Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB): KQKD Q4/2022 thấp hơn kỳ vọng một chút do thu nhập ngoài lãi kém khả quan

Nguồn: HSC

KQKD Q4/2022 thấp hơn kỳ vọng một chút do thu nhập ngoài lãi kém khả quan

 

MSB

 

Tóm tắt

  • MSB công bố LNTT Q4/2022 đi ngang, đạt 962 tỷ đồng với thu nhập ngoài lãi giảm và chi phí dự phòng thấp hơn dự báo. KQKD Q4/2022 của MSB thấp hơn một chút so với kỳ vọng.
  • LNTT năm 2022 chỉ đạt 5.787 tỷ đồng, tăng trưởng 14% nhưng thấp hơn 5% so với dự báo của HSC và chỉ hoàn thành 85% kế hoạch của Ngân hàng. Đáng chú ý, lợi nhuận thuần tăng trưởng hơn 45% nếu loại bỏ thu nhập không thường xuyên trong năm 2021.
  • MSB đang có P/B dự phóng năm 2023 là 0,76 lần; chiết khấu 20% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân là 0,96 lần. HSC duy trì khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo đối với MSB.

Sự kiện: Công bố KQKD Q4/2022

LNTT Q4/2022 của MSB gần như đi ngang so với cùng kỳ, đạt 962 tỷ đồng với chi phí dự phòng thấp hơn dự báo (giảm 87% so với cùng kỳ) và thu nhập ngoài lãi giảm (giảm 54% so với cùng kỳ). KQKD Q4/2022 của MSB gây thất vọng một chút vì thu nhập ngoài lãi có vẻ đã đánh mất đà tăng trưởng.

Tính cả năm 2022, LNTT đạt 5.787 tỷ đồng, tăng trưởng 14% nhưng thấp hơn 5% so với dự báo của HSC và chỉ hoàn thành 85% kế hoạch đề ra của Ngân hàng. Nếu loại bỏ thu nhập không thường xuyên từ phí bancassurance trả trước (ước tính là 1.100 tỷ đồng) trong năm 2021, LNTT của MSB sẽ tăng trưởng mạnh, tăng trưởng 45%.

Tín dụng tăng tốc trong Q4/2022

Tổng tín dụng Q4/2022 tăng 7% so với quý trước (tăng 17,8% so với đầu năm) đạt 123 nghìn tỷ đồng nhờ MSB nhận được thêm hạn mức tín dụng vào cuối tháng 12. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức thấp nhất trong 5 năm qua. Điều đáng chú ý là Ngân hàng đã tiếp tục giảm tỷ trọng TPDN xuống còn 2,1% vào cuối năm 2022 từ 2,9% trong năm 2021.

Về mặt huy động, tổng vốn huy động tăng khiêm tốn ở mức 1,9% so với đầu năm nhờ tiền gửi khách hàng tăng mạnh (tăng 24% so với đầu năm) trong khi vay LNH và GTCG lần lượt giảm 26% và 11%. MSB rõ ràng đã đẩy mạnh huy động trên thị trường 1 trong Q4/2022 trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tăng vì đến cuối Q3/2022 tiền gửi khách hàng mới chỉ tăng 2% so với đầu năm.

Tóm lại, tăng trưởng huy động khiêm tốn đã làm tăng hệ số LDR điều chỉnh [tổng tín dụng / (tiền gửi khách hàng + vay LNH + GTCG)] lên 68,8% từ 59,5% trong năm 2021.

Tỷ lệ NIM giảm vì chi phí huy động cao

Tỷ lệ NIM giảm nhẹ trong Q4/2022 xuống còn 4,55% (giảm 4 điểm cơ bản so với quý trước) với chi phí huy động tăng 21 điểm cơ bản trong khi lợi suất gộp chỉ tăng 16 điểm cơ bản.

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn giảm còn 31,2% (từ 38,3% trong Q3/2022) trong bối cảnh lãi suất tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của MSB vẫn thuộc nhóm cao nhất trong số các NHTM tư nhân.

Tỷ lệ NIM tính chung cả năm 2022 đạt 4,44%; tăng từ 3,71% trong năm 2021 nhờ Ngân hàng thay đổi cơ cấu tài sản sinh lãi và tối ưu hóa hệ số LDR.

Thu nhập ngoài lãi giảm do ghi nhận lỗ HĐ mua bán trái phiếu và lãi thuần HĐ dịch vụ giảm

Tổng thu nhập ngoài lãi Q4/2022 giảm đáng kể, giảm 54% so với cùng kỳ xuống còn 567 tỷ đồng, chủ yếu vì (1) lãi thuần HĐ dịch vụ giảm 40% so với cùng kỳ vì thị trường TPDN ảm đạm và chậm tăng trưởng tín dụng bổ sung và (2) ghi nhận lỗ tổng cộng 130 tỷ đồng HĐ mua bán trái phiếu vì lợi suất trái phiếu vẫn ở mặt bằng cao trong Q4/2022.

Ngoài ra, thu nhập khác giảm 23% so với cùng kỳ, một phần vì Ngân hàng ghi nhận lỗ từ xử lý các tài sản đảm bảo (các con tàu liên quan đến các khoản nợ xấu của Vinashin và Vinalines).

Lũy kế cả năm 2022, thu nhập ngoài lãi giảm 46% và chỉ đóng góp 22,2% vào tổng thu nhập HĐ (năm 2021 là 41,3%). Thu nhập ngoài lãi đạt nền cao trong năm 2021 vì MSB ghi nhận phí bancassurance trả trước từ thỏa thuận có thời hạn 15 năm với Prudential (tổng phí trả trước ước tính là 1.500 tỷ đồng, được ghi nhận trong 2 năm: 1.100 tỷ đồng trong năm 2021 và 400 tỷ đồng trong năm 2023). Nếu loại bỏ thu nhập không thường xuyên nói trên, tổng thu nhập ngoài lãi năm 2022 chỉ giảm 28%.

Tỷ lệ CIR tăng

Tổng chi phí HĐ Q4/2022 tăng 14,8% so với cùng kỳ lên 1,6 nghìn tỷ đồng với chi phí nhân viên tăng 15,4%. Tỷ lệ CIR năm 2022 tăng lên 41,4% từ 37,1% trong năm 2021.

Chi phí dự phòng thấp

Chất lượng tài sản giữ nguyên trong Q4/2022 với tỷ lệ nợ xấu ở mức vừa phải là 1,7% (năm 2012 là 1,74%). Trong khi đó, tỷ lệ nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) tăng lên 1,36% từ 1,14% trong năm 2021.

MSB trích lập chi phí dự phòng thấp hơn dự báo trong Q4/2022 (giảm 87% so với cùng kỳ và giảm 81% so với quý trước). Theo đó, chi phí dự phòng cả năm giảm 70% và chi phí tín dụng chỉ là 0,43% - mức thấp nhất trong 5 năm qua của MSB.

Vì vậy, hệ số LLR của MSB giảm còn 70% từ 95% trong năm 2021 – vẫn là mức chấp nhận được nếu so với mặt bằng trước đây của Ngân hàng. Tuy nhiên, so với bình quân các NHTM tư nhân ở mức 113%, đệm dự phòng tại thời điểm cuối Q4/2022 của MSB thấp hơn và nhiều khả năng sẽ phải được nâng lên trong bối cảnh bất ổn vĩ mô gia tăng.

HSC duy trì khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo

MSB đang có P/B dự phóng năm 2023 là 0,76 lần; chiết khấu 20% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân là 0,96 lần. Chúng tôi duy trì khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo đối với Ngân hàng.