Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB): KQKD sợ bộ Q2/2023 chất lượng tài sản cải thiện nhưng lợi nhuận đi ngang

Nguồn: HSC

KQKD sợ bộ Q2/2023 chất lượng tài sản cải thiện nhưng lợi nhuận đi ngang 

 

MBB

 ,

Tóm tắt

  • MBB công bố KQKD sơ bộ Q2/2023 với LNTT đi ngang so với cùng kỳ đạt 6 nghìn tỷ đồng. Theo đó, LNTT 6 tháng đầu năm 2023 đạt 12,5 nghìn tỷ đồng (tăng 5%), bằng 48% dự báo của HSC cho cả năm 2023.
  • Tại Ngân hàng mẹ, tín dụng (tăng 11,3% so với đầu năm), huy động (tăng 9,4% so với đầu năm) và thu nhập lãi thuần (tăng 22% so với cùng kỳ) tăng tốt nhưng thu nhập ngoài lãi giảm 20% so với cùng kỳ. Và điểm quan trọng là chất lượng tài sản đã cải thiện với tỷ lệ nợ xấu giảm còn 0,97% từ 1,35% tại thời điểm cuối Q1/2023.
  • HSC duy trì khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu 27.200đ (tiềm năng tăng giá 33%) và dự báo. Hiện MBB có P/B dự phóng năm 2023 là 0,98 lần; chiết khấu 5% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân.

Sự kiện: KQKD sơ bộ Q2/2023

MBB đã công bố KQKD sơ bộ Q2/2023 và 6 tháng đầu năm 2023 vào thứ 6. Mặc dù LNTT hợp nhất đi ngang so với cùng kỳ (đạt 6 nghìn tỷ đồng) trong Q2/2023 và chỉ tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ (đạt 12,5 nghìn tỷ đồng) trong 6 tháng đầu năm 2023, bằng 48% dự báo của HSC cho cả năm 2023 (26 nghìn tỷ đồng), chúng tôi thấy chất lượng tài sản đã cải thiện một cách tích cực. Nói chung, HSC đánh giá KQKD là khả quan.

Chúng tôi sẽ phân tích các chỉ tiêu chính trên KQKD Ngân hàng mẹ dưới đây.

Tăng trưởng tín dụng cao

Tín dụng Ngân hàng mẹ tăng trưởng mạnh, tăng 11,3% so với đầu năm, cao hơn hẳn mức tăng trưởng ngành là 4%. Tăng trưởng tín dụng ở nhóm KHCN đạt 12%, DNNVV đạt 9% và doanh nghiệp lớn đạt 14%.

Tăng trưởng tiền gửi cao nhưng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn giảm

Tiền gửi khách hàng tăng mạnh 9,4% so với đầu năm (so với mức tăng trưởng ngành ngân hàng là 4%). Tuy nhiên, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn đã giảm còn 30,8% (so với 37,4% trong năm 2022). Tiền gửi không kỳ hạn nhóm khách hàng DNNVV (giảm 17,5%) giảm nhiều hơn so với nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn (giảm 3%).

Tổng thu nhập HĐ tăng trưởng khá nhờ thu nhập lãi thuần tích cực nhưng thu nhập ngoài lãi giảm

Tổng thu nhập HĐ tăng trưởng khá, ở mức 10% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2023, chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần tăng trưởng tích cực (tăng 22% so với cùng kỳ) nhưng thu nhập ngoài lãi giảm (giảm 21% so với cùng kỳ).

MBB đã hoàn thành 47% kế hoạch tổng thu nhập HĐ cả năm 2023 nhưng mới chỉ hoàn thành 34% kế hoạch thu nhập ngoài lãi và 21% kế hoạch thu nhập phí thuần.

Kết quả HĐ dịch vụ ở từng nhóm khách hàng như sau:

  • KHCN: Dịch vụ thẻ tăng trưởng mạnh, tăng 41% so với cùng kỳ trong khi các HĐ dịch vụ khác gặp khó khăn.
  • DNNVV: Dịch vụ thanh toán quốc tế (tăng 12% so với cùng kỳ), bancassurance (tăng 34% so với cùng kỳ), bảo lãnh (tăng 11% so với cùng kỳ) và ngoại hối (tăng 13% so với cùng kỳ) đều ghi nhận tăng trưởng khá tốt.
  • Doanh nghiệp lớn: Dịch vụ bảo lãnh (tăng 87% so với cùng kỳ) và ngoại hối (tăng 34% so với cùng kỳ) tăng mạnh so với cùng kỳ.

Thu nhập dịch vụ từ nền tảng số tăng trưởng rất mạnh, tăng 50% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2023 với số lượng giao dịch tăng 150% so với cùng kỳ.

Chất lượng tài sản cải thiện nhờ tái cơ cấu

Tỷ lệ nợ xấu giảm còn 0,97% từ 1,35% (tính cả TPDN). Theo MBB, nợ xấu đã tăng thêm 1.867 tỷ đồng, chủ yếu từ nhóm KHCN và DNNVV. HSC ước tính chi phí dự phòng tại Ngân hàng mẹ Q2/2023 khoảng 1 nghìn tỷ đồng, giảm từ mức đỉnh trong Q4/2022 và Q1/2023. Việc tái cơ cấu các khoản vay và TPDN từ các khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn đã giúp cải thiện chất lượng tài sản của MBB.

Duy trì khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu và dự báo

Chúng tôi duy trì khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo cho MBB. LNTT 6 tháng đầu năm 2023 bằng 48% dự báo của HSC cho cả năm 2023 – nói chung sát kỳ vọng. Chúng tôi chờ công bố BCTC đầy đủ để phân tích sâu hơn KQKD của MBB. Trước mắt, HSC đánh giá KQKD của MBB là tương đối tốt.