Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDB): Kết quả kinh doanh tích cực

Nguồn: SSI

Kết quả kinh doanh tích cực

 

HDB

 

HDB công bố KQKD tốt hơn kỳ vọng của chúng tôi trong quý 2/2022 với LNTT đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, tăng 32,6% so với cùng kỳ. LNTT trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 5,3 nghìn tỷ đồng, bằng 54% ước tính hiện tại của chúng tôi. Tăng trưởng được thúc đẩy bởi kết quả mạnh mẽ ở cả thu nhập lãi thuần (tăng 31% so với cùng kỳ) và thu nhập hoạt động dịch vụ (tăng 54% so với cùng kỳ).

Các chỉ tiêu trong Bảng cân đối kế toán tăng trưởng nhanh chóng với tăng trưởng tín dụng đạt 14,8% so với đầu năm đồng thời vẫn được duy trì chất lượng tín dung hợp lý. Về số liệu hợp nhất, tỷ lệ nợ Nhóm 2, nợ xấu và nợ tái cơ cấu đều giảm (lần lượt xuống 3,61%, 1,33% và 0,05%), trong khi tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tăng lên 93%.

Cổ phiếu HDB đang giao dịch ở mức P/B và P/E dự phóng lần lượt là 1,35 lần và 6,7 lần, với ROE là 22,5%. Những con số này thấp hơn một chút so với mức trung bình của ngành tương ứng là 1,38x và 8,07x.

Thông tin cập nhật

Do HDB không giảm lãi suất huy động nhiều như các ngân hàng khác trong năm 2021, nên lãi suất huy động của HDB đủ hấp dẫn để thu hút tiền gửi của khách hàng mà không cần điều chỉnh tăng đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2022. Chênh lệch giữa lãi suất huy động dành cho khách hàng tổ chức của HDB và các ngân hàng khác đã tăng lên từ cuối năm 2020. Do đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngân hàng đã tăng lãi suất huy động 10 bps cho kỳ hạn 12 tháng , thậm chí hạ lãi suất huy động 5-10 bps cho kỳ hạn dưới 12 tháng cho những khoản tiền gửi quy mô nhỏ. Số dư tiền gửi đã tăng 16% so với đầu năm (tăng 29 nghìn tỷ đồng), bù đắp cho 3 nghìn tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi đến hạn. Điều này giúp dư nợ tín dụng đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ (tăng 14,8% so với đầu năm) và giữ tỷ lệ LDR ở mức hợp lý là 75% (so với mức trần quy định là 85%).

Tiếp tục tập trung vào hoạt động cho vay ngắn hạn. Tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn này được thúc đẩy bởi hoạt động cho vay ngắn hạn dành cho khách hàng cá nhân (tăng 21% so với đầu năm), cho vay tài chính tiêu dùng (tăng 17% so với đầu năm) và cho vay DNVVN (tăng 13% so với đầu năm). Trái ngược với những gì chúng tôi quan sát được tại các ngân hàng khác (khi cho vay mua nhà là động lực tăng trưởng chính trong 6 tháng đầu năm 2022), dẫn dắt tăng trưởng tín dụng tại HDB lại đến từ hoạt động cho vay hộ kinh doanh và cho vay lĩnh vực nông nghiệp. Trong hoạt động cho vay lĩnh vực nông nghiệp, ngân hàng vẫn chú trọng đến việc cho vay các hộ nông dân đã ký được hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Do các công ty lớn đảm bảo thu mua từ nông dân nếu tất cả các tiêu chuẩn được đáp ứng, rủi ro tín dụng của nông dân trong trường hợp này sẽ thấp, bất kể sự biến động của giá thức ăn hay con giống. Trong tháng 6, tỷ trọng dư nợ cho vay hộ kinh doanh, cho vay lĩnh vực nông nghiệp và cho vay mua nhà lần lượt chiếm 19%, 13% và 13% tổng tín dụng.

Dư nợ cho vay xây dựng, cho vay chủ đầu tư bất động sản và cho vay trái phiếu doanh nghiệp lần lượt chiếm 6%, 6% và 3% tổng tín dụng vào quý 2 năm 2022. Ngân hàng đứng thứ sáu (trong số 14 ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của chúng tôi) về tỷ trọng dư nợ bất động sản. Một nửa số dư trái phiếu doanh nghiệp tại HDB là trái phiếu DIG, với thời gian đáo hạn là tháng 9 hoặc tháng 12 năm 2024, và tài sản thế chấp là dự án Long Tân và cổ phiếu DIG. Chúng tôi đánh giá những tài sản thế chấp này chưa có gì đáng lo ngại tại thời điểm hiện tại. Đối với cho vay chủ đầu tư bất động sản, chúng tôi tin rằng hầu hết những chủ đầu tư bất động sản này là những doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thị trường. Theo Ban lãnh đạo, khoảng 85~87% dư nợ cho vay xây dựng và cho vay chủ đầu tư bất động sản có TSĐB.

