Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB): Trụ vững trong khó khăn

Nguồn: SSI

Trụ vững trong khó khăn

 

VCB

 

KQKD năm 2022 – Các khoản trích lập mạnh dự phòng trước đây hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận

Trong Q4.2022, VCB ghi nhận kết quả LNTT bất ngờ ở mức 12 nghìn tỷ đồng (+54% so với cùng kỳ và +64% so với quý trước). Lợi nhuận cả năm 2022, do đó, đạt 37 nghìn tỷ đồng (+36,5% so với cùng kỳ) - cao hơn so với mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân các ngân hàng trong nước (+31,6% so với cùng kỳ) và cao hơn 13% so với ước tính của chúng tôi. Động lực chính cho kết quả này là việc NIM duy trì tốt và dự phòng rủi ro cho vay khách hàng có một khoản hoàn nhập lớn trong Q4.2022. Các nguồn doanh thu tăng tốt với tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng 20% so với cùng kỳ. Đồng thời, các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tài sản vẫn ở trạng thái tốt.

NIM ít bị ảnh hưởng nhờ cơ cấu tài sản nợ tốt. Trong Q4.2022, tỷ lệ NIM của VCB ở mức 3,51%, tăng 10 điểm cơ bản so với quý trước hay tăng 37 điểm cơ bản so với cùng kỳ mặc dù có những yếu tố tác động ngược chiều đến NIM như: (i) tăng trưởng tiền gửi (+4,7% so với quý trước) cao hơn tăng trưởng tín dụng (+1,3% so với quý trước), (ii) Phân bổ tài sản cho các tài sản có lợi suất thấp hơn (tiền gửi tại NHNN, trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc) và (iii) gói hỗ trợ lãi suất cho vay trong quý. Số dư tiền gửi tại NHNN tăng 8 lần so với quý trước trong khi trái phiếu chính phủ và tín phiếu kho bạc tăng 27% so với quý trước.

Kiểm soát chi phí vốn là chìa khóa để VCB duy trì tỷ lệ NIM ổn định, với 2 trọng điểm chính như sau:

  • Tệp khách hàng gửi tiền dồi dào giúp VCB thu hút được nhiều tiền gửi hơn mà không cần phải tăng lãi suất huy động quá nhiều. Lãi suất tiền gửi trung bình tại VCB trong Q4.2022 tăng 53 điểm cơ bản so với quý trước, so với mức tăng khoảng 65-133 điểm cơ bản tại các ngân hàng mà chúng tôi nghiên cứu. Ngoài việc tiền gửi của doanh nghiệp thường tăng vào cuối năm, chúng tôi cho rằng xu hướng “chuyển sang ngân hàng chất lượng” trong ngành sau khi sự kiện SCB đầu tháng 10/2022 cũng phần nào thúc đẩy tăng trưởng tiền gửi trong quý cuối năm 2022. Mức tăng tổng số dư tiền gửi trong 3 tháng cuối năm 2022 tương đương với 3 quý đầu năm. Với việc lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 6 tháng có mức trần 9,5%, chúng tôi cho rằng các NHTMNN sẽ vẫn có lợi thế so với các NHTMCP khi thu hút tiền gửi trong năm 2023, do chênh lệch lãi suất huy động giữa các NHTMNN và NHTMCP bị thu hẹp.
  • CASA duy trì tương đối tốt so với các ngân hàng khác nhờ chương trình miễn phí chuyển tiền. Tỷ lệ CASA trong năm 2022 là 34% (so với mức 36% trong năm 2021 và 31% trước dịch Covid).

