Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDB): Kết quả kinh doanh khả quan

Nguồn: SSI

Kết quả kinh doanh khả quan

 

HDB

 

Chúng tôi lặp lại khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu HDB, với giá mục tiêu 1 năm được điều chinh tăng lên 32.300 đồng/cổ phiếu (từ 31.100 đồng/cổ phiếu), do chúng tôi tăng ước tính LNTT năm 2022 của ngân hàng thêm 4%. Tiềm năng tăng giá đạt 28%. HDB công bố KQKD tốt hơn kỳ vọng của chúng tôi trong quý 2/2022 với LNTT đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, tăng 32,6% so với cùng kỳ. LNTT trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 5,3 nghìn tỷ đồng, bằng 54% ước tính hiện tại của chúng tôi. Tăng trưởng được thúc đẩy bởi kết quả mạnh mẽ ở cả thu nhập lãi thuần (tăng 31% so với cùng kỳ) và thu nhập hoạt động dịch vụ (tăng 54% so với cùng kỳ). Trong khi đó, có sự hài hòa giữa các chỉ tiêu tăng trưởng trong Bảng cân đối kế toán (dư nợ tín dụng tăng 14,8% so với đầu năm) với các chỉ tiêu phản ánh chất lượng. Tỷ lệ nợ Nhóm 2, nợ xấu và các khoản nợ tái cơ cấu đều giảm (lần lượt xuống 3,61%, 1,33% và 0,05% tổng dư nợ), trong khi tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tăng lên 93%.

Mới đây, HDB đã xin ý kiến cổ đông về việc tham gia hỗ trợ một ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố, nhưng chúng tôi cho rằng kế hoạch này có phần tích cực về dài hạn, mặc dù ngân hàng phải thực hiện góp vốn điều lệ ban đầu là tối đa 9 nghìn tỷ đồng. Quan sát đề xuất xử lý các ngân hàng yếu kém gần đây, chúng tôi nhận thấy có vẻ cần phải có các lợi ích đủ lớn dành cho các ngân hàng nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém. Trong trường hợp HDB, chúng tôi cho rằng lợi ích mang lai từ việc tham gia hỗ trợ ngân hàng yếu kém sẽ không giống như trường hợp của VCB và MBB.