáo NOII năm 2022 đạt 16,7 nghìn tỷ đồng (+46,5% YoY), hoàn thành 124,0% dự báo cả năm của chúng tôi, chủ yếu do (1) thu nhập thuần khác tăng 94,4% YoY mà chúng tôi cho rằng chủ yếu đến từ việc thu hồi nợ xấu đã được xử lý cùng việc ghi nhận khoản phí bancassurance ứng trước đợt đầu tiên từ hợp đồng độc quyền với Manulife, (2) lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 97,0% YoY và (3) thu nhập phí thuần (NFI) tăng 22,8% YoY mà chúng tôi cho là nhờ mảng bancassurance tăng trưởng tích cực trong bối cảnh thu nhập phí dịch vụ thanh toán thấp sau khi ngân hàng chạy chương trình miễn phí phí giao dịch. Những yếu tố tích cực này bị ảnh hưởng một phần bởi mức lỗ 126 tỷ đồng từ chứng khoán kinh doanh và đầu tư trong năm 2022 so với lãi 720 tỷ đồng trong năm 2021.
 
Trong khi VCB và BID báo cáo chi phí dự phòng năm 2022 giảm YoY, CTG ghi nhận chiều hướng ngược lại. Chi phí dự phóng của CTG tăng 31,5% YoY, hoàn thành 112,8% dự báo cả năm của chúng tôi, chủ yếu do chất lượng tải sản giảm. Chi phí tín dụng năm 2022 tăng lên 1,90% từ mức 1,63% trong năm 2021. Tỷ lệ bao phủ nợ (LLR) trong năm 2022 duy trì ở mức cao 188% so với 180% trong năm 2021.
 
Tỷ lệ xử lý nợ xấu bằng dự phòng/tổng dư nợ cho vay năm 2022 của CTG đạt mức cao nhất trong 5 năm qua. CTG ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm 18 điểm cơ bản QoQ xuống còn 1,24% trong quý 4/2022 nhờ tỷ lệ xử lý nợ cao trong quý. CTG đã xử lý 15 nghìn tỷ đồng dư nợ cho vay bằng dự phòng trong quý 4/2022. Trong cả năm 2022, ngân hàng đã xử lý tổng cộng 20,2 nghìn tỷ đồng dư nợ cho vay bằng dự phòng — tương đương với tỷ lệ xử lý nợ xấu bằng dự phòng/tổng dư nợ cho vay năm 2022 là 1,62%. Tỷ lệ nợ Nhóm 2 trên tổng dư nợ cũng tăng mạnh 55 điểm cơ bản QoQ và 130 điểm cơ bản YoY lên 2,35% trong quý 4/2022. Lãi dự thu/ tài sản sinh lãi trong quý 4/2022 tăng 1 điểm cơ bản QoQ và 6 điểm cơ bản YoY.