Bộ đệm tín dụng mạnh giúp VCB trụ vững trước những khó khăn. Mặc dù chất lượng tài sản của toàn ngành suy giảm trong Q4.2022, nhưng chúng tôi nhận thấy rằng VCB đã đi ngược xu hướng. Ngân hàng đã xóa 3,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu (0,28% tổng dư nợ) trong quý, nhưng không phải trích lập dự phòng bổ sung. Thay vào đó, VCB đã hoàn nhập dự phòng 8 nghìn tỷ đồng nhờ thu hồi các khoản nợ khó đòi trong quý. Theo đó, tổng số dư dự phòng giảm xuống còn 24,8 nghìn tỷ đồng, trong đó 16,3 nghìn tỷ đồng là số dư dự phòng cụ thể. Tuy nhiên, mức này vẫn lớn hơn nhiều so với tổng số dư của (i) khoản vay tái cơ cấu Covid-19 ~ 1 nghìn tỷ đồng (0,09% tổng dư nợ), (ii) nợ xấu ~ 7,8 nghìn tỷ đồng (0,68% tổng dư nợ, giảm 13% so với quý trước) và (iii) nợ Nhóm 2 ~ 4 nghìn tỷ đồng (0,36% tổng dư nợ, đi ngang so với quý trước).

Tuy nhiên, so với thời điểm cuối 2021, nợ xấu vẫn tăng 27,6% so với cùng kỳ chủ yếu xuất phát từ nhóm khách hàng doanh nghiệp. Tỷ lệ nợ xấu của các phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ và cá nhân lần lượt là 1%, 0,6% và 0,4%. Tỷ lệ nợ xấu trong cho vay mua nhà vẫn ở mức thấp là 0,3% nhưng có thể tăng trong thời gian tới do thu nhập của người mua nhà có thể giảm. Trong năm 2022, cho vay mua nhà chiếm 55% tổng dư nợ cho vay bán lẻ của VCB. Trong đó, 60% là các khoản cho vay mua nhà đã hoàn thiện, 20% là cho vay các dự án đang xây dựng, còn lại là cho vay các nhóm khác (trong đó có cho vay với mục đích sửa chữa nhà).

Chúng tôi cũng cần lưu ý rằng VCB đã trích lập 9,9 nghìn tỷ đồng chi phí dự phòng cho một ngân hàng yếu kém trong kỳ. Điều này cũng tương tự như trong Q4.2021 khi ngân hàng trích lập dự phòng 3 nghìn tỷ đồng cho khoản vay liên ngân hàng, sau đó đã được hoàn nhập trong Q1.2022. Do đó, chúng tôi cho rằng (một phần) khoản 9,9 nghìn tỷ đồng này có thể sẽ được hoàn nhập trong năm 2023.

Triển vọng năm 2023 – Thận trọng trong hoạt động cho vay & quản lý rủi ro chặt chẽ sẽ là một lợi thế

Kế hoạch của Ban lãnh đạo

Tăng trưởng LNTT dự kiến đạt ít nhất 12% trong năm 2023:

  • Tăng trưởng tín dụng chậm lại ở mức 13% trong năm 2023 do VCB lựa chọn ưu tiên chất lượng hơn tăng trưởng. Các khoản giải ngân cho vay mới sẽ được phân bổ đồng đều hơn giữa khách hàng bán buôn và bán lẻ. Xét về cơ cấu ngành, các ngành như sản xuất, chế biến, điện tử, khu công nghiệp, sẽ là các ngành được ưu tiên giải ngân hơn. Trong khi đó, ngành thủy sản, chăn nuôi và bất động sản sẽ cần được cân nhắc cẩn trọng hơn. Tăng trưởng cho vay bán lẻ dự kiến dưới 20% trong năm 2023, trong đó cho vay kinh doanh hộ gia đình sẽ là động lực chính. Để hỗ trợ mức tăng trưởng này, tiền gửi dự kiến sẽ tăng 9%.
  • NIM ổn định nhờ tối ưu hóa cơ cấu tài sản. LDR có khả năng mở rộng từ mức hiện tại là 75%. Ngoài ra, ngân hàng kỳ vọng tiền gửi sẽ tăng dần trong vài tháng đầu năm và sau đó tăng nhanh vào cuối năm. Điều này sẽ giảm thiểu tác động của việc gia tăng lãi suất tiền gửi đối với chi phí vốn tổng thể. Lãi suất cho vay sẽ được định giá lại sau khi lãi suất huy động thay đổi. Gói ưu đãi giảm 50 điểm cơ bản lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện tại đến hết tháng 4/2023 ước tính sẽ tác động đến thu nhập lãi ròng gần 700 tỷ đồng.
  • Chi phí tín dụng trong khoảng 0,8%-0,9%; tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%; và tỷ lệ dự phòng trong khoảng 150%- 200%, bao gồm khoản hoàn nhập dự phòng liên ngân hàng dự kiến trong năm 2023.
  • Thu nhập ròng ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động dự kiến tăng từ 22% trong năm 2022 lên 35% trong 5 năm tới. Mô hình bancassurance sẽ thay đổi từ mô hình giới thiệu sang mô hình trực tiếp trong năm 2023. Do đó, mức tăng trưởng hoa hồng dự kiến là 60% so với cùng kỳ trong năm 2023 và ngân hàng kỳ vọng sẽ giành được vị trí số 1 về thị phần phí bảo hiểm năm đầu tiên (FYP) vào năm 2025 (từ vị trí thứ 5 trong năm 2022).
  • Kế hoạch tăng vốn được kỳ vọng sẽ hoàn thành trong năm 2024. CAR lý tưởng được đặt ở mức 11%. Do đó, ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục phát hành cổ phiếu mới với tỷ lệ 6,5% vốn điều lệ trước thực hiện.

