Nguồn: VCSC
Chi phí dự phòng kỳ vọng giảm dù nợ xấu có thể sẽ có áp lực tăng
,
Tín dụng tăng mạnh trong quý 1/2023. Chủ tịch HĐQT BID công bố KQKD sơ bộ quý 1/2023 với tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 5,0% so với tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 2,1%. Ngoài ra, tăng trưởng huy động vốn trong quý 1/2023 của BID đạt 2,3% và LNTT đạt 6,6 nghìn tỷ đồng (+46,2% YoY), hoàn thành 24,6% dự báo cả năm của chúng tôi.
BID kỳ vọng chi phí dự phòng năm 2023 sẽ giảm YoY dù khả năng hình thành nợ xấu tăng. Chủ tịch HĐQT BID giải thích rằng năm 2023 sẽ là một năm đầy thách thức đối với ngành ngân hàng vì nợ xấu có thể sẽ tăng. Tuy nhiên, BID đặt kế hoạch cho chi phí dự phòng năm 2023 đạt khoảng 20 - 21 nghìn tỷ đồng, so với chi phí dự phòng vào năm 2022 là 24 nghìn tỷ đồng và dự báo cả năm của chúng tôi là 24,8 nghìn tỷ đồng, nhờ vào bộ đệm dự phòng tốt. Ngoài ra, trong những năm qua, BID đã nỗ lực hạch toán chi phí dự phòng để xử lý nợ và các tài sản tồn đọng; do đó, ngân hàng tự tin với chất lượng dư nợ tín dụng hiện tại.
Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) 2023 dự kiến sẽ được giữ ở mức dưới 36%. Trước câu hỏi của cổ đông về CIR của BID trong 2 năm qua và kế hoạch cho CIR năm 2023, ban lãnh đạo cho biết CIR năm 2021 và 2022 lần lượt ở mức là 31,1% và 32,4%, mà ngân hàng cho là được kiểm soát tốt. BID đặt kế hoạch chi phí HĐKD (OPEX) năm 2023 tăng khoảng 14% YoY so với dự báo cả năm của chúng tôi là tăng 13% YoY. Ngân hàng cũng kỳ vọng CIR năm 2023 sẽ được giữ dưới mức 36%.
BID tin rằng sự hợp tác hiện tại với các đối tác sẽ giúp ngân hàng mở rộng khả năng tiếp cận với tệp khách hàng FDI và khách hàng thượng lưu. Trả lời câu hỏi của cổ đông về kế hoạch 5 năm nhằm thu hút thêm khách hàng FDI và khách hàng thượng lưu, chủ tịch HĐQT BID cho biết dư nợ tín dụng hiện tại của BID đối với khách hàng FDI vẫn còn thấp. Tuy nhiên, ông tin rằng mảng này có tiềm năng lớn trong vài năm tới và kỳ vọng sự hợp tác của BID với Ngân hàng KEB Hana sẽ giúp ngân hàng mở rộng mảng FDI. Về phân khúc khách hàng thượng lưu, BID đã hợp tác với một số đối tác nước ngoài như Dragon Capital và Edmond De Rothschild để phát triển các dịch vụ đặc biệt dành riêng cho tệp khách hàng này. Ngoài ra, các đối tác của BID có thể cung cấp sản phẩm trực tiếp cho những khách hàng thượng lưu của BID. Chủ tịch HĐQT BID cho biết thêm, Việt Nam hiện chưa có nhiều sản phẩm phục vụ khách hàng thượng lưu nhưng sự hợp tác của BID với các đối tác có thể hỗ trợ ngân hàng đạt được kế hoạch 5 năm trong phân khúc này.
Chủ tịch HĐQT cho rằng, Thông tư 02 rất quan trọng và được ban hành đúng thời điểm. Trả lời câu hỏi của cổ đông về ảnh hưởng của Thông tư 02 quy định về việc các ngân hàng cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng gặp khó khăn, chủ tịch HĐQT BID cho rằng thông tư này ra đời đúng thời điểm và thể hiện nỗ lực của NHNN trong việc hỗ trợ nền kinh tế. Đối với khách hàng, Thông tư 02 kéo dài thời gian thanh toán và cho phép người vay tiếp tục tiếp cận vốn vay từ ngân hàng cho hoạt động kinh doanh. Đối với các ngân hàng, Thông tư 02 giúp giảm áp lực hình thành nợ xấu và chi phí dự phòng do các ngân hàng có thể dàn trải chi phí dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 trong vòng 2 năm. Ngoài ra, Thông tư 02 còn giúp hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế. BID sẽ đánh giá kỹ lưỡng để quyết định những trường hợp nào được xem xét tái cơ cấu theo Thông tư 02. Ban lãnh đạo nhấn mạnh, việc thẩm định tái cơ cấu nợ tại BID sẽ được thực hiện tương tự quy trình giải ngân tín dụng.
BID đã không và sẽ không siết tín dụng đối với các chủ đầu tư BĐS và người mua nhà có chất lượng. Theo nghiên cứu của BID, có hơn 70 ngành nghề có mối liên hệ với lĩnh vực BĐS. Điều đó cho thấy, lĩnh vực BĐS ở Việt Nam rất quan trọng và có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Đầu năm 2023, BID đã gặp gỡ 15 chủ đầu tư BĐS hàng đầu và đưa ra kết luận: 70% vấn đề trong lĩnh vực BĐS là do pháp lý, 30% là do khó khăn về vốn. Các khó khăn về vốn cũng là do pháp lý. BID sẽ tiếp tục giải ngân tín dụng cho các khách hàng chất lượng cao trong lĩnh vực BĐS và không siết tín dụng phân khúc này miễn là các chủ đầu tư BĐS có năng lực tài chính lành mạnh, pháp lý rõ ràng và người mua nhà có nhu cầu ở thực cũng như giấy tờ pháp lý đầy đủ. Trong quý 1/2023, BID đã giải ngân 13,5 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực BĐS (chúng tôi cho rằng số liệu này có thể bao gồm cả các khoản cho vay cá nhân mua nhà).
Bầu bổ sung 1 thành viên mới của HĐQT. Bà Nguyễn Thị Thu Hương thôi giữ chức vụ Thành viên HĐQT để nghỉ hưu. Ông Đặng Văn Tuyên, hiện là Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ NHNN, được bầu vào vị trí Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027.