Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB): KQKD Q4/2022 vượt kỳ vọng nhờ chi phí dự phòng thấp

Nguồn: HSC

KQKD Q4/2022 vượt kỳ vọng nhờ chi phí dự phòng thấp

 

OCB

 

Tóm tắt

  • OCB đã công bố KQKD Q4/2022 với LNTT đạt 1.741 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ nhưng tăng 92% so với quý trước nhờ thu nhập lãi thuần tăng trưởng vửa phải và chi phí dự phòng ở mức thấp bất ngờ.
  • LNTT năm 2022 đạt 4,4 nghìn tỷ đồng (giảm 21%), cao hơn 12% so với dự báo của HSC (nhưng chỉ hoàn thành 62% kế hoạch của Ngân hàng). Tỷ lệ nợ xấu của OCB tăng nhưng chi phí dự phòng vẫn giảm.
  • OCB hiện có P/B dự phóng năm 2023 là 0,9%; chiết khấu 10% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân ở mức 1 lần. HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo cho Ngân hàng.

Sự kiện: Công bố KQKD Q4/2022

Sau khi công bố KQKD Q3/2022 kém khả quan, KQKD Q4/2022 của OCB đã có sự cải thiện đáng kể. LNTT hồi phục và tăng mạnh so với quý trước, tăng 92% đạt 1.741 tỷ đồng (gần như đi ngang so với cùng kỳ), chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần tăng trưởng vừa phải (tăng 13% so với cùng kỳ) và chi phí dự phòng giảm 56%.

LNTT năm 2022 đạt 4.389 tỷ đồng (giảm 21%), hoàn thành 62% kế hoạch của Ngân hàng. Kết quả cả năm vượt 12% so với dự báo của HSC nhưng chủ yếu là nhờ chi phí dự phòng thấp hơn ước tính mặc dù chất lượng tài sản đang kém đi.

Tăng trưởng tín dụng tăng tốc

Tổng tín dụng trong kỳ tăng 4,8% so với quý trước (tăng 18,5% so với đầu năm) đạt 122 nghìn tỷ đồng sau khi OCB nhận thêm được hạn mức tín dụng vào cuối tháng 12. Ngoài ra, số dư TPDN tiếp tục giảm 14,6% so với quý trước trong Q4/2022, theo đó chiếm tỷ trọng 2,4% trong tổng tín dụng (Q3/2022 là 3,1%) – đã tích cực hơn nhưng vẫn cao hơn mức 1,5% trong năm 2021.

Về mặt huy động, tổng vốn huy động tăng nhẹ 2,2% so với đầu năm lên 156 nghìn tỷ đồng, chủ yếu nhờ GTCG (tăng 41,5% so với đầu năm) tăng trong khi vay LNH giảm 29,4% so với đầu năm. Đáng chú ý là tiền gửi khách hàng đã tăng 4% so với quý trước (nhưng chỉ tăng 3,4% so với đầu năm).

Nói chung, vì tăng trưởng huy động thấp hơn tăng trưởng tín dụng, nên hệ số LDR điều chỉnh [tổng tín dụng / (tiền gửi khách hàng + vay LNH + GTCG)] đã tăng lên 78,3% từ 67,5%.

Tỷ lệ NIM vẫn tăng trước sức ép chi phí huy động

Tỷ lệ NIM Q4/2022 tăng 5 điểm cơ bản so với quý trước lên 3,98% nhờ lợi suất gộp (tăng 32 điểm cơ bản so với quý trước) tăng mạnh hơn một chút so với chi phí huy động (tăng 30,5 điểm cơ bản so với quý trước). Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tại thời điểm cuối Q4/2022 là 11,1%; giảm từ 15,8% trong Q4/2021 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tăng.

Tính chung cả năm 2022, tỷ lệ NIM tăng lên 3,99% từ 3,72% trong năm 2021 nhưng có thể sẽ giảm lại trong năm 2023 trước áp lực tăng chi phí huy động.

Thu nhập ngoài lãi giảm vì lãi mua bán trái phiếu khiêm tốn

Thu nhập ngoài lãi Q4/2022 giảm 22,7% so với cùng kỳ, chủ yếu do lãi mua bán trái phiếu ở mức khiêm tốn (giảm 93% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, HSC cho rằng một điểm tích cực đáng ghi nhận là việc hiện thực hóa lỗ danh mục trái phiếu (diễn ra vào Q2-Q3/2022) nhiều khả năng đã kết thúc và lãi mua bán trái phiếu có thể cải thiện dần trong thời gian tới vì lợi suất trái phiếu đã hạ nhiệt trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, lãi thuần HĐ dịch vụ tăng trưởng tốt (tăng 23% so với cùng kỳ) và thu nhập khác tăng mạnh (tăng 106% so với cùng kỳ, có thể là từ thu hồi nợ xấu).

Chi phí HĐ tăng từ nền thấp

Chi phí HĐ Q4/2022 tăng 30% so với cùng kỳ lên 760 tỷ đồng từ nền thấp trong Q4/2021 do chi phí nhân viên tăng 27%. Tính chung cả năm 2022, tỷ lệ CIR tăng đáng kể lên 36,1% từ 26,9% trong năm 2021 vì tổng thu nhập HĐ (giảm 4,3%) giảm trong khi chi phí HĐ tăng 16,3%.

Chất lượng tài sản cải thiện nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn tương đối cao

Tỷ lệ nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) và nợ xấu của OCB đã lần lượt giảm còn 2,5% (từ 4,4% trong Q3/2022) và 2,2% (từ 2,5% trong Q3/2022) nhưng vẫn là mức cao so với các NHTM tư nhân khác.

Với chất lượng tài sản cải thiện trong Q4/2022, OCB đã trích lập dự phòng một cách khiêm tốn (chi phí dự phòng giảm 59% so với quý trước và giảm 56% so với cùng kỳ). Lũy kế cả năm 2022, chi phí dự phòng chỉ tăng 7%; theo đó chi phí tín dụng ở mức thấp nhất trong 5 năm qua (0,96%).

Chi phí dự phòng thấp và tỷ lệ nợ xấu cao đã làm giảm đệm dự phòng với hệ số LLR giảm còn 59% tại thời điểm cuối năm 2022 (từ 83% trong năm 2021), là mức thấp nhất trong số các NHTM tư nhân.

HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo

OCB hiện có P/B dự phóng năm 2023 là 0,9%; chiết khấu 10% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân ở mức 1 lần. HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo cho Ngân hàng.