Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDB): Triển vọng tích cực về NIM với dòng vốn chi phí thấp tiềm năng

Nguồn: VCSC

Triển vọng tích cực về NIM với dòng vốn chi phí thấp tiềm năng

 

HDB

 

  • Chúng tôi tăng giá mục tiêu thêm 11% lên 35.700 đồng/cổ phiếu và nâng khuyến nghị đối với Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDB) từ KHẢ QUAN lên MUA. Giá cổ phiếu của HDB đã giảm 21% trong 3 tháng qua. Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi là do (1) LNST sau lợi ích CĐTS 2022-2026 tăng tổng cộng 4% và (2) tác động tích cực của việc cập nhật giá mục tiêu của chúng tôi đến giữa năm 2023.
  • P/B mục tiêu cập nhật đến giữa năm 2023 của chúng tôi là 1,60 lần, thấp hơn 9,5% so với mức trung bình của các công ty cùng ngành là 1,70 lần vì mặc dù mô hình định giá của chúng tôi cho thấy sự cải thiện NIM tại ngân hàng mẹ, nhưng NIM hiện tại của ngân hàng này là thấp nhất chỉ sau STB. Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng P/B 2022 là 1,67 lần.
  • Chúng tôi điều chỉnh tăng LNST sau lợi ích CĐTS năm 2022 thêm 6,6% lên 7,4 nghìn tỷ đồng so với dự báo trước đó do (1) giả định thu nhập từ lãi (NII) tăng 1,3% và (2) thu nhập ngoài lãi (NOII) tăng 5,7%, cao hơn (2) mức tăng 3,1% trong giả định phí dự phòng của chúng tôi.
  • Tăng trưởng tín dụng hợp nhất năm 2022 của chúng tôi là 21,3% YoY. Ngoài ra, chúng tôi dự báo cho vay của HDS tăng 25,0% YoY trong năm 2022 từ mức thấp vào năm 2021.
  • Yếu tố hỗ trợ: NIM cải thiện cao hơn dự báo tại ngân hàng mẹ và HDS; chất lượng tín dụng tốt hơn dự kiến; phí ứng trước từ 1 thỏa thuận banca độc quyền.
  • Rủi ro: Không kiếm soát được chi phí tín dụng; diễn biến thu nhập phí (NFI) thấp hơn dự kiến; hỗ trợ một tổ chức tín dụng yếu kém có thể ảnh hưởng đà tăng trưởng của ngân hàng.

Chúng tôi kỳ vọng NIM sẽ tiếp tục được cải thiện tại ngân hàng mẹ. Tăng trưởng cho vay quý 1/2022 tại ngân hàng mẹ là 10,8% QoQ - cao hơn gấp đôi mức tăng trưởng cho vay quý 1/2021 là 5,2% QoQ - và được thúc đẩy bởi cả phân khúc bán lẻ (+11,7% QoQ) và doanh nghiệp (+10,7% QoQ). Với kết quả khả quan này, chúng tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% vào năm 2022 của ngân hàng là khả thi. Ngoài ra, chi phí vốn quý 1/2022 của ngân hàng mẹ là 3,67% so với 3,90% trong năm 2021. Tăng trưởng tiền gửi quý 1/2022 là 9,9% trong bối cảnh lãi suất huy động tăng gần đây; tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tăng trưởng huy động sẽ giảm tốc trong vài quý tới. Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn sẽ tăng trong khoảng 50 điểm cơ bản trong năm 2022 nhưng ghi nhận nhiều nguồn vốn vay từ nước ngoài hơn - đặc biệt là từ đối tác chiến lược mới của HDB là International Finance Corporation (IFC) – hỗ trợ cho các tác động của việc tăng lãi suất huy động và hỗ trợ tăng trưởng NIM tại ngân hàng mẹ.

HDB điều chỉnh giảm room FOL để chuẩn bị cho đợt phát hành riêng lẻ tiềm năng với NĐT nước ngoài. Theo ngân hàng, mức room FOL 21,5% không còn phù hợp với chiến lược kinh doanh của HDB cũng như nhu cầu đầu tư của NĐT nước ngoài. Do đó, ban lãnh đạo đề xuất thay đổi room FOL xuống 18,5%. Tính đến cuối năm 2021, cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Sovico với tỷ lệ sở hữu 14,48%. Theo quan điểm của chúng tôi, nếu HDB có được một NĐT nước ngoài chiến lược, điều này sẽ mang lại cho ngân hàng lợi thế cạnh tranh về chi phí huy động vốn. Ngoài ra, chủ tịch HĐQT mới của HDB là ông Kim Byoungho - cố vấn cấp cao của IFC, một trong những tổ chức mà HDB đã phát hành 325 triệu USD trái phiếu chuyển đổi. Chúng tôi kỳ vọng kinh nghiệm của tân Chủ tịch HĐQT sẽ hữu ích cho các thương vụ M&A tiềm năng và thu xếp nguồn tài chính từ nước ngoài cho HDB trong tương lai.