Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDB): LNTT Q4/2022 tăng 13% và sát kỳ vọng

Nguồn: HSC

LNTT Q4/2022 tăng 13% và sát kỳ vọng

 

HDB

 

Tóm tắt

  • HDB công bố KQKD Q4/2022 với LNTT hợp nhất đạt 2.252 tỷ đồng (tăng 13%). Trong đó, LNTT Ngân hàng mẹ tăng 18% và LNTT HDSaison giảm 23%. LNTT hợp nhất năm 2022 đạt 10.268 tỷ đồng (tăng trưởng 27%), sát dự báo.
  • Tổng thu nhập HĐ tăng trưởng mạnh (tăng 27%) nhờ tỷ lệ NIM và tín dụng tăng mạnh. Tuy nhiên, chi phí HĐ cũng tăng mạnh (tăng 61%) làm lợi nhuận chỉ tăng vừa phải. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,67% và hệ số LLR giảm còn 70,4%. Nói chung, chất lượng tài sản vẫn được giữ vững.
  • HSC duy trì dự báo, giá mục tiêu và khuyến nghị.

Sự kiện: Công bố KQKD Q4/2022

HDB đã công bố KQKD tích cực với LNTT hợp nhất Q4/2022 đạt 2.252 tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ). LNTT Ngân hàng mẹ tăng trưởng mạnh hơn kết quả hợp nhất (tăng 18% so với cùng kỳ) trong khi LNTT của HD Saison giảm (giảm 23% so với cùng kỳ).

LNTT hợp nhất cả năm 2022 đạt 10.268 tỷ đồng (tăng trưởng 27%), sát dự báo. 

Ngân hàng mẹ: Lợi nhuận HĐKD cốt lõi tăng trưởng mạnh

Thu nhập lãi thuần tăng 30% so với cùng kỳ trong Q4/2022 và tăng trưởng 34% trong năm 2022, nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 25,6% (tín dụng Q4/2022 tăng 6,8% so với quý trước). Tăng trưởng tín dụng của HDB đạt cao nhất trong số các NHTM HSC khuyến nghị nhờ tham gia vào chương trình tái cơ cấu NHTM yếu kém.

Cho vay KHCN (tăng 28,2% so với cùng kỳ) và DNNVV (tăng 33,4% so với cùng kỳ) là các động lực tăng trưởng chính. Trong cơ cấu cho vay KHCN, cho vay hộ gia đình tăng 30,4% so với cùng kỳ, cho vay lĩnh vực nông nghiệp tăng 30,9% so với cùng kỳ và cho vay mua nhà tăng 17,4% so với cùng kỳ.

Tiền gửi khách hàng Q4/2022 tăng 17,7% so với cùng kỳ (tăng 3,9% so với quý trước). Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn tăng 21,8% so với cùng kỳ và tiền gửi không kỳ hạn tăng 7,8% so với cùng kỳ. Theo đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn giảm còn 10,7% từ 13,6% tại thời điểm cuối năm 2021 và 11,3% tại thời điểm cuối Q3/2022. Xu hướng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn giảm diễn ra trên toàn ngành ngân hàng trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tăng mạnh.

Tỷ lệ NIM Q4/2022 tăng 45 điểm cơ bản so với quý trước lên 4,35%. Mặc dù chi phí huy động tăng mạnh (tăng 103 điểm cơ bản so với quý trước), HDB đã chuyển được tác động tăng chi phí huy động sang cho khách hàng vay với lợi suất gộp tăng 152 điểm cơ bản so với quý trước. Tỷ lệ NIM bình quân năm 2022 là 4% (tăng 62 điểm cơ bản so với năm 2021).

Lãi thuần HĐ dịch vụ tăng trưởng khiêm tốn trong Q4/2022 từ nền cao trong Q4/2021 (tăng 3,6% so với cùng kỳ) nhưng cả năm 2022 tăng trưởng rất mạnh ở mức 73% nhờ thu nhập bancassurance tăng trưởng ấn tượng. Trong khi đó, HĐ kinh doanh ngoại hối và mua bán trái phiếu ghi nhận lỗ không đáng kể và thu nhập khác đạt thấp.

