Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB): Tập trung vào chất lượng tín dụng thay vì tăng trưởng trong năm 2023

Nguồn: VCSC

Tập trung vào chất lượng tín dụng thay vì tăng trưởng trong năm 2023

 

VCB

 

  • Chúng tôi nâng giá mục tiêu cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) thêm 7,7% lên 116.600 đồng/cổ phiếu và nâng khuyến nghị từ KHẢ QUAN lên MUA.
  • Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi là do tác động tích cực của việc cập nhật mô hình định giá mục tiêu của chúng tôi đến giữa năm 2024, bị ảnh hưởng một phần bởi việc giảm giả định của chúng tôi đối với P/B mục tiêu của VCB từ 3,25 lần xuống 3,0 lần. Trong khi đó, chúng tôi duy trì dự báo tổng LNST giai đoạn 2023-2027 gần như không đổi (-0,4% so với Báo cáo cập nhật trước đây của chúng tôi), với mức thay đổi tương ứng là 0,6%/4,5%/-3,9%/-0,8%/-0,5% cho các năm 2023/2024/2025/2026/2027.
  • Chúng tôi duy trì dự phóng LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 ở mức 36,3 nghìn tỷ đồng (+21,3% YoY) do dự phóng chi phí dự phòng tăng 5,9% được bù đắp bởi mức tăng 0,5% và 1,7% lần lượt của thu nhập từ lãi (NII) và thu nhập phí ròng (NFI) (bao gồm cả lãi từ kinh doanh ngoại hối).

  • Chúng tôi giữ nguyên giả định về đợt phát hành dự kiến 307,6 triệu cổ phiếu thông qua phát hành riêng lẻ vào giữa năm 2024 với giá 100.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng số tiền thu được dự kiến là 30,8 nghìn tỷ đồng. Gần đây, VCB cho biết đang trong quá trình làm việc với các đơn vị tư vấn tài chính và dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất vào quý 2/2024 — phù hợp với kỳ vọng hiện tại của chúng tôi.
  • Rủi ro đối với quan điểm tích cực của chúng tôi: (1) Kế hoạch tăng vốn không được thực hiện như kỳ vọng; (2) tỷ lệ nợ xấu hình thành cao hơn dự kiến; (3) rủi ro phát sinh từ việc tham gia hỗ trợ tổ chức tín dụng gặp khó khăn (DCI).

Chúng tôi cho rằng VCB sẽ tiếp tục áp dụng chính sách thận trọng đối với chi phí dự phòng trong năm 2023 mặc dù tỷ lệ báo phủ nợ (LLR) hiện tại đang ở mức cao. Trong khi phần lớn các ngân hàng trong danh mục theo dõi của chúng tôi sử dụng bộ đệm dự phòng để giảm bớt áp lực chi phí dự phòng trong quý 1/2023 do chất lượng tín dụng giảm, tỷ lệ LLR của VCB tiếp tục tăng so với quý trước (QoQ) lên 321% trong quý 1/2023 và vẫn ở mức cao nhất trong danh mục theo dõi của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng áp lực hình thành nợ xấu 'thực' trong ngắn hạn (tức là trước khi tái cơ cấu theo Thông tư 02) vẫn còn cao trong năm 2023 và VCB - một trong những ngân hàng có cách tiếp cận thận trọng nhất đối với việc trích lập dự phòng - sẽ tiếp tục trích lập thêm chi phí dự phòng. Do đó, chúng tôi tăng dự báo chi phí dự phòng năm 2023 của VCB thêm 5,9% lên 8,9 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng ngân hàng sẽ có thể hoàn nhập một phần chi phí dự phòng đã trích lập vào năm 2023 khi triển vọng kinh tế được cải thiện; do đó, chúng tôi cắt giảm 5,8% tổng chi phí dự phòng trong giai đoạn 2024-2027.

Chúng tôi điều chỉnh giảm tăng trưởng tín dụng năm 2023 thêm 2 điểm % xuống còn 15,8%. Tuy nhiên, dự báo của chúng tôi cho thấy kỳ vọng của chúng tôi rằng VCB sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác trong thời gian còn lại của năm. Tăng trưởng tín dụng năm 2023 thấp hơn của chúng tôi là do (1) tăng trưởng tín dụng tương đối chậm của VCB trong quý 1/2023 và (2) ngân hàng chia sẻ rằng sẽ tập trung vào quản lý chất lượng tài sản hơn là tăng trưởng trong năm nay. Tăng trưởng tín dụng quý 1/2023 chủ yếu nhờ tăng trưởng từ cho vay doanh nghiệp; trong khi đó, dư nợ cho vay bán lẻ đi ngang QoQ do dư nợ cho vay mua nhà giảm được bù đắp bởi mức tăng từ dư nợ cho vay hộ kinh doanh. Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu tín dụng sẽ phục hồi (đặc biệt là từ phân khúc bán lẻ) khi chúng tôi tin rằng VCB sẽ có thể giảm chi phí huy động và do đó giảm lãi suất cho vay trong suốt thời gian còn lại của năm.