Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDB): Thu nhập từ phí độc quyền banca hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận 2023

Nguồn: VCSC

Thu nhập từ phí độc quyền banca hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận 2023

 

HDB

 

  • Chúng tôi nâng giá mục tiêu cho Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDB) thêm 6,5% lên 24.500 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị MUA. Giá mục tiêu cao hơn chủ yếu là do (1) tăng dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS 2023-2027 thêm 6,0% và (2) chi phí vốn chủ sở hữu dự phóng giảm từ 14,6% xuống 13,8%.
  • Chúng tôi điều chỉnh tăng LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 thêm 46,1%, lên 12,5 nghìn tỷ đồng (+46,1% YoY) so với dự báo trước đó, do (1) giả định thu nhập từ lãi (NII) tăng 3,1% và (2) thu nhập ngoài lãi (NOII) tăng 99,1% chủ yếu đến từ giả định về thu nhập bất thường từ việc ký hợp đồng hợp tác bancassurance độc quyền, các tác động này lớn hơn tác động do (2) mức tăng 10,1% cho giả định chi phí HĐKD (OPEX)i.
  • Sau TCB và VPB, HDB có tỷ lệ CAR cao thứ ba trong danh mục theo dõi của chúng tôi (13,4%) tính đến năm 2022.

  • HDB dự báo LNTT tăng 28% YoY trong năm 2023 (không bao gồm thu nhập bất thường) trong khi dự báo của chúng tôi chỉ là 12%.
  • HDB hiện đang giao dịch ở mức chiết khấu 3% so với P/B trung vị năm 2023 của các ngân hàng khác hiện đang là 1,02 lần, với ROE 2023 đạt 22,0% trong khi mức trung bình của các ngân hàng khác là 19,8%. Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng P/B 2023 ở mức 1,28 lần.
  • Rủi ro: Thu nhập phí ròng (NFI) thấp hơn dự kiến; việc hỗ trợ một tổ chức tín dụng yếu kém (DCI) có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngân hàng.

Chúng tôi đưa giả định thu nhập bất thường từ việc ký kết thỏa thuận bancassurance độc quyền vào năm 2023 vào mô hình định giá. Chúng tôi cho rằng HDB sẽ nhận được khoản phí ứng trước 5 nghìn tỷ đồng từ việc ký kết thỏa thuận độc quyền với một công ty bảo hiểm nhân thọ vào năm 2023. Chúng tôi kỳ vọng đà tăng trưởng mạnh mẽ của mảng bancassurance tại HDB sẽ tiếp tục trong năm 2023 nhờ vào tệp khách hàng tiềm năng của ngân hàng, ngay cả khi hiện đang có những tác động tiêu cực trong ngắn hạn gây nên bởi một số trường hợp vi phạm nguyên tắc bán bảo hiểm trong ngành ngân hàng. Ngân hàng kỳ vọng doanh thu phí từ việc bán bảo hiểm nhân thọ sẽ tăng khoảng 50% YoY trong năm 2023.

HDS phục hồi tăng trưởng tốt trong năm 2022. Trong năm 2022, tăng trưởng cho vay của HDS đạt 25,4% YoY, do (1) nhu cầu tín dụng tiêu dùng phục hồi sau các hạn chế về giãn cách xã hội trong năm 2021 và (2) thỏa thuận của HDS với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai gói hỗ trợ 10 nghìn tỷ đồng cho công nhân các khu công nghiệp trên cả nước. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng HDS có quy trình thẩm định tín dụng tương đối thận trọng,với tỷ lệ nợ xấu năm 2022 được kiểm soát tốt ở mức 7,11% (-18 điểm cơ bản YoY) trong khi tỷ lệ nợ xấu năm 2022 của ngành tài chính tiêu dùng là 11,8%.

HDB có tỷ trong cho vay kinh doanh bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp ở mức trung bình. Ngân hàng cho biết cho vay kinh doanh bất động sản tính đến năm 2022 đạt 21,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 7,9% tổng dư nợ tín dụng) và tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực này được cải thiện so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp chiếm 1,6% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng tính đến cuối năm 2022. Chúng tôi kỳ vọng rằng HDB sẽ chịu ảnh hưởng ít hơn so với một số ngân hàng khác về áp lực thanh khoản hiện tại trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc tăng lãi suất vào cuối năm 2022 sẽ làm tăng chi phí vốn của HDB. Mặc dù lợi suất tài sản sinh lãi (IEA) của ngân hàng có thể được điều chỉnh tương ứng để duy trì NIM, nhưng chúng tôi cho rằng nợ xấu cao hơn cũng sẽ dẫn đến hoàn nhập lãi dự thu cao hơn, ảnh hưởng đến NIM của ngân hàng. Do đó, chúng tôi dự báo NIM hợp nhất năm 2023 sẽ đạt 4,93% (-6 điểm cơ bản YoY).