Dư nợ cho vay lĩnh vực năng lượng tái tạo của HDB ở mức 4,5% tổng dư nợ (tương đương với 11 nghìn tỷ đồng), và phân chia gần như đồng đều giữa cho vay nhà máy điện năng lượng mặt trời và cho vay điện mặt trời áp mái, cụ thể ở mức 55% và 45%. Các khoản vay này thường có thời hạn từ 7-10 năm nên áp lực trong ngắn hạn chưa lớn. Ngân hàng cũng định hướng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay những khách hàng mua điện mặt trời áp mái (chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các khu công nghiệp có diện tích nhà xưởng từ 1 - 2 ha) như một cách để tối ưu hóa lợi suất cho vay trong tương lai gần.

NIM có nhiều dư địa cải thiện. Mặc dù HDB chủ yếu giải ngân các khoản vay ngắn hạn trong quý 2/2022, nhưng lợi suất tài sản bình quân đã cải thiện 61 bps so với cùng kỳ lên 9,16%. Điều này được giải thích bởi các yếu tố sau: (1) thời gian cho vay ưu đãi kết thúc ở cả ngân hàng mẹ & HD Saison; và (2) lãi suất tăng cho do nguồn cung tín dụng hạn chế. Trong khi đó, chi phí huy động bình quân ở mức 4,15% (giảm 11 bps so với cùng kỳ), do xu hướng lãi suất huy động tại HDB trái ngược với các ngân hàng khác. Theo đó, NIM tăng 66 bps so với cùng kỳ (hay tăng 54 bps so với quý trước) lên 5,16%.

Do chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động tại HDB tương đối thấp (tín dụng tăng 14,8% và huy động tăng 11,8% so với đầu năm), tỷ lệ LDR (75%) và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (15%) đều thấp hơn mức trần quy định, nên chúng tôi tin rằng ngân hàng vẫn còn dư địa cải thiện NIM trong nửa cuối năm 2022.

Ngân hàng cũng bắt đầu áp dụng chương trình miễn phí chuyển khoản từ ngày 1 tháng 8 năm 2022, với hy vọng hỗ trợ CASA trong thời gian tới. Việc cải thiện tỷ lệ CASA thực sự là một thách thức đối với các ngân hàng trong nước quy mô nhỏ, và chúng tôi nhận thấy rất ít thay đổi về tỷ lệ CASA của họ trong thời gian qua cũng như chưa kỳ vọng về mức thay đổi đột biến ở những ngân hàng này trong trung hạn. Thời điểm tháng 6 năm 2022, CASA của HDB là 12,3% (so với 13,6% trong năm 2021 và 12,8% trong quý 1/2022).

Nguồn thu nhập tiếp tục được đa dạng hóa rất tốt. HDB bắt đầu đẩy mạnh hoạt động bảo hiểm vào quý 3/2020, điều này giúp tăng trưởng thu nhập phí ròng nhảy vọt đạt khoảng 54% đến 283% so với cùng kỳ trong 8 quý qua (ngoại trừ quý 3/2021 bị ảnh hưởng do đợt bùng phát Covid thứ 3 tại Việt Nam). Theo đó, tỷ lệ thu nhập phí thuần trên tổng thu nhập hoạt động (TOI) đã được cải thiện lên 15% (so với mức 4,4% trong quý 2/2020 và 11,5% trong quý 2/2022 của các ngân hàng chúng tôi đang nghiên cứu). Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu bảo hiểm (APE) thông qua kênh bancassurance đạt 660 tỷ đồng và đứng thứ 7 trên thị trường. HDB cũng mạnh tay đẩy mạnh dịch vụ thẻ từ đầu năm nay. Tổng số thẻ phát hành mới là hơn 100.000 thẻ vào tháng 6 (tăng 50% so với quý trước), với số dư cho vay thẻ tín dụng tăng vọt 80% so với đầu năm. Chúng tôi tin rằng sự tăng trưởng mạnh mẽ của bancassurance và dịch vụ thẻ sẽ hoàn toàn đủ để bù đắp khoản phí chuyển tiền mất đi từ chương trình miễn phí chuyển tiền (mức phí này được ước tính hơn 100 tỷ đồng, tương đương với 5% thu nhập phí ròng của năm 2021).

Chất lượng tín dụng tốt ở cả ngân hàng mẹ và HDSaison. Tại ngân hàng mẹ, tỷ lệ nợ nhóm 2, nợ xấu và nợ tái cơ cấu đều có xu hướng giảm, hiện ở mức 1,76%, 0,93% và 0,05%, trong khi tỷ lệ trích lập dự phòng tăng lên 109% vào quý 2/2022. Trong khi đó, tỷ lệ hình thành nợ xấu tại HDSaison đã giảm xuống từ mức cao nhất trong quý 4 năm 2021. Dư nợ quá hạn của công ty đã giảm xuống (giảm 8,5% so với quý trước) và tỷ lệ trích lập dự phòng của công ty tiếp tục tăng lên mức 63,5% (so với 51,5% vào năm 2021 và 59% vào quý 1/2022).