Nhờ HĐKD cốt lõi đạt kết quả rất khả quan, nên tổng thu nhập HĐ tăng trưởng mạnh 24% so với cùng kỳ đạt 4.434 tỷ đồng trong Q4/2022 và tăng trưởng 33% đạt 16.649 tỷ đồng trong năm 2022.

Chi phí HĐ Q4/2022 tăng mạnh 65% so với cùng kỳ lên 2.118 tỷ đồng vì HDB đã chi thưởng KQKD (các năm trước thường ghi nhận vào Q1) khoảng 350 - 400 tỷ đồng. Nếu loại bỏ khoản mục thưởng nói trên, chi phí HĐ trong điều kiện bình thường tăng 37% so với cùng kỳ trong Q4/2022 và tăng 29% trong năm 2022, cao hơn một chút mức tăng 26% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2022. Tỷ lệ CIR tăng nhẹ lên 39,3% từ 38,1% trong năm 2021.

Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,3% (từ 1,11% tại thời điểm cuối Q3/2022 và 1,26% tại thời điểm cuối năm 2021). Nợ nhóm 2 tăng 36,3% so với quý trước lên 5,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,3% dư nợ cho vay). Đây là dấu hiệu sớm cho thấy chất lượng tài sản đang chịu sức ép.

Chi phí dự phòng giảm mạnh trong Q4/2022 còn 220 tỷ đồng (giảm 56% so với cùng kỳ) nên hệ số LLR giảm còn 78,8% từ 92,5% tại thời điểm cuối Q3/2022 và 81,8% tại thời điểm cuối năm 2021.

Nói chung chất lượng tài sản của Ngân hàng mẹ được duy trì tương đối tốt nhưng nợ nhóm 2 tăng là diễn biến cần được theo dõi sát.

HDSaison: Dự phòng tăng mạnh làm lợi nhuận giảm

Theo ước tính của HSC, LNTT của HDSaison đạt 156 tỷ đồng (giảm 23,8% so với cùng kỳ) trong Q4/2022 và 1.151 tỷ đồng (tăng trưởng 15%) trong năm 2022. Thu nhập lãi thuần đạt 1.168 tỷ đồng (tăng 37% so với cùng kỳ) trong Q4/2022 và đạt 4.634 tỷ đồng (tăng trưởng 19,6%) trong năm 2022 (nhờ dư nợ cho vay tăng trưởng 21,3%). Trong cơ cấu dư nợ cho vay, cho vay mua xe gắn máy tăng 30,8% so với cùng kỳ, cho vay mua hàng điện máy tăng 26,7% so với cùng kỳ và cho vay tiền mặt tăng 22,9% so với cùng kỳ.

Chi phí HĐ Q4/2022 tăng 40% từ nền thấp cùng kỳ. Tính cả năm 2022, chi phí HĐ chỉ tăng 4,8% và tỷ lệ CIR giảm còn 38% từ 44% trong năm 2021.

Tỷ lệ nợ xấu giữ tương đối ổn định ở mức 7,11% nhờ HDB xóa một lượng lớn nợ xấu trong Q4/2022 (tương đương khoảng 5,8% dư nợ cho vay). Điều cần lưu ý là nợ nhóm 2 đã tăng 58% so với quý trước và bằng khoảng 9,8% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối Q4/2022 (tại thời điểm cuối Q3/2022 là 6,3%); tuy nhiên vẫn cho thấy sự cải thiện so với mức 13,9% tại thời điểm cuối Q4/2021. Chi phí dự phòng tăng mạnh 49% so với cùng kỳ trong Q4/2022 và tăng 46% trong năm 2022; và đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của HDSaison tăng trưởng âm.

Duy trì khuyến nghị Mua vào, dự báo và giá mục tiêu

HSC duy trì dự báo, giá mục tiêu và khuyến nghị. HDB hiện có P/B dự phóng năm 2023 là 1 lần, tương đương bình quân nhóm NHTM tư nhân là 0,96 lần.