Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDB): ROE cao và thanh khoản dồi dào

                    Nguồn: VCSC

 ROE cao và thanh khoản dồi dào

 

 

  • Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA đối với Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDB) và tăng giá mục tiêu (TP) thêm 7,1% lên 22.500 đồng/CP chủ yếu do (1) dự báo LNST sau lợi ích CĐTS tổng hợp giai đoạn 2023-2027 tăng 5,1% (+8,0%/+4,6%/+4,6%/+5,1%/+4,3% lần lượt cho năm 2023/2024/2025/2026/2027) và (2) tác động tích cực của việc cập nhật mô hình định giá sang cuối năm 2024.
  • Chúng tôi điều chỉnh tăng LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 thêm 8,0% lên 9,2 nghìn tỷ đồng (+19,0% YoY) do (1) giả định chi phí dự phòng giảm 12,2% và (2) dự báo lợi nhuận từ chứng khoán đầu tư tăng 85,0%, lớn hơn (3) mức giảm 13,2% trong dự báo thu nhập phí do hiệu suất hoạt động thấp hơn dự kiến trong quý 3/2023.
  • Chúng tôi giả định HDB sẽ nhận được khoản phí ứng trước 5 nghìn tỷ đồng từ việc ký hợp tác độc quyền với công ty bảo hiểm nhân thọ trong năm 2024. HDB đặt mục tiêu LNTT năm 2023 tăng 25% YoY so với dự báo của chúng tôi là 16% YoY.
  • HDB hiện đang giao dịch với P/B năm 2023 gần tương đương với P/B trung bình năm 2023 của các ngân hàng là 1,20x. Ngoài ra, ROE năm 2023 của HDB là 22,6% so với mức trung bình của các ngân hàng là 20,7%, theo dự báo của chúng tôi. Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng P/B năm 2024 là 1,13x.
  • Rủi ro: Chi phí tín dụng cao hơn dự kiến; rủi ro phát sinh từ việc hỗ trợ tổ chức tín dụng gặp khó khăn (DCI) có thể cản trở sự tăng trưởng của ngân hàng.
Tiền gửi tăng trưởng mạnh ảnh hưởng NIM trong ngắn hạn nhưng hỗ trợ tăng thanh khoản và cơ sở khách hàng của HDB. Tính đến quý 3/2023, tiền gửi khách hàng của HDB tăng 58,3% so với năm 2022 và 10,4% so với quý trước (QoQ). Khoảng 90% số tiền gửi mới này trong 9T 2023 đến từ khách hàng bán lẻ - khả năng do yếu tố rủi ro thấp của tiền gửi có kỳ hạn trong bối cảnh các kênh đầu tư khác có nhiều biến động. Mặc dù mức tăng trưởng tín dụng 13,0% của HDB trong 9T 2023 cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng 6,9% của hệ thống, chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và tiền gửi đã ảnh hưởng đến NIM của ngân hàng. Ngoài ra, tỷ lệ cho vay/tổng huy động (LDR) quý 3/2023 là 67,4% (so với trần quy định hiện hành là 85%) và tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 15,6% (so với trần quy định hiện hành là 30%) cho thấy HDB có cơ sở thanh khoản tốt. Hạn mức tín dụng hiện tại của HDB là trên 25% và ngân hàng kỳ vọng sẽ dùng hết hạn mức trong quý 4/2023. Ngân hàng dự kiến tăng trưởng tín dụng quý 4/2023 sẽ tập trung vào tài trợ chuỗi cung ứng nông nghiệp, các công ty xuất khẩu và sản xuất. Chúng tôi cho rằng việc tăng tốc tăng trưởng tín dụng sẽ giúp cải thiện NIM của ngân hàng trong các quý tới.
 
Ban lãnh đạo kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ được cải thiện trong quý 4/2023. Tại cuộc họp gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, ban lãnh đạo đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu hợp nhất năm 2023 sẽ được kiểm soát dưới 1,5% (so với mức 2,26% trong quý 3/2023). Điều này có thể là do HDB kỳ vọng: (1) tín dụng tăng trưởng mạnh trong năm 2023 từ 25% trở lên, (2) tăng xử lý nợ xấu bằng dự phòng trong quý4/2023 và (3) tỷ lệ hình thành nợ xấu giảm do lãi suất cho vay thấp hơn và nền kinh tế dần cải thiện. Nợ xấu hợp nhất quý 3/2023 bao gồm: 66% từ khách hàng cá nhân tại ngân hàng mẹ, 18% từ HDS và 16% từ khách hàng doanh nghiệp. Trong khi đó, các khoản vay được cơ cấu lại theo Thông tư 02 là 1,5 nghìn tỷ (0,5% tổng dư nợ cho vay); HDB dự kiến các khoản vay cơ cấu lại này khoảng 2-3 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2023 (chưa đến 1% tổng dư nợ).