Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB): Tái cấu trúc tài sản và nguồn vốn làm động lực tăng trưởng NIM

Nguồn: SSI

Tái cấu trúc tài sản và nguồn vốn làm động lực tăng trưởng NIM

 

MSB

 

Luận điểm đầu tư: Chúng tôi duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu MSB. Tuy nhiên, chúng tôi giảm giá mục tiêu 1 năm xuống 23.000 đồng/cổ phiếu (từ 28.400 đồng) do các yếu tố sau: (1) loại trừ khoản thu nhập từ việc thoái vốn FCCOM ra khỏi dự báo của chúng tôi, (2) giảm P/B mục tiêu xuống 1,3 lần (từ 1,5 lần), để phản ánh dư nợ tương đối cao của ngân hàng đối với các chủ đầu tư bất động sản. Trong ngắn hạn, chúng tôi giữ quan điểm tích cực đối với MSB với LNTT tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm 2022 (tăng 48% so với cùng kỳ) do mức nền so sánh tương đối thấp của nửa cuối năm 2021, chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% trong nửa cuối năm 2022 và khả năng được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, MSB công bố lợi nhuận trước thuế đạt 3,3 nghìn tỷ đồng (tăng 6,9% so với cùng kỳ), mặc dù quý 2/2022 chỉ đạt 1,8 nghìn tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ. Nếu không bao gồm khoản phí trả trước từ hợp đồng bancassurance được ghi nhận một lần trong quý 2 năm 2021, lợi nhuận cốt lõi trong quý 2/2022 tăng 395% so với cùng kỳ. Tăng trưởng thu nhập lãi thuần nhảy vọt 39,5% so với cùng kỳ do tăng trưởng tín dụng được duy trì ở mức cao (tăng 8,5% so với đầu năm), trong khi thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ. Chất lượng tài sản được cải thiện vượt kỳ vọng của chúng tôi (tỷ lệ nợ xấu giảm 29 điểm cơ bản xuống còn 1,5%), giúp ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng tín dụng là 115 tỷ đồng trong quý 2/2022. Tuy nhiên, hoạt động thanh lý tài sản gán xiết nợ có kết quả không khả quan đã phần nào tác động đến lợi nhuận của MSB trong 6 tháng đầu năm 2022.

Rủi ro giảm giá: Chi phí huy động vốn tăng cao làm thu hẹp NIM.

Yếu tố hỗ trợ: Chất lượng tài sản tiếp tục được cải thiện, và hạn mức tín dụng cao hơn mong đợi.