Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB): CASA giảm tạo áp lực giảm NIM

Nguồn: VCSC

CASA giảm tạo áp lực giảm NIM

 

TCB

 

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) đã công bố kết quả hợp nhất năm 2022 với LN trước dự phòng và LNST sau lợi ích CĐTS đạt lần lượt là 27,5 nghìn tỷ đồng (+6,2% YoY) và 20,2 nghìn tỷ đồng (+11,6% YoY), hoàn thành 93,3% và 93,4% dự báo cả năm 2022 tương ứng của chúng tôi. Lợi nhuận tăng là nhờ (1) thu nhập từ lãi (NII) và thu nhập phí ròng (NFI) tăng lần lượt là 13,5% YoY và 33,6% YoY, cũng như (2) chi phí dự phòng giảm 27,3% YoY. Các yếu tố này bị ảnh hưởng một phần bởi (1) khoản lỗ 275 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối so với khoản lãi 231 tỷ đồng trong năm 2021 và (2) khoản lãi 184 tỷ đồng từ kinh doanh và đầu tư chứng khoán so với khoản lãi 2 nghìn tỷ đồng trong năm 2021. LNST sau lợi ích CĐTS quý 4/2022 giảm 33,1% so với quý trước (QoQ) và giảm 23,1% YoY đạt 3,5 nghìn tỷ đồng chủ yếu do NIM giảm. Chúng tôi cho rằng có khả năng điều chỉnh giảm đối với dự báo lợi nhuận của chúng tôi cho TCB, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Tăng trưởng tiền gửi mạnh trong quý 4/2022 - phù hợp với xu hướng mà chúng tôi ghi nhận ở hầu hết các ngân hàng. Tăng trưởng tiền gửi trong quý 4/2022 của TCB cao ở mức 12,4% QoQ, nhưng tăng trưởng tín dụng trong quý 4/2022 thấp ở mức chỉ 1,6% QoQ với tổng dư nợ cho vay tăng 2,4% QoQ trong khi dư nợ trái phiếu doanh nghiệp giảm 5,7% QoQ. Tăng trưởng tiền gửi năm 2022 đạt 13,9% YoY so với tăng trưởng tín dụng là 12,5% YoY.

NIM giảm cả theo cơ sở QoQ và YoY và thấp hơn dự báo của chúng tôi. NIM quý 4/2022 giảm 72 điểm cơ bản QoQ còn 4,50%, mà chúng tôi cho rằng chủ yếu là do (1) chi phí huy động (COF) tăng 111 điểm cơ bản QoQ so với mức tăng 32 điểm cơ bản QoQ của lợi suất tài sản sinh lãi (IEA yield) và (2) tốc độ tăng trưởng tiền gửi nhanh hơn so với tăng trưởng tín dụng. COF tăng đáng kể QoQ một phần là do tỷ lệ CASA giảm 9,5 điểm % QoQ xuống 37,0% — mức thấp nhất kể từ quý 3/2020. NIM năm 2022 đạt 5,29% (-42 điểm cơ bản YoY) so với dự báo cả năm của chúng tôi là 5,62%. Nhìn chung, NII năm 2022 đạt 30,3 nghìn tỷ đồng (+13,5% YoY), hoàn thành 92,9% dự báo cả năm của chúng tôi.

Tăng trưởng NFI ròng cao hơn trong năm 2022 đã bù cho lợi nhuận từ hoạt động đầu tư thấp. Thu nhập phí (bao gồm thu nhập ngoại hối) năm 2022 tăng 24,8% YoY nhờ mức tăng 33,6% YoY của NFI ròng mặc dù TCB ghi nhận khoản lỗ từ kinh doanh ngoại hối là 275 tỷ đồng so với khoản lãi 231 tỷ đồng trong năm 2021. Xét về NFI ròng, phí ròng từ các dịch vụ ngân hàng (bao gồm dịch vụ thương mại, quản lý tiền mặt và nhiều dịch vụ liên quan đến bán lẻ như thẻ tín dụng) tăng mạnh 108,8% YoY, đóng góp 52% cho NFI. Phí ròng từ bancasurrance tăng 12,3% YoY (đóng góp 21% cho NFI). Thu nhập từ dịch vụ môi giới chứng khoán tương đối đi ngang YoY (đóng góp 9% cho NFI). Trong khi đó, thu nhập từ hoạt động bảo lãnh phát hành giảm 30,5% YoY (đóng góp 7% cho NFI), mà chúng tôi cho rằng nguyên nhân là do thị trường TPDN gặp nhiều thách thức kể từ đầu tháng 4/2022 cũng như các quy định chặt chẽ hơn đối với việc phát hành TPDN riêng lẻ với việc ban hành Nghị định 65. Trong khi tăng trưởng NFI ròng năm 2022 ổn định YoY, tổng lãi ròng từ đầu tư và kinh doanh chứng khoán giảm từ 2 nghìn tỷ đồng năm 2021 xuống còn 184 tỷ đồng năm 2022, tạo áp lực giảm lên NOII. NOII năm 2022 đạt 10,6 nghìn tỷ đồng (+2,3% YoY), hoàn thành 102,1% dự báo cả năm của chúng tôi.

Chi phí dự phòng năm 2022 giảm 27,3% YoY, hoàn thành 106,6% dự báo cả năm của chúng tôi. Ngân hàng cho biết chi phí dự phòng thấp hơn là nhờ hoàn nhập chi phí dự phòng đã trích lập trong năm 2020-2021 cho các khoản vay tái cơ cấu do dịch COVID-19. Chi phí tín dụng năm 2022 đạt 0,5% so với 0,8% trong năm 2021. Tỷ lệ bao phủ nợ (LLR) năm 2022 đạt 125% so với 163% vào cuối năm 2021. Theo quan điểm của chúng tôi, chi phí dự phòng năm 2022 cao hơn kỳ vọng của chúng tôi một phần do chất lượng tài sản giảm nhanh hơn dự kiến trong quý 4/2022.

Chất lượng tài sản giảm trong quý 4/2022 với nợ Nhóm 2/tổng dư nợ tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu trong quý 4/2022 của TCB vẫn ở mức thấp 0,91% (+26 điểm cơ bản QoQ & +25 điểm cơ bản YoY) với tỷ lệ xử lý nợ/tổng dư nợ đạt 0,16% trong năm 2022 so với 0,18% trong năm 2021. Nợ nhóm 2/tổng dư nợ tăng lên 2,08% trong quý 4/2022 (+137 điểm cơ bản QoQ & +146 điểm cơ bản YoY), cao nhất kể từ quý 1/2019. Các khoản cho vay tái cơ cấu COVID vẫn ở mức thấp 0,4 nghìn tỷ đồng trong quý 4/2022 (tương đương 0,10% tổng cho vay). Tỷ lệ lãi dự thu/IEA quý 4/2022 đạt 1,30% (-17 điểm cơ bản QoQ và +19 điểm cơ bản YoY).