Ước tính và khuyến nghị của SSI Research

Chúng tôi cho rằng VCB ít bị ảnh hưởng bởi những thách thức trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp nói chung, đặc biệt liên quan đến NVL. Do quan điểm cho vay chặt chẽ hơn, các khoản cho vay đối với ngành bất động sản thấp (4% chủ đầu tư và 25% cho vay mua nhà) có thể có mức độ rủi ro thấp hơn tương đối so với các ngân hàng TMCP tư nhân. Bên cạnh đó, bộ đệm tín dụng tốt và khả năng hoàn nhập dự phòng là những động lực chính giúp lợi nhuận của VCB có thể vượt trội hơn. Tuy nhiên, sức khỏe tài chính của tệp khách hàng mà ngân hàng đang quản lý, bao gồm cả khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, đều có thể bị ảnh hưởng gián tiếp bởi những biến động hiện tại của thị trường. Theo đó, chất lượng tài sản của ngân hàng vẫn cần được theo dõi chặt chẽ trong thời gian tới.

Chúng tôi giả định rằng kế hoạch phát hành riêng lẻ sẽ có những tiến triển nhất định vào cuối năm 2023/đầu năm 2024. Theo đó, chúng tôi kỳ vọng ngân hàng sẽ có thể tăng vốn thêm khoảng 1 tỷ USD (dựa theo mức giá thị trường hiện tại). Chúng tôi áp dụng P/B mục tiêu là 2,6x (đây cũng là mức trung bình lịch sử của cổ phiếu) và đưa ra giá mục tiêu 1 năm là 103.750 đồng/cổ phiếu, tiềm năng tăng giá là 13%.

Theo quan sát của chúng tôi, thường có sự chênh lệch về mức định giá giữa cổ phiếu VCB và các ngân hàng khác. Mức chênh lệch lớn trong giai đoạn 2016-2019 (thực tế là khoảng 2-3 lần) khi VCB hoàn tất xử lý trái phiếu VAMC và có những kế hoạch tăng vốn. Tuy nhiên, khoảng cách định giá đã thu hẹp trong giai đoạn 2020-2022 (1,5 – 1,8 lần), khi các NHTMCP có sự tăng trưởng vượt bậc về lợi nhuận. Với vị thế quan trọng trong hệ thống ngân hàng, thương hiệu vững chắc và độ nhận diện cao cũng như mức tăng trưởng lợi nhuận dự báo ở mức cao hơn so với các ngân hàng khác, khoảng cách định giá của VCB với các NHTMCP có thể tiếp tục nới rộng trong năm 2023, với P/B mục tiêu là 2